Các thành viên đại diện Bộ tứ Đối thoại quốc gia Tunisia đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2015 - Ảnh: AFP |
Theo trang web Nobelprize.org, Ủy ban Nobel Na Uy khẳng định “Bộ tứ Đối thoại quốc gia Tunisia” (TNDQ) đã đóng vai trò thiết yếu trong việc xây dựng nền dân chủ tại quốc gia châu Phi sau “Cách mạng hoa nhài” lật đổ Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali năm 211 sau 23 năm cầm quyền.
Cuộc “Cách mạng hoa nhài” bùng nổ ở Tunisia đã thổi bùng ngọn lửa cách mạng “Mùa xuân Ả Rập” ở hàng loạt quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi như Algeria, Ai Cập, Yemen, Jordan, Saudi Arabia, Syria, Libya, Morocco…
Ở nhiều nước, sự hỗn loạn bùng nổ dẫn tới nội chiến đẫm máu, điển hình là Libya và Syria.
Sau năm 2011, tình hình ở Tunisia cũng rất xấu. Bạo động xã hội bùng phát, hàng loạt vụ ám sát chính trị xảy ra, đất nước Tunisia đối mặt với nguy cơ sụp đổ.
Mùa hè năm 2013, nhóm Bộ tứ được thành lập, mở đường cho các cuộc đối thoại, tìm giải pháp chấm dứt bạo lực, khôi phục nền dân chủ.
Nhóm Bộ tứ bao gồm bốn tổ chức quan trọng trong xã hội Tunisia. Đó là Tổng liên đoàn lao động Tunisia (UGTT), Liên đoàn Công nghiệp, thương mại và thủ công Tunisia (UTICA), Liên minh Nhân quyền Tunisia (LTDH) và Đoàn Luật sư Tunisia (ONAT).
Nhờ các cuộc đối thoại do nhóm Bộ tứ tổ chức và vận động, hòa bình đã được lặp lại tại Tunisia, các cuộc bầu cử tự do và dân chủ diễn ra, chính phủ được thành lập.
Ủy ban Nobel Na Uy khẳng định cần ghi nhận công lao này của nhóm Bộ tứ, bao gồm cả việc bảo vệ những thành quả của cuộc “Cách mạng hoa nhài”.
Đồng thời bày tỏ hi vọng giải Nobel Hòa bình 2015 sẽ đóng góp vào nền dân chủ Tunisia và là niềm cảm hứng đối với tất cả những người đang nỗ lực thúc đẩy hòa bình và dân chủ tại Trung Đông, Bắc Phi và phần còn lại của thế giới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận