Các bác sĩ khám sàng lọc, lấy mẫu tầm soát bệnh bạch hầu ở Krông Nô, Đắk Nông - Ảnh: TÂM AN
Theo đó, đã có 1 bệnh nhân được ghi nhận ở Đắk Lắk. Đây là tỉnh thứ 4 ở Tây Nguyên và là địa phương thứ 5 trong cả nước ghi nhận bệnh nhân bạch hầu, sau Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và TP.HCM trong thời gian từ tháng 6 đến nay.
Tính tổng số đến nay đã có 63 ca bệnh, gấp 3 trung bình hàng năm, trong đó có 3 bệnh nhân tử vong. Trong số 3 trẻ đã tử vong, có 1 cháu 4 tuổi đã tiêm đủ 4 mũi vắcxin có thành phần bạch hầu cơ bản, gồm 3 liều 5 trong 1 và 1 liều DPT. Trong 2 ca tử vong còn lại, 1 trường hợp chưa rõ tiền sử tiêm chủng, 1 mới tiêm được 1 trong 4 mũi vắcxin cơ bản.
Đồng thời, số ca mắc bệnh và diện địa phương có ca mắc vẫn đang lan rộng.
Chiều nay 7-7, Bộ Y tế đã tổ chức họp khẩn. Theo cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Đặng Quang Tấn, có tới 47% bệnh nhân không có biểu hiện bệnh (người lành mang trùng). Đa số ca mắc là trẻ em trên 7 tuổi và chưa được tiêm phòng đầy đủ.
Bộ Y tế đánh giá dịch bạch hầu là dịch nguy hiểm, do có thể biến chứng viêm cơ tim và gây tử vong. Trước mắt, bộ sẽ triển khai chiến dịch tiêm ngừa vắcxin cho trẻ em tại các tỉnh Tây Nguyên và 2 tỉnh nguy cơ cao là Quảng Nam, Quảng Ngãi để ngăn chặn bệnh bạch hầu.
Tại cuộc họp, Quyền bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu toàn ngành y tế tập trung phòng bệnh bạch hầu, triển khai ngay chiến dịch tiêm chủng (trước đây bộ dự định triển khai chiến dịch này vào quý 1-2020) cho toàn bộ trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên.
Trong đó, trẻ 2-4 tháng tuổi tiêm vắcxin 5 trong 1, trẻ 18-22 tháng tuổi, trẻ 5-7 tuổi tiêm vắcxin 3 trong 1 do Việt Nam sản xuất, người lớn sẽ tiêm vắcxin Td ngừa bạch hầu - uốn ván giảm liều, với liều bằng 1/5 của trẻ em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận