Bệnh nhân nhập viện do rượu - Ảnh: TTXVN
Đó là những thông tin được đưa ra tại hội thảo về dự án Luật phòng chống tác hại của rượu, bia do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới vừa mới tổ chức tại Hà Nội.
Theo Bộ Y tế, dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia gồm 6 chương, 22 điều dự kiến sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 tới. Trong dự thảo luật đã đề cập các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; các biện pháp giảm tác hại; đảm bảo nguồn lực cho phòng chống tác hại của rượu, bia.
Đặc biệt, trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia lần thứ 2 này đã đưa ra 3 phương án cụ thể về quy định thời gian được bán và không bán rượu bia. Cụ thể:
Phương án 1 là các đơn vị kinh doanh được bán rượu, bia trong các khoảng thời gian: từ 11 giờ - 14 giờ; và từ 17 giờ - 22 giờ hằng ngày; trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực sân bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí du lịch.
Phương án 2 chỉ được bán rượu, bia trong khoảng thời gian từ 6 giờ - 22 giờ.
Phương án 3 là thời gian không được bán rượu, bia thực hiện theo lộ trình quy định của Chính phủ.
Đây cũng là điểm khác so với dự thảo lần 1 Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Trước đó quy định thời gian cấm bán rượu, bia là sau 22 giờ; nhưng có nhiều ý kiến cho rằng điều này không khả thi nên trong dự thảo lần 2 đã đưa ra 3 phương án cụ thể để lấy ý kiến.
Một điểm đáng chú ý nữa trong dự thảo luật lần này là đưa ra các phương án quy định về nồng độ cồn với người điều khiển môtô, xe máy giảm xuống. Cụ thể: Phương án 1 quy định nồng độ cồn trong máu người điều khiền phương tiện không vượt quá 30mg/10ml máu hoặc 0,15 mg/1 lít khí thở; phương án 2 là không được có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở khi tham gia giao thông.
Theo ông Nguyễn Huy Quang, vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế: Tại Việt Nam, mức sử dụng tới 6,6 lít cồn nguyên chất/người/năm là con số quá "khủng", nó gây ra những tác hại lâu dài chưa thể tính ngay được. Đặc biệt, việc sử dụng rượu bia không kiểm soát sẽ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ, liên quan đến sức khỏe người cao tuổi, trung niên về cả thể chất, tinh thần; chưa nói tới rượu, bia làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông, gây thương tích... Hiện nay các nước đều đã có luật về phòng chống tác hại rượu, bia; tại Việt Nam cũng đã có một số quy định liên quan đến sử dụng rượu, bia trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên vẫn cần phải có Luật phòng chống tác hại của rượu bia riêng biệt cùng với Luật phòng chống tác hại thuốc lá để có thể nâng cao sức khỏe cộng đồng, tạo ra yếu tố dự phòng bệnh tật tốt hơn.
Đánh giá về khả năng thực thi luật trong thực tế, ông Quang cho biết: "Luật phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ có tác động sâu rộng tới nhiều người dân. Tuy nhiên, cũng giống như Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, sẽ cần phải có một quá trình thực hiện mới phát huy hiệu quả. Như Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, sau khi được thông qua đã cho thấy rõ hiệu quả, đó là: Giảm hẳn tỉ lệ hút thuốc lá tại các công sở, giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá ở đối tượng phụ nữ, các nơi công cộng cũng đã giảm hẳn lượng người hút, ý thức người dân cao hơn nhiều... Trước đây vỏ bao thuốc lá chỉ có một mẩu rất nhỏ cho phần cảnh báo nhưng hiện nay phần cảnh báo đã chiến diện tích tới một nửa vỏ bao thuốc; điều này có tác dụng răn đe, tuyên truyền rất lớn về tác hại thuốc lá. Cũng như vậy, với Luật phòng chống tác hại của rượu, bia; việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi của người dân, các chương trình tổ chức thường xuyên để tuyên truyền lâu dài về các tác hại thì việc sử dụng sẽ giảm đi".
Cũng theo ông Quang, quan trọng nhất vẫn là ý thức nghiêm túc thực hiện của người dân. Việc đặt ra chế tài xử phạt cao cũng phải xét đến mặt bằng chung giữa thành phố và những khu vực nông thôn, miền núi cho hợp lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận