Chen nhau vào đăng ký chích ngừa dịch vụ văcxin tại phòng khám đa khoa 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội) - Ảnh: Quang Minh |
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, tuy đợt văcxin 5 trong 1 dịch vụ Pentaxim về Việt Nam lần này lên tới 200.000 liều nhưng vẫn dấy lên lo lắng cung không đủ cầu.
Tình trạng tại cơ sở tiêm chủng số 182 Lương Thế Vinh, Hà Nội sáng 25-12 tại Hà Nội càng khiến nhiều phụ huynh có con nhỏ hoang mang.
Trước vụ việc này, chiều tối qua 25-12, thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc làm việc tìm giải pháp giải quyết khủng hoảng thiếu văcxin. Tại cuộc họp, ông Long đã yêu cầu kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của cơ sở tiêm chủng xảy ra tình trạng hỗn loạn sáng 25-12.
Chủ trì buổi họp báo là ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng cục y tế dự phòng và ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.
Cùng tham dự còn có ông Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, bà Dương Thị Hồng - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng.
Theo thông báo của Sanofi - nhà sản xuất văcxin dịch vụ 5 trong 1, quý 4-2015 có trên 140 ngàn liều văcxin này cung cấp cho thị trường VN.
Hiện có gần 30 loại văcxin đưa vào tiêm chủng, trong đó có tiêm chủng mở rộng phòng 12 bệnh, 10 văcxin, nhà nước đã miễn phí, còn lại tiêm chủng dịch vụ. Nhưng trên thế giới không tồn tại 2 hệ thống như thế này.
Phát biểu mở đầu cuộc họp báo, Cục trưởng Trần Đắc Phu nói tình trạng thiếu văcxin thời gian qua chỉ chủ yếu ở 2 văcxin 5 và 6 trong 1 dịch vụ
Nhưng tiêm chủng mở rộng vẫn đảm bảo cung cấp đủ văcxin 5 trong 1 có thành phần tương đương 5 trong 1 dịch vụ. Một năm có 4,5 triệu mũi quinvaxem được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng. Văcxin dịch vụ chiếm 10% thị trường.
Trước câu hỏi đặt ra là vì sao có sự quan ngại với văcxin Qinvaxem? - Theo ông Phu là vì thành phần ho gà toàn tế bào trong Quinvaxem hay gây phản ứng sốt, sưng đau sau tiêm.
Trước đây chưa có văcxin dịch vụ thì người ta không so sánh. Hiện đã có dịch vụ nên người dân so sách, đó là quyền của người sử dụng dịch vụ.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục y tế dự phòng - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Theo ông Phu, văcxin dịch vụ hiếm nhưng không phải Bộ Y tế cấm nhập mà vì nhà sản xuất không cung ứng đủ. Do họ thay đổi nhà máy sản xuất. Dù hiếm nhưng Bộ Y tế vẫn cố gắng để có văcxin cho những người chưa thật sự tin tưởng văcxin của chương trình tiêu chủng mở rộng.
Ông Phu nói: "Bộ y tế đã có những chỉ đạo quyết liệt, không để xảy ra tăng giá, trục lợi trong việc khan hiếm văcxin này. Nhưng ngày 25-12 đã xảy ra hỗn loạn ở một cơ sở tiêm chủng, chúng tôi đã yêu cầu các cơ sở phải đảm bảo an toàn, hiệu quả, tăng cường cảnh giác nếu không có thể xảy ra tai biến".
"Bộ Y tế cũng nghiêm cấm tăng giá, trục lợi trong tiêm chủng văcxin dịch vụ. Không thể có một ít văcxin mà cả nước không tiêm Quinvaxem nữa vì như thế dịch có thể bùng lên. Như năm 2014 vừa qua ở Hà Nội đã có dịch ho gà".
"Quan trọng nhất là tổ chức tiêm. Chúng tôi đã bàn sẽ có thể cho đăng ký trên trực tuyến và đăng ký trực tiếp".
Theo cục trưởng cục y tế dự phòng, cha mẹ không được bế trẻ đi đăng ký mà trên cơ sở đăng ký đó cơ sở tiêm chủng sẽ hẹn lịch đến tiêm. Cơ sở tiêm chủng cũng phải đảm bảo trật tự trong quá trình tiêm văcxin cho trẻ. Phải mời công an hỗ trợ đảm bảo trật tự nếu thấy cần thiết.
Nếu tiêm không đủ mũi mà hết văcxin dịch vụ thì có thể tiêm Quinvaxem. Tiêm Quinvaxem là tốt chứ không phải không tốt vì miễn dịch rất cao
Trong khi tiêm phải đảm bảo khám sàng lọc kỹ, trong quá trình tiêm chủng nếu xảy ra lộn xộn phải giải quyết ngay. Các cơ sở phải mở thêm bàn tiêm và bàn tư vấn và tiếp tục duy trì tiêm Quinvaxem miễn phí song song với tiêm văxin dịch vụ, nếu thiếu mũi dịch vụ thì cha mẹ nên cho con tiêm Quinvaxem, không nên đợi để bỏ sót mũi tiêm.
Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng cục quản lý dược chia sẻ với các phóng viên về tình hình nhập khẩu văcxin tại Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cũng cho biết: Nỗi lo nhất hiện nay là dịch bùng lên. "Khi không có văcxin dịch vụ cũng khổ, mà có kiểu này còn khổ hơn", ông Cường nói.
Về tình hình cung ứng văcxin, theo ông Cường trên thế giới có 3 nhà sản xuất có công nghệ sản xuất văcxin ho gà vô bào là Nhật Bản, hãng GSK và Sanofi Pasteur
"Nhật Bản chúng tôi đã sang tận nơi đề nghị nhưng họ không xuất khẩu, chỉ sản xuất đủ dùng. Còn lại 2 hãng, nhưng GSK năm trước đã tự kiểm tra và phát hiện một số lô không đủ hiệu giá kháng thể, họ ưu tiên cung cấp cho quốc gia dùng trong tiêm chủng mở rộng. Cục đã tìm hết cách sang Pháp, Bỉ, Hàn Quốc để tìm nhập văcxin", ông Cường nói.
Theo ông Cường, khi sang Hàn Quốc họ nói họ rất lạ bởi có 90 nước sử dụng Quinvaxem đều rất tốt. Còn vắcxin 5 trong 1 thì ở Pháp cũng thiếu, nhưng thiếu thì họ sẽ chuyển sang văcxin khác, không như ở Việt Nam.
Cục cũng nhắn tất cả doanh nghiệp nếu tìm được ho gà vô bào thì Cục sẽ tạo điều kiện nhập khẩu. Gần đây có một doanh nghiệp có nói họ có công nghệ, Cục sẵn sàng cho gia công tại VN. Vấn đề cũng không nằm ở chỗ giá nhập khẩu mà là nguồn cung không có.
Về biện pháp, theo Cục trưởng Trương Quốc Cường, ngoài việc tìm thêm nguồn hàng, đi đàm phán, thì tháng 11 vừa qua Công ty Sanofi hứa sẽ điều phối một số văcxin chuyển cho VN.
Vì vậy không chỉ có 40-50 ngàn liều mà họ sẽ điều phối từ Thái Lan và Malaysia, tháng 12 có 160 ngàn liều. 40 ngàn liều còn lại tháng 2-2016 sẽ về. Cục không thông báo rộng rãi vì như vậy các bậc cha mẹ sẽ chờ đợi. Chờ văcxin kiểm định xong chúng mới công bố.
"Để đảm bảo, chúng tôi yêu cầu công khai minh bạch và đã công bố danh sách 161 điểm tiêm toàn quốc. Các điểm ngoài danh sách 161 điểm tiêm văcxin đó là bất thường. Còn giá thì bán buôn đã có giá trần là 630 ngàn đồng/liều".
"Bán lẻ sẽ tuỳ điểm tiêm nhưng không được quá cao so với giá này. Nếu phát hiện chỗ nào bán giá cao đề nghị thông báo cho chúng tôi, chúng tôi sẽ đề nghị ngừng hợp đồng phân phối ngay", ông Cường nói.
Theo ông Cường, văcxin xách tay thì không đảm bảo điều kiện bảo quản, hiện Cục đang tìm thêm nguồn nhập khẩu loại văcxin 5 trong 1 và 6 trong 1 đang có.
Hiện có văcxin hexaxim cũng có thành phần ho gà vô bào, đã tiêm thử nghiệm ở Thái Bình cho 354 trẻ. Nếu đảm bảo hiệu giá kháng thể thì Cục có thể nghiệm thu, cấp phép lưu hành sau tháng 6-2016.
Không thể cam kết có thêm văcvin 5 trong 1 trong năm 2016
Trả lời câu hỏi của báo chí về nguồn cung cấp văcxin dịch vụ 5 trong 1 sắp tới, ông Cường cho biết, các văcxin mới về là do Cục đã đi đàm phán từ năm trước. 2016 không cam kết có thêm vắc xin 5 trong 1, ngoài 40 ngàn liều sẽ về Việt Nam vào tháng 2-2016.
Tình trạng thiếu vắc xin là thiếu thật, sốt thật, trên toàn hệ thống. Rất khó để 1 cháu bé được tiêm cả 4 mũi dịch vụ.
Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết về quy trình tổ chức tiêm chủng, muốn không để xảy ra lộn xộn thì sẽ đăng ký qua mạng. Trước khi triển khai sẽ công khai trên các cơ sở tiêm chủng và công bố với báo chí.
Ông Cảm giải thích vụ lộn xộn ngày 25-12 tại điểm tiêm chủng 182 Lương Thế Vinh là do cho đăng ký và tiêm ngay. Đây là điểm tiêm liên doanh giữa Bệnh viện Đại học quốc gia Hà Nội và Công ty Polyvac. Điểm này có đủ giấy phép để thực hiện nhưng cách tổ chức không khoa học, sẽ phải rút kinh nghiệm.
Theo ông Cảm, Hà Nội có khoảng 150 ngàn trẻ dưới 1 tuổi. Năm 2014 đã tiêm trên 400 ngàn mũi Quinvaxem cho trẻ.
Nếu tiêm đủ mũi thì cần 450 ngàn mũi tiêm 5 trong 1. Như vậy số vắc xin 5 trong 1 dịch vụ đã và sẽ có sẽ đảm bảo 60-70% nhu cầu, tuy nhiên đó là chưa tính được số trẻ ở tỉnh thành khác về Hà Nội tiêm.
Theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng cục y tế dự phòng, vấn đề đăng ký tiêm văcxin dịch vụ cho trẻ là khâu khó nhất. Để tránh tình trạng chen lấn hỗn loạn như những ngày vừa qua, sắp tới cơ quan chức năng sẽ triển khai việc đăng ký qua mạng.
Việc tiêm chủ sẽ được tổ chức tốt, an toàn đảm bảo thì mới tiến hành tiêm, không vừa đăng ký vừa tiêm như vừa qua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận