Robot Rosa sử dụng trong phẫu thuật thần kinh, bắt đầu đưa vào sử dụng tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 1-3-2017. Đến 24-6-2018 đã có 68 người bệnh được phẫu thuật bằng robot này - Ảnh: website Bệnh viện Bạch Mai
Theo một quan chức của Bộ Y tế, hiện với những BV như BV Bạch Mai, BV K, sau này sẽ có thêm BV Chợ Rẫy và Việt Đức, BV được tự chủ hoàn toàn trong mua sắm trang thiết bị, không phải báo cáo và không phải đợi Bộ Y tế thẩm định.
Việc được giao quyền tự chủ sẽ giúp BV được chủ động hơn, nhưng lại thiếu một tầng kiểm soát nên nếu không có những quy chế rõ ràng để quản lý, sẽ khó tránh tình trạng đẩy giá, nâng giá thiết bị như vừa qua.
Theo tin công khai trên Internet, một robot Da Vinci cùng thế hệ như robot được một BV Việt Nam đầu tư có giá 2 triệu USD (khoảng 47 tỉ đồng, theo tỉ giá hiện nay). Nhưng theo thông tin công bố rộng rãi, đã có BV mua thiết bị này với giá hơn 88 tỉ đồng. Các chuyên gia y tế cho rằng do đây là thiết bị hiện đại, tinh vi, chỉ cần thay đổi hay giảm đi chút ít công năng là giá cũng đã khác nhiều. Nhưng cho đến nay Bộ Y tế chưa có trang điện tử công bố giá trúng thầu các thiết bị có chức năng, chủng loại, cấu hình tương tự... để các BV, sở y tế mua sắm sau này có địa chỉ để tham khảo. Tình trạng "ai mua nấy biết" dễ dẫn đến thiếu thông tin đối chiếu, tạo cơ hội cho các hành vi nâng giá để trục lợi trên lưng người bệnh như đã xảy ra lâu nay.
Theo nguyên giám đốc một BV tuyến trung ương, muốn mua sắm thiết bị được đúng giá cần tìm hiểu kỹ về thiết bị mà BV định mua, so sánh giá giữa các nhà cung cấp và các thiết bị tương tự, trước khi bước vào mua sắm thực sự. Vị này cho biết từng có thiết bị nội soi giá chào ở Việt Nam gấp đôi giá bán hàng chính hãng ở nước ngoài.
"Khi thấy giá cao vô lý như vậy chúng tôi đã đàm phán và đã mua được với giá phù hợp" - vị này cho biết. Bên cạnh đó, ông cho rằng cần có một cái "tâm" khi mua sắm trang thiết bị, đồ dùng cho người bệnh, vì phần lớn người bệnh đều nghèo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận