Nhiều người lao động tự do như bốc vác, xe ôm, chuyển hàng hóa đang rất cần hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ đồng - Ảnh: HÀ QUÂN
Để đảm bảo ổn định cuộc sống, chia sẻ với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Chính phủ đã có nghị quyết 68 để triển khai gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động. Theo đó, các địa phương căn cứ điều kiện, ngân sách để xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng được hưởng và mức hưởng cụ thể.
Tại hội nghị trực tuyến ngày 14-7, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: "Người dân đang rất khó khăn, đang từng ngày mong chờ được nhận hỗ trợ theo tinh thần nghị quyết 68 của Chính phủ. Ngay trong tuần này, các địa phương phải triển khai ngay. Triển khai chậm là có lỗi, trục lợi là có tội với dân".
Khi đó, TP.HCM, Đồng Nai, Long An... đã ban hành quyết định hỗ trợ lao động tự do thì nhiều địa phương vẫn đang trong quá trình xây dựng dự thảo. Do vậy, ông Dung yêu cầu các địa phương cần giảm bớt thủ tục, giấy tờ để tiền hỗ trợ đến người dân sớm nhất.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 18-7, giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chinh cho biết: UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành kế hoạch hỗ trợ từ ngày 14-7 và đang nhận hồ sơ. Đối với lao động tự do, các huyện thị đang rà soát và dự kiến tỉnh sẽ ban hành quyết định riêng vào ngày 21-7. Ngay khi có quyết định thì người lao động nhận hỗ trợ ngay.
Theo ông Chinh, quan điểm của Bắc Ninh là "bám sát" quyết định 23, nhanh nhất để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động để duy trì sản xuất và không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.
Tại Lạng Sơn, phó giám đốc phụ trách Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đàm Văn Chính cho hay huyện Hữu Lũng, huyện Chi Lăng và TP Lạng Sơn trên địa bàn đang chi trả hỗ trợ cho các hộ kinh doanh là 3 triệu đồng/hộ một lần theo quyết định 68. Còn hỗ trợ với lao động tự do, tỉnh đã ủy quyền các huyện tự triển khai hỗ trợ doanh nghiệp và lao động và báo cáo sau. Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn dự kiến tham mưu UBND tỉnh này hỗ trợ đối tượng lao động tự do với mức 50.000 đồng/người/ngày.
Trong khi đó, UBND tỉnh Thái Nguyên giao Sở LĐ-TB&XH tỉnh này là đầu mối đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát đối tượng thuộc diện hưởng chính sách trước 20-7. Tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Khánh, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, cho hay tuần tới thành phố sẽ có quyết định hỗ trợ các đối tượng theo nghị quyết 68 và quyết định 23.
Nguyên nhân chậm triển khai gói 26.000 tỉ được các địa phương đưa ra là "phải xác định, rà soát tiêu chí từng nhóm đối tượng" và trình UBND tỉnh quyết định, thống nhất. Ngoài ra, đa số các tỉnh "bám sát" hỗ trợ các đối tượng theo quyết định 23.
Tại Hải Phòng và Quảng Ninh, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh này đã trình kế hoạch và đang chờ UBND thành phố, tỉnh thông qua. Sau đó, các đơn vị chức năng sẽ rà soát để có thống kê cụ thể. Hiện, địa phương chưa có thống kê cụ thể bao nhiêu người thuộc diện cần hỗ trợ.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Hà Nam và Sở LĐ-TB&XH Thái Bình cho hay, các đơn vị vẫn đang lấy ý kiến các sở, ngành để xây dựng kế hoạch, dự kiến sang tuần mới trình UBND tỉnh xem xét.
TIẾN THẮNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận