Việt Nam đã thanh toán bại liệt từ năm 2000, tuy nhiên nguy cơ bệnh bại liệt có thể xâm nhập vào nước ta. Để chủ động phòng chống bệnh bại liệt, Bộ Y tế đã đưa ra một số khuyến cáo để người dân thực hiện như sau:
1. Phòng bệnh chủ động cho trẻ dưới 5 tuổi bằng uống vắc xin phòng bệnh bại liệt ít nhất 3 lần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
2. Người chăm sóc trẻ cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, đặc biệt là khi cho trẻ ăn, sau khi đi vệ sinh.
3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, vật dụng, đồ chơi, dụng cụ học tập, bàn ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa.
4. Đảm bảo an toàn thực phẩm, sử dụng nguồn nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế ra môi trường. Phân của trẻ em cũng phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
5. Khi trẻ có dấu hiệu sốt, buồn nôn, cứng gáy, đau chi và cơ bắp hoặc liệt mềm cấp đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Bộ Y tế cho biết thêm, hiện tại vắc xin phòng chống bệnh bại liệt vẫn đang được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Bệnh bại liệt hay xảy ra vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè hàng năm. Bệnh có thời gian ủ bệnh dài từ 5-35 ngày, trung bình 6-20 ngày. Đa số trường hợp trẻ nhiễm bệnh khi được phát hiện đã ở giai đoạn sốt cao 39-40°C, rối loạn tiêu hoá (nôn, buồn nôn, đi ngoài phân táo hoặc lỏng), li bì hoặc vật vã, hay kêu khóc; đau và co cứng các cơ vùng cổ, thân mình và sau đùi làm trẻ mệt mỏi, sức cơ yếu, đôi khi có hiện tượng co giật nhẹ ở những cơ sau này sẽ bị liệt. Trường hợp nặng thì bị liệt cơ hô hấp, dẫn đến suy hô hấp và có thể tử vong. Bệnh có thể chữa khỏi nhưng để lại di chứng liệt suốt đời. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 2-8 tuổi, đặc biệt là trẻ 2-4 tuổi chiếm tới 60-80%.
Nguồn: Cục Y tế dự phòng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận