Bộ Y tế khẳng định vẫn đủ vắc xin phòng dại đáp ứng nhu cầu tiêm của nhân dân. Ảnh: TTXVN
Do đó, việc tiên lượng, dự báo nhu cầu vắc xin phòng dại là tương đối khó khăn so với các loại vắc xin khác. Tuy nhiên, Cục Quản lý Dược khẳng định, theo báo cáo của các đơn vị nhập khẩu, khả năng cung ứng vắc xin phòng dại trong năm 2018 là đủ để cung ứng cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân.
Cục Quản lý Dược cũng cho biết thêm, để bảo đảm cung ứng đủ thuốc (bao gồm cả vắc xin, sinh phẩm) cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh loại này của nhân dân, Cục đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan (Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng) để kịp thời dự báo nhu cầu sử dụng thuốc làm cơ sở cho các đơn vị, sản xuất, kinh doanh chủ động kế hoạch cung ứng thuốc.
5 vắc xin phòng dại được cấp giấy đăng ký lưu hành
Cục Quản lý Dược cho biết: Hiện tại có 5 vắc xin phòng dại được cấp giấy đăng ký lưu hành và đã được nhập khẩu hoặc có thể được nhập khẩu vào Việt Nam (không yêu cầu cấp phép nhập khẩu), bao gồm: Verorab (sản xuất tại Pháp), Abhayrab, Indirab, Speeda và Rabipur (đều được sản xuất tại Ấn Độ).
Theo báo cáo của các đơn vị nhập khẩu, khả năng cung ứng vắc xin phòng dại trong năm 2018 là đủ để cung ứng cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân. Cụ thể là: Số lượng vắc xin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm khoảng 1.300.000 liều; lượng nhập khẩu vắc xin phòng dại năm 2017 khoảng 1.467.000 liều. Kế hoạch cung ứng vắc xin phòng dại trong năm 2018 (dự kiến) của các công ty là: Vắc xin Verorab khoảng 493.000 liều; vắc xin Abhayrab khoảng 1.400.000 liều; vắc xin Indirab khoảng 300.000 liều; vắc xin Speeda đã nhập khẩu 2.200 liều trong năm 2018 và nếu các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu thì cơ sở tiếp tục nhập khẩu các lô tiếp theo.
Như vậy, theo báo cáo của các công ty nhập khẩu, sản xuất thì khả năng cung ứng vắc xin phòng dại trong năm 2018 cho thị trường Việt Nam chỉ tính riêng Veorab, Abhayrab và Indirab (chưa bao gồm) Speeda là 2.193.000 liều (cao gấp 149% so với tổng số lượng vắc xin phòng dại đã nhập khẩu trong năm 2017 và cao gấp 169% so với số lượng vắc xin phòng dại sử dụng trung bình mỗi năm).
Chủ động ưu tiên thẩm định nhanh các hồ sơ đăng ký
Cục Quản lý Dược cho biết: Trước thời điểm các đơn vị có báo cáo thiếu vắc xin phòng dại, Cục đã có công văn gửi các cơ sở sản xuất, đăng ký, nhập khẩu vắc xin đề nghị các cơ sở báo cáo kế hoạch sản xuất, cung ứng vắc xin, huyết thanh chứa kháng thể và báo cáo các trường hợp dự kiến có giảm nguồn cung, khoảng thời gian dự kiến sẽ giảm, kế hoạch khắc phục. Đồng thời, Cục đã có công văn gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế đề nghị khẩn trương rà soát, tổng hợp và báo cáo về Bộ Y tế tình hình các thuốc (bao gồm cả vắc xin) có khả năng bị thiếu tại các cơ sở.
Ngay sau khi nhận được thông tin tại một số đơn vị, địa phương phản ánh về việc có nguy cơ chưa cung ứng đủ vắc xin phòng bệnh dại, Cục đã chủ động liên hệ với các đơn vị có liên quan để tìm hiểu nguyên nhân thiếu vắc xin, số lượng vắc xin có nguy cơ bị thiếu. Cục cũng đề nghị các đơn vị, địa phương chủ động liên hệ với công ty nhập khẩu, cung ứng vắc xin để đặt hàng. Cục đã chủ động liên hệ với các công ty nhập khẩu, cung ứng vắc xin Veorab, Abhayrab, Indirab, Speeda đề nghị liên hệ và ưu tiên cung ứng vắc xin cho các đơn vị, địa phương có báo cáo thiếu vắc xin phòng dại.
Ngoài ra, Cục cũng chủ động ưu tiên thẩm định nhanh các hồ sơ đăng ký đề nghị thay đổi, bổ sung đối với các vắc xin phòng dại hiện đang trong quá trình lưu hành tại Việt Nam (vắc xin Speeda và Indirab). Riêng đối với vắc xin Speeda, khi Công ty Biển Loan nhập khẩu về 2.200 liều nhưng do cơ sở chưa nộp hồ sơ thay đổi bổ sung nên Viện Kiểm định vắc xin quốc gia chưa thể cho xuất xưởng. Ngay sau khi nhận được hồ sơ bổ sung vào ngày 12/4/2018 của công ty này thì ngày 24/4/2018, Cục Quản lý Dược đã có công văn chấp nhận hồ sơ thay đổi bổ sung. Như vậy, 2.200 liều vắc xin này có thể xuất xưởng và đưa ra cung ứng cho các cơ sở tiêm chủng.
Vắc xin phòng dại được sản xuất với nhiều công đoạn phức tạp
Theo Cục Quản lý Dược: Vắc xin phòng dại được sản xuất bằng công nghệ sinh học với nhiều công đoạn phức tạp. Thời gian cần thiết trung bình cho sản xuất là từ 6-12 tháng. Từng lô sản xuất/nhập khẩu phải được kiểm định trong nước, nước ngoài và chỉ được lưu hành khi có kết quả kiểm định đạt yêu cầu. Ngoài ra, do yêu cầu cao về công nghệ nên số lượng nhà sản xuất trên toàn thế giới ít. Trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, vắc xin nói chung, vắc xin phòng dại nói riêng phải được cơ quan kiểm định có thẩm quyền của nước ngoài kiểm tra đáp ứng yêu cầu. Sau khi đã nhập khẩu vào Việt Nam, vắc xin phải được tiếp tục kiểm định bởi Viện Kiểm định quốc gia vắc xin, sinh phẩm y tế đạt yêu cầu mới được đưa ra lưu hành, sử dụng.
Do đặc thù là vắc xin phòng dại là nhu cầu sử dụng phụ thuộc số lượng dân bị súc vật cắn. Vì vậy, việc tiên lượng, dự báo nhu cầu vắc xin phòng dại là tương đối khó khăn so với các loại vắc xin khác. Trong khi đó, hợp đồng ký giữa các cơ sở cung ứng vắc xin với các đơn vị tiêm chủng đa phần là hợp đồng nguyên tắc, không có số lượng cụ thể nên khó khăn cho các cơ sở cung ứng trong việc cung cấp vắc xin; nhất là khi nhu cầu tăng.
Về phía người dân cũng như các cơ sở tiêm chủng thường có xu hướng ưu tiên sử dụng vắc xin Verorab do vắc xin này được sản xuất tại Pháp; trong khi trên thị trường có nhiều loại vắc xin khác đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành trên cơ sở có đầy đủ giữ liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả (Abhayrab, Indirab, Speeda...). Thực tế, vừa qua một số địa phương thiếu vì dự trù một loại vắc xin (Verorab) nên khi vắc xin này bị tạm gián đoạn nguồn cung mới chuyển sang đặt hàng vắc xin khác. Đây là lý do nhà sản xuất, nhà nhập khẩu không kịp cung ứng đủ vắc xin phòng dại cho các đơn vị này. Đặc biệt, nguyên nhân thiếu vắc xin còn do nhu cầu vắc xin phòng dại có xu hướng tăng cao trong thời gian gần đây, nhất là trong mùa hè.
Ưu tiên cung ứng đủ vắc xin cho các đơn vị, địa phương thiếu
Để bảm bảo cung ứng đủ vắc xin phòng dại cho nhu cầu tiêm chủng của nhân dân, Cục Quản lý dược đề nghị trước mắt các cơ sở nhập khẩu ưu tiên cung ứng vắc xin phòng dại cho các đơn vị, địa phương có báo cáo về việc thiếu vắc xin; đồng thời, rà soát qui định cung ứng vắc xin trong nội bộ của đơn vị để đảm bảo rút ngắn thời gian đưa vắc xin ra lưu hành trên thị trường.
Các đơn vị các liên quan cần triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng quyết định của Bộ Y tế về việc phê duyệt "Hướng dẫn giám sát, phòng bệnh dại trên người"; thực hiện đúng theo các công văn chỉ đạo, điều hành của Cục Quản lý Dược, Cục Y tế dự phòng trong vấn đề đảm bảo cung ứng vắc xin phòng dại.
Các cơ sở tiêm chủng vắc xin chủ động dự trù, đặt hàng, ký hợp đồng cụ thể, kịp thời theo từng vắc xin đối với từng đơn vị cung ứng để tránh rủi ro khi một vắc xin bị thiếu hụt thì có vắc xin khác thay thể.
Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người có các biện pháp tổng hợp để đạt được kết quả cao nhất, bao gồm: Truyền thông cho người dân trong chăn nuôi chó cần tiêm phòng dại cho chó theo đúng hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương để tránh bệnh dại lây lan; phải chăm sóc, chăn dắt chó kỹ lưỡng tránh để chó cắn người gây bệnh tật nguy hiểm.
Các cơ sở y tế khi tiếp nhận người bị chó cắn cần phân loại mức độ liên quan đến chó đã bị dại hay chưa bị dại, nghi ngờ bị dại và vị trí vết chó căn để hướng dẫn người dân theo dõi tiếp; những trường hợp có nguy cơ rủi ro cao được tiêm phòng trước những trường hợp ít có nguy cơ để đảm bảo duy trì đủ lượng vắc xin dại cho nhu cầu tiêm chủng trong trường hợp thiếu hụt vắc xin tạm thời.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur trực thuộc Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương kịp thời tổng hợp số liệu hoạt động phòng chống bệnh dại trên phạm vi toàn quốc; báo cáo Bộ Y tế (Cục Y tế Dự phòng). Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tại các khu vực kịp thời thực hiện việc thông tin, báo cáo số liệu giám sát ca bệnh và hoạt động phòng chống bệnh dại trên người của các đơn vị theo khu vực phụ trách về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để tổng hợp báo cáo Bộ Y tế; thực hiện việc tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm và xét nghiệm chẩn đoán xác định bệnh dại trên người; khẩn trương chủ động hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật, theo dõi, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác phòng chống bệnh dại trên người tại các đơn vị thuộc khu vực phụ trách. Đồng thời, phối hợp và chia sẻ thông tin giám sát bệnh dại trên người với các cơ quan thú y vùng theo qui định.
Sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng chương trình phòng chống bệnh dại trên người của tỉnh; chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn quản lý triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh dại trên người. Đồng thời, phối hợp với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức thực hiện và kiểm tra công tác phòng chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.
Các bệnh viện tuyến Trung ương, tỉnh, huyện và các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện điều tra ca bệnh theo phiếu điều tra, lập danh sách ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm của các trường hợp bệnh nhân nghi dại đến khám; điều trị và báo cáo theo qui định. Đồng thời, cập nhật, tập huấn cách xử trí phác đồ cấp cứu, điều trị bệnh nhân dại, nghi dại; chuẩn bị đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị và phương tiện cần thiết để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị bệnh nhân dại, nghi dại...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận