11/08/2024 14:32 GMT+7

Bỏ việc, mở hiệu sách vì con

Từng có bao mùa hè tuổi thơ ăn ngủ với sách, chị Lan bối rối khi thấy các con không ham đọc như mình thuở xưa. Một ngày, chị quyết định mở hiệu sách nhỏ với mục đích ban đầu chỉ là để các con thích đọc sách.

Vợ chồng chị Nguyễn Hương Lan cùng con gái lớn chia sẻ niềm vui đọc sách tại hiệu sách của gia đình - Ảnh: T.ĐIỂU

Vợ chồng chị Nguyễn Hương Lan cùng con gái lớn chia sẻ niềm vui đọc sách tại hiệu sách của gia đình - Ảnh: T.ĐIỂU

Tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Pháp, có nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò quản trị tài chính cấp cao, một ngày năm 2017, chị Nguyễn Hương Lan quyết định rẽ ngang, mở một hiệu sách thiếu nhi ngoại văn nhỏ.

Ngã rẽ này bắt nguồn sâu xa từ một thời trẻ con say mê đọc sách của chị Lan.

Hiệu sách nhỏ của người mẹ mê sách

Đó là những mùa hè ngập tràn hạnh phúc được khám phá thế giới rộng lớn qua những trang sách của cô bé Lan. Suốt những mùa hè không phải đến trường, Lan chôn chân ở Thư viện Hà Nội, đọc hết cuốn này đến cuốn khác. Niềm hạnh phúc thơm mùi sách những năm tháng tuổi thơ đã theo Lan mãi về sau.

Lập gia đình, có con, chị vẫn giữ thói quen đọc sách và xây dựng nếp đọc trong gia đình, vẫn giữ sợi dây liên kết với sách bằng việc làm cộng tác viên dịch sách. Chị đã dịch Nhóc Nicolas và một số tác phẩm của Marc Levy, Guillaume Musso…

Nhưng các con chị, như nhiều đứa trẻ cùng thời, không mê đọc. Buồn khi thấy con mình không đọc sách nhiều lắm, chị Lan nhận ra đó là nỗi buồn chung của nhiều bậc cha mẹ.

Thấy con không thích đọc nhiều sách tiếng Việt nhưng lại hứng thú với những trang sách tiếng Anh, chị luôn tranh thủ những chuyến công tác nước ngoài để mua sách ngoại văn cho con.

Những cuốn sách này không chỉ đắt đỏ mà còn rất nặng nề khi mang về. Trong nước, giá sách ngoại văn thường cao gấp nhiều lần giá bìa. Chị nghĩ ra cách rủ các mẹ gom chung đơn để mua sách ngoại văn cho con với giá tốt hơn. Nhưng chuyện này quản lý phức tạp hơn chị tưởng.

Năm 2017, trong một chuyến công tác ở Hong Kong, tình cờ lạc vào một hiệu sách ngoại văn bán toàn sách thiếu nhi tiếng Anh, chị Lan mê tít. Chị nhen nhóm mở một hiệu sách như vậy ở Việt Nam, trước tiên là phục vụ cho chính nhu cầu của con mình, sau đó là phục vụ cho các mẹ cũng có cùng nhu cầu như chị. Làm chủ một hiệu sách nhỏ là giấc mơ đẹp chị đã vun trong lòng từ thuở nhỏ.

Chị mang ý tưởng mở hiệu sách ngoại văn cho thiếu nhi rụt rè khoe với nhà văn hóa Hữu Ngọc - vốn là "sếp" của mẹ chị, thời ông làm kêu gọi nhiều quỹ nước ngoài tài trợ cho các dự án văn hóa ở Việt Nam. Không ngờ được "bác Hữu Ngọc" ủng hộ ngay.

Cùng là những người yêu sách, quý chữ, ông Hữu Ngọc thấy việc mở một hiệu sách như vậy ở Hà Nội là việc lợi lạc không chỉ cho gia đình mà cho xã hội, rất nên làm. Khi nghe chị Lan muốn mở hiệu sách, ông khích lệ chị làm ngay và đề nghị hỗ trợ bằng cách nhượng lại căn phòng làm việc của ông cho chị làm hiệu sách, còn ông sẽ chuyển lên gác.

Vậy là hiệu sách nhỏ ra đời, trong niềm hạnh phúc lâng lâng của người mẹ mê sách và cũng muốn dựng cái tình yêu ấy cho các con mình và những đứa trẻ khác.

"Gia đình sách" của chị Lan

Thời kỳ COVID-19, bao ngành kinh doanh khó khăn, kể cả sách, nhưng kỳ lạ là hiệu sách ngoại văn nhỏ của chị vẫn bán đều đều qua online. Trong những lúc khó khăn, bấn loạn, người ta càng tìm đến sự bình tâm và hy vọng do sách, tri thức mang lại chăng? Chính gia đình chị Lan cũng vậy.

Quãng thời gian khó khăn ấy lại chính là những năm tháng quây quần quý giá của gia đình chị bên những trang sách. Hơn lúc nào hết, chị Lan biết ơn sách. Chị quyết định nghỉ việc hoàn toàn, dành toàn tâm cho hiệu sách nhỏ và nuôi dưỡng một gia đình yêu sách.

"Bán sách không phải nghề làm giàu được. Nhưng con người ta khi đi đến ngưỡng cuộc sống ổn định thì muốn làm gì đó có ý nghĩa. Đầu tiên là có ý nghĩa cho con cái mình, sau đấy là ý nghĩa với cộng đồng", chị Lan chia sẻ về quyết định mạnh dạn bỏ nghề "hot" của mình để vui vầy với hiệu sách nhỏ.

Chẳng biết có phải xuất phát từ thiện ý cho mình và cho cộng đồng mà hiệu sách nhỏ của chị Lan ngày càng phát triển. Nay chị không chỉ còn bán sách thiếu nhi mà phục vụ đủ nhu cầu đọc cho mọi thành viên gia đình.

Căn phòng nhỏ ở NXB Thế Giới cũng không còn đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, hiệu sách InBook của chị được chuyển tới địa điểm mới rộng rãi hơn. Nhưng chị bảo thành công nhất của chị khi mở hiệu sách đó là các con trở nên thích sách, thích đọc hơn.

Con gái lớn của chị vừa tốt nghiệp phổ thông, đọc rất nhiều và là người chọn các đầu sách giới trẻ thích đọc để mẹ mua về bán.

Con giúp chọn sách, chồng chị Lan cũng phụ giúp chị một tay với hiệu sách. Hiệu sách của chị Lan trở thành một ngôi nhà nữa của gia đình, một "gia đình sách".

Không dễ gì chọn lùi lại, chậm lại nhịp sống với một hiệu sách nhỏ mà mục đích chính là gây niềm yêu sách cho các con, nhưng tới nay chị Lan hạnh phúc với lựa chọn táo bạo năm xưa.

Có những tháng hiệu sách ngoại văn nhỏ xinh trong căn biệt thự độc đáo là trụ sở NXB Thế Giới của chị Lan chỉ bán được cho một, hai khách khiến chị cũng nản. Chị đã đi qua thời kỳ ban đầu rất khó khăn ấy bằng ánh mắt long lanh của các con chị bên những trang sách sống động, cùng những phản hồi rất dễ thương của các mẹ mua sách cho con.

Chàng trai mê phục chế sách, mở lớp miễn phíChàng trai mê phục chế sách, mở lớp miễn phí

Vốn học ngành điện tử công nghiệp, Trịnh Hán Quang (25 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) bén duyên với công việc phục chế sách và dạy phục chế miễn phí.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp