07/10/2015 09:46 GMT+7

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Nông dân rất được quan tâm trong đàm phán TPP

C.V.KÌNH - QUỲNH TRUNG
C.V.KÌNH - QUỲNH TRUNG

TTO - Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định lĩnh vực nông nghiệp và người nông dân rất được quan tâm trong đàm phán TPP.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng được chào đón tại sân bay Nội Bài sáng 7-10 - Ảnh: Việt Dũng
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng được chào đón tại sân bay Nội Bài sáng 7-10 - Ảnh: Việt Dũng

Ngày 7-10, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời một số câu hỏi của Tuổi Trẻ liên quan đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại sân bay Nội Bài ngay sau khi trở về từ thành phố Atlanta, Hoa Kỳ.

* Khi kết thúc đàm phán, Bộ trưởng thấy mừng hơn hay lo hơn?

Đàm phán đã là rất quan trọng rồi nhưng mà kết thúc quan trọng hơn. Sau đây chúng ta phải triển khai các biện pháp tổ chức thực hiện.

TPP là một hiệp định chất lượng cao, yêu cầu rất lớn và có nhiều nội dung mới đối với VN. Để thực thi hiệp định này, Bộ công thương và đoàn đàm phán sẽ trình lên chính phủ một loạt chương trình hành động để xem xét phê duyệt và triển khai một cách đồng bộ.

* Thưa bộ trưởng, nhiều bà con nông dân, nhất là ngành chăn nuôi lo lắng vì nhiều ý kiến cho rằng ngành chăn nuôi gặp khó khăn nhất. Xin Bộ trưởng bình luận về vấn đề này.

Việc bà con quan tâm lo lắng là có cơ sở bởi vì chúng ta đã biết khi chúng ta mở cửa thị trường, chúng ta không thể hạn chế việc tạo điều kiện cho hàng hoá của nước ngoài, trong đó có cả hàng nông sản được xuất khẩu đến VN.

Một mặt, nó sẽ là một tác nhân thuận lợi cho người tiêu dùng có thể lựa chọn hàng hoá đa dạng hơn với chất lượng cao, giá cả phù hợp, mẫu mã hấp dẫn. Nhưng ngược lại, nó sẽ mang lại thách thức to lớn cho lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn yếu kém của chúng ta.

Không phải chỉ riêng trong đàm phán hiệp định TPP mà kể cả trong các hiệp định khác trước đây, chúng ta bao giờ cũng yêu cầu các nước dành cho VN một lộ trình tương đối dài để bảo hộ một cách hợp lý những sản phẩm của chúng ta còn đang yếu.

Sau lộ trình đó, chúng ta sẽ phải tự vươn lên. Ngoài ra, chúng ta còn phải cố gắng tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Sẽ có những mô hình sản xuất mới, tập trung hơn, quy mô hơn để có những điều kiện áp dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, qua đó nâng cao năng suất lao động.

Tôi xin khẳng định rằng, trong đàm phán và chỉ đạo của Trung ương, lĩnh vực nông nghiệp và người nông dân rất được quan tâm.

* Nhiều ý kiến nêu rằng TPP là cơ hội để VN đổi mới công nghệ khi chúng ta có thể nhập máy móc từ các nước phát triển với giá rẻ hơn. Ý kiến của Bộ trưởng thế nào?

Một nội dung rất quan trọng của hiệp định TPP là chương về mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư.

Đúng là qua hiệp định TPP, có rất nhiều cơ hội cho chúng ta thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn của TPP và đầu tư vào Việt Nam, nhất là các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn.

Đây cũng là một cơ hội để chúng ta tận dụng, bổ khuyết cho những lĩnh vực đầu tư mà lâu nay chúng ta đang thiếu và yếu về vốn và trình độ như sản xuất, kết cấu hạ tầng. Tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội mà chúng ta phải tận dụng.

* TPP được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế người tiêu dùng băn khoăn họ sẽ được hưởng lợi gì, cụ thể là giá ôtô sắp tới có rẻ hơn không?

Sau giai đoạn kết thúc đàm phán, các nước sẽ phải công bố nội dung hiệp định để người dân được hiểu chi tiết hơn về những lợi thế, ưu đãi mà hiệp định mang lại cũng như những khó khăn, thách thức mà chúng ta phải đương đầu.

Khi đó, chúng tôi nghĩ rằng, người dân có điều kiện tìm hiểu. Nếu có gì chưa rõ, người dân có thể liên hệ Bộ Công thương, đoàn đàm phán cũng như các bộ ngành liên quan. TPP sẽ là một hiệp định công khai, minh bạch.

* Thưa Bộ trưởng, hiệp định TPP tạo sức ép cải cách thể chế trong nước ra sao?

Các yêu cầu của hiệp định TPP rất là cao, trong đó có việc thực thi khuôn khổ pháp lý bao gồm các quy định có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và một số lĩnh vực khác. Thật ra thì những việc này hiện nay chúng ta đang làm.

Mục đích của chúng ta là tiếp tục hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta sẽ tiếp tục sửa đổi bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với tình hình mới.

Đi đôi với đó là xây dựng và ban hành mới những quy định pháp luật khác. Cho nên dù rằng có TPP hay không có TPP, chúng ta vẫn phải tiếp tục hoàn thiện các thể chế.

* Đóng góp của Việt Nam vào bàn đàm phán ở Atlanta như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Các nước nhận xét Việt Nam là một đối tác đàm phán rất xây dựng, chân thành và quyết tâm nhưng mà giữ vững được nguyên tắc. Đấy là tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ trong suốt quá trình đàm phán.

Chúng ta luôn giữ vững nguyên tắc đó để làm sao có tiếng nói chung, ứng xử linh hoạt vì lợi ích chung của 12 thành viên tham gia đàm phán.

Tôi xin trích dẫn nguyên văn câu nói của Bộ trưởng Thương mại của Nhật Bản Akira Amari lúc chúng tôi bắt tay chúc mừng nhau sau khi các nước thành viên đạt được thoả thuận TPP: “Chúng tôi cho rằng Việt Nam là một đối tác rất chân thành, xây dựng, cởi mở, và đóng góp rất nhiều vào kết quả TPP nói chung, cũng như kết quả song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản nói riêng”.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời báo chí sáng 7-10 tại sân bay Nội Bài - Ảnh: Việt Dũng

C.V.KÌNH - QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp