28/10/2017 11:33 GMT+7

Bộ Y tế cần hành động cụ thể bảo đảm an toàn cho bác sĩ

LÊ THỊ THIÊN HƯƠNG (nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành luật tại Pháp)
LÊ THỊ THIÊN HƯƠNG (nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành luật tại Pháp)

TTO - Câu chuyện "Báo động bác sĩ liên tiếp bị đánh" thu hút sự quan tâm của bạn đọc với đề xuất Bộ Y tế cần có hành động cụ thể để nâng cao an ninh trong bệnh viện và an toàn cho các bác sĩ.

Bộ Y tế cần hành động cụ thể bảo đảm an toàn cho bác sĩ - Ảnh 1.

Bác sĩ Trần Văn Sơn sau khi bị hành hung phải nằm điều trị tại khoa cấp cứu Bệnh viện Hữu nghịViệt Nam - Cu Ba Đồng Hới - Ảnh: QUỐC NAM

“Ông tổ nghề y Hippocrates từng nói: “Ở bất cứ nơi đâu có tình yêu cho nghệ thuật của y học, thì nơi đó cũng có tình yêu cho nhân loại”. Chừng nào thầy thuốc còn bị hành hung, chừng đó chúng ta chưa biết yêu thương nhân loại, chưa biết yêu thương chính bản thân mình

Khi đọc bài báo "Áo blouse nhuốm máu" của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trên VNExpress ngày 24-8-2017, tôi đã xúc động. 

Tôi buồn vì thấy nhiều bác sĩ bị đánh ngay tại bệnh viện, nhưng tôi cũng đã vô cùng hi vọng ở bộ trưởng, người trải lòng phẫn nộ, thương xót đối với các bác sĩ bị hành hung, sẽ có giải pháp cho vấn đề này.

Biết trông chờ vào ai?

Thế nhưng, dường như ngoài thể hiện sự phẫn nộ, bộ trưởng chưa có biện pháp cụ thể cần có. Và mới đây, lại có thêm hai vụ tấn công bác sĩ, nhân viên y tế ngay trong ca trực làm một người bị chém nhiều nhát và một người bị đánh chảy máu mặt.

Đạo đức xuống cấp, bệnh viện quá tải, an ninh kém... rất nhiều lý do khác nhau dẫn đến tình trạng này. Tất nhiên, không thể giải quyết cùng một lúc rất nhiều vấn đề có tính vĩ mô như thế, nhưng chúng ta chờ đợi Bộ Y tế có biện pháp hành động hiệu quả để bảo vệ những người làm nghề y, để họ yên tâm công tác chứ không lo ngay ngáy bị đánh ngay nơi làm việc.

Thế nhưng một lần nữa, bộ chỉ kêu gọi, qua lời kêu gọi của Bộ trưởng Kim Tiến. Bộ trưởng kêu gọi cộng đồng và cơ quan báo chí "lên án mạnh mẽ những hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế", và thứ hai, kêu gọi các cơ quan chức năng "xem xét, xử phạt thích đáng với người gây bạo lực". Nhưng rõ ràng là những điều này đâu có cần bộ trưởng kêu gọi thì mới làm.

Tôi dám chắc là rất nhiều người Việt Nam như tôi, khi đọc báo thấy lời kêu gọi của bộ trưởng, đặt câu hỏi biết trông chờ vào ai để chấm dứt bạo lực ở bệnh viện?

Cần hành động ngăn chặn

Trong khi đó, những gì tôi thấy ở các nước phát triển, là họ phản ứng đặc biệt nhanh và hiệu quả trong trường hợp tương tự. Tôi xin lấy ví dụ ở hai nước Pháp và Anh, nơi cũng đã phải đối mặt với hiện tượng hành hung bác sĩ trong bệnh viện như nước ta.

Ở Pháp, khi bắt đầu có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy có sự xuống cấp trong điều kiện làm việc của người làm ngành y, cụ thể là các bác sĩ phải đối mặt với hành vi bạo lực đến từ bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân, Bộ Y tế Pháp đã có ngay biện pháp cụ thể. 

Bộ trưởng Bộ Y tế đã tổ chức gặp lãnh đạo các hiệp hội bệnh viện, để thông báo kế hoạch hành động của bộ nhằm cải thiện vấn đề này. 

Bộ trưởng đưa ra các biện pháp cụ thể, như lắp đặt camera quan sát trong mọi cơ sở y tế, nâng cao kiểm soát người ra vào bệnh viện để đảm bảo an ninh, quy định nghĩa vụ của mỗi bệnh viện trong việc lên chương trình nâng cao chất lượng an ninh...

Ở Anh, tôi cũng chứng kiến các động thái đặc biệt cụ thể của bộ y tế khi có dấu hiệu bạo lực tăng cao, gây nguy hiểm cũng như ảnh hưởng tới công việc của các bác sĩ. 

Họ nhanh chóng thực hiện các giải pháp cụ thể như lập ra một cơ quan có nhiệm vụ tư vấn cho các bệnh viện trong việc cải thiện an toàn, an ninh bệnh viện.

 Vì thế, các biện pháp như phối hợp hiệu quả hơn với lực lượng cảnh sát, lắp đặt các thiết bị báo động, tăng cường nhân viên bảo vệ an ninh... đã nhanh chóng được thực thi để giảm thiểu các vụ hành hung bác sĩ, nhân viên y tế.

Có lẽ, điều khác biệt căn bản giữa ta và họ trong cách giải quyết vấn đề này là bộ y tế của họ luôn có những hành động cụ thể, thay vì liên tục kêu gọi như ở Việt Nam. 

Vì thế, xin Bộ Y tế Việt Nam mau chóng xem xét thông qua những hành động cụ thể để nâng cao an ninh, an toàn cho các bác sĩ, để họ an tâm hành nghề cứu người.

LÊ THỊ THIÊN HƯƠNG (nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành luật tại Pháp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp