Ngày 7-11, Công ty Nhôm Lâm Đồng, đơn vị vận hành tổ hợp bô xít - nhôm Tân Rai ở huyện Bảo Lâm có liên quan đến việc thải ra bùn đỏ, cho biết do nhu cầu mua của đối tác trong và ngoài nước tăng lên nên trong hai năm gần đây Nhà máy alumin Tân Rai đã hoạt động vượt công suất thiết kế.
Vượt công suất thiết kế 90.000 tấn/năm
Cụ thể, công suất thiết kế của nhà máy là 650.000 tấn/năm, nhưng năm 2023 sản lượng của nhà máy alumin đã tăng lên 740.000 tấn; năm 2024, sản lượng dự kiến tương đương với năm 2023.
Phóng viên Tuổi Trẻ Online trao đổi với Công ty Nhôm Lâm Đồng liệu công suất tăng so với thiết kế, sản lượng alumin cung ứng tăng có dẫn đến phát sinh chất thải (bùn đỏ) vượt mức không?
Ông Nguyễn Văn Tình, phó phòng kỹ thuật công nghệ Công ty Nhôm Lâm Đồng, cho biết công suất có nâng lên để đáp ứng nhu cầu sản xuất thực tế. Công nghệ, dây chuyền nói chung không thay đổi nhưng có điều chỉnh ở các công đoạn tuyển quặng và xử lý thải.
Theo ông Tình, cụ thể, tỉ lệ quặng tinh thu được đạt 54% so với 49% như dự kiến. Cải tiến ở giai đoạn tuyển quặng giúp tổng lượng quặng thô khai thác không tăng vượt mức đã báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bùn đỏ không tăng mà còn... giảm
Liên quan đến câu hỏi về lượng chất thải bùn đỏ sẽ tăng lên so với kế hoạch, ông Tình khẳng định không tăng mà còn giảm.
“Chúng tôi điều chỉnh phương pháp chiết tách, kết tinh khi sản xuất alumin. Do đó thực thu alumin tăng trên 84%. Tỉ lệ chất thải giảm tương ứng. Lượng bùn đỏ giảm dù công suất của nhà máy lẫn sản lượng tăng lên”, ông Tình nói.
Hiện nay, nhà máy alumin đã sử dụng gần hết 7 khoang chứa bùn đỏ sau gần 12 năm vận hành.
Hai tháng tới, khoang chứa số 8 sẽ được đưa vào sử dụng. Sau đó Công ty Nhôm Lâm Đồng sẽ đầu tư công nghệ thải khô để giảm lượng chất thải trong quá trình sản xuất alumin.
Bùn đỏ là mối lo an toàn cho môi trường
Bùn đỏ là tên gọi chất thải của công nghệ được áp dụng trong quá trình tinh luyện bô xít để sản xuất nhôm.
Tất cả các hóa chất không tan trong chu trình này được gọi là bùn đỏ.
Bùn có màu đỏ là do có sự hiện diện của sắt bị oxy hóa (có thể chiếm đến 60% khối lượng của bùn đỏ). Ngoài sắt, các thành phần chủ yếu khác của bùn đỏ gồm có cát, nhôm... và một loại ôxít titan có tên gọi anatase.
Bùn đỏ rất độc hại vì có độ pH gấp khoảng 1 triệu lần độ pH an toàn. Vì thế, bùn đỏ luôn là mối lo an toàn cho môi trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận