Theo ông Quang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã phân công ông đề nghị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình xem xét việc này.
Ông Quang cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đã căn cứ vào điều 242, Bộ Luật hình sự khởi tố bị can và bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương, người có liên quan trong vụ tai biến chạy thận hôm 29-5 làm tám người tử vong.
Có bốn yếu tố cấu thành tội phạm theo tội danh trong điều 242, theo ông Quang, cơ quan công an sau khi phân tích cả bốn yếu tố cấu thành tội phạm gồm chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan để khởi tố bị can và bắt tạm giam là đúng với tội danh trên.
Tuy nhiên, riêng trường hợp bác sĩ Hoàng Công Lương, ông Quang cho hay đây là một bác sĩ trẻ, nhiệt huyết, liên quan trong vụ việc này một cách vô ý, không có biểu hiện bỏ trốn, tiếp tục phạm tội, trong khi nhân thân tốt, địa chỉ rõ ràng, nên đề nghị cân nhắc thay đổi biện pháp ngăn chặn bằng cách cho bác sĩ tại ngoại để phục vụ công tác điều tra.
"Thẩm quyền vẫn là của cơ quan công an, nhưng chúng tôi mong mỏi việc xử lý theo hướng thấu tình đạt lý, sai đến đâu xử đến đó, và nếu xử lý thấu tình đạt lý cũng là động viên các thầy thuốc và nhân viên y tế" - ông Quang nói.
Sai sót của bác sĩ Lương là sai sót về thủ tục hành chính Về bảo dưỡng sửa chữa thiết bị, ông Quang cho hay đây là một chuỗi quy trình, bác sĩ Lương là người nhận bàn giao cuối cùng, sai sót của bác sĩ Lương là sai sót về quy tắc, thủ tục hành chính (chưa nhận bàn giao bằng văn bản đã cho chạy máy). Tuy nhiên, đây cũng là bài học kinh nghiệm quý cho cả ngành y tế, bên cạnh việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định chuyên môn về khám bệnh chữa bệnh, còn yêu cầu chấp hành các quy định hành chính. Đó cũng là yếu tố quan trọng bảo vệ cho thầy thuốc và việc hành nghề của họ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận