05/06/2018 08:18 GMT+7

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Thấy người nước ngoài mua đất thì báo tôi'

LÊ KIÊN - T.B.DŨNG
LÊ KIÊN - T.B.DŨNG

TTO - Bộ trưởng Tài nguyên môi trường nói người nước ngoài không có quyền mua đất trên đất nước ta, nên nếu đại biểu biết có việc người nước ngoài mua đất dọc bờ biển thì thông tin cho ông.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thấy người nước ngoài mua đất thì báo tôi - Ảnh 1.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: TT

Sáng 5-6, sau khi Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời những chất vấn còn “nợ” của chiều qua, vẫn còn tới 47 đại biểu Quốc hội “xếp hàng” chờ chất vấn.

Trong nửa buổi chiều hôm qua, bộ trưởng Trần Hồng Hà đã trả lời 18 câu hỏi chất vấn và 8 ý kiến tranh luận. Ông Hà nhận dược một số câu hỏi hay về nguy cơ rò rỉ phóng xạ và biện pháp phòng ngừa đối với 3 nhà máy hạt nhân Trung Quốc đặt gần biên giới nước ta, hay câu chuyện sốt đất ở 3 khu vực sắp trở thành đặc khu kinh tế...

Bộ trưởng đã cam kết: "Với công nghệ hiện đại và phối hợp quốc tế để giám sát, kiểm soát, cũng như chúng ta có trách nhiệm với người dân, thì chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm với vấn đề này".

Với tình trạng sốt đất ở Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, bộ trưởng Hà kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết có tính đặc thù để quản lý đất đai ở 3 đặc khu. "Hoặc xây dựng Luật Đất đai phải tiên lượng được những vấn đề có thể xảy ra như hiện nay", ông Hà nói.

Đại biểu thấy người nước ngoài mua đất ở đâu thì thông tin cho tôi

Sử dụng quyền tranh luận, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu vấn đề bờ sông, bờ biển bị “xẻ thịt”. “Tôi đề nghị Chính phủ rà soát lại hết các bờ sông, bờ biển để trả lại cho người dân, không để các doanh nghiệp chiếm dụng”, ông Nghĩa nói.

Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cũng hỏi về thực tế hiện nay các bờ biển ở các tỉnh đã bị các doanh nghiệp chắn rào trong các dự án đã được mua đứt, được cấp bìa đỏ.

"Vậy thì hướng giải quyết sắp tới, mà nhìn ra xa là câu chuyện đặc khu nếu có những việc như vậy thì Bộ TN-MT sẽ giải quyết thế nào?", ông Hòa hỏi. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời: "Trong các quy định đã nói rõ về hành lang bờ biển. Tôi cho rằng cái gì đã luật hoá rồi thì chúng ta không cần đề cập nữa. Việc cần làm bây giờ dựa trên luật mà siết chặt kỷ cương, kỷ luật".

"Tất nhiên là với các dự án nào có vấn đề thì phải xem lại quy hoạch, xem trước đây nếu có sai chỗ nào thì điều chỉnh cho đúng”, bộ trưởng TN-MT nói.

Về lo ngại trong việc người nước ngoài sẽ lấy đất tại đặc khu rồi bao chiếm như ở dọc bờ biển miền Trung, bộ trưởng Hà nói rằng luật hiện nay không có quyền mua đất trên đất nước ta, mà chỉ được quyền mua căn hộ.

“Tôi nhờ các đại biểu cung cấp thông tin cho tôi biết là nếu có tình trạng đó thì mua ở đâu?”, bộ trưởng Hà nói.

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà nói về Formosa - Nguồn video: VTV

Formosa có 3 nấc để đề phòng sự cố

Một đại biểu đặt hỏi liệu bộ trưởng Trần Hồng Hà có thể cam đoan rằng các sự cố môi trường như Formosa sẽ không tái diễn, ông Hà trả lời: "Đã cho hoạt động thì đã thay đổi toàn bộ phương pháp quản lý, trong đó đã yêu cầu bổ sung công nghệ xử lý môi trường, có 3 nấc để đề phòng sự cố (tại nơi sản xuất, trong phạm vi nhà máy và ngoài phạm vi nhà máy), nước ở hồ sinh học có thể tái sử dụng đạt loại A".

"Với cách làm bài bản từ khâu xem xét, đánh giá công nghệ cho đến khâu giám sát kiểm tra, yêu cầu chặt chẽ thì không ngành nghề nào có thể để xảy ra ô nhiễm được. Riêng với Formosa thì tôi báo cáo để đại biểu yên tâm", bộ trưởng TN-MT tự tin nói.

Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) đề nghị không thực hiện giải pháp nhận chìm chất thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xuống biển. Bộ trưởng Trần Hồng Hà đồng ý và đề nghị địa phương cùng với doanh nghiệp nghiên cứu phương án thay vì nhận chìm thì lấn biển.

“Tôi hoan nghênh ý kiến của đại biểu, đề nghị địa phương và doanh nghiệp khảo sát các vị trí có thể lấn biển. Còn nếu không thực hiện được phương án này, thì trong 50 năm tới khi nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 vẫn hoạt động, chúng ta phải có các giải pháp khác để xử lý môi trường. Hiện nay trên thế giới cũng có nhiều phương pháp để xử lý”, ông Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thấy người nước ngoài mua đất thì báo tôi - Ảnh 3.

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Nói không với nhập khẩu phế liệu

Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam): Bộ trưởng nêu quan điểm là không chủ trương nhập khẩu phế liệu. Tuy nhiên, việc nhập khẩu phế liệu vẫn rất lớn, trung bình mỗi ngày 11.000 tấn theo báo cáo của Tổng cục Hải quan. Nhiều địa phương cũng cho xây dựng các nhà máy sản xuất từ phế liệu, gây ô nhiễm rất lớn. Đề nghị bộ trưởng cho biết quan điểm xử lý?

Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định việc nói không với nhập khẩu phế liệu, trong đó có nguyên liệu độc hại như phục vụ sản xuất thép, túi nilông, nhựa...

"Riêng nhóm nguyên liệu sản xuất thép thì hiện chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được đầu vào. Về việc nhà máy thép gây ô nhiễm, nằm ngay đầu nguồn và gần khu vực dân cư như nhà máy thép Việt - Pháp ở Đà Nẵng, chúng ta cần xem xét lại việc bố trí vị trí các nhà máy đó, nơi nào nằm gần khu dân cư thì phải có giải pháp hạn chế gây ảnh hưởng", ông Trần Hồng Hà nói.

"Về lâu dài chúng ta cần rà soát lại danh mục phế liệu nhập vào trong nước. Tôi cũng thừa nhận rằng hiện năng lực công nghệ của chúng ta có lẽ không đủ để xử lý loại chất thải trên, cho nên quan điểm là cần nói không với việc nhập phế liệu".

Có thể yên tâm về hai nhà máy alumin

Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nêu câu hỏi về hai nhà máy alumin Nhân Cơ và Tân Rai qua một thời gian đi vào vận hành đã phát sinh hàng loạt sự cố như vỡ hồ chứa bùn thải, hiệu quả kinh tế không như đặt ra.

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết bản thân ông đã tới kiểm ra dự án ở Nhân Cơ (Đắk Nông). "Sự cố rò rỉ chỉ xảy ra nội bộ, quy mô nhỏ chứ không phải thảm hoạ gây ảnh hưởng lớn", ông Hà nói.

Người đứng đầu ngành TN-MT cho biết hiện đang chỉ đạo và cho giám sát thường xuyên tại các nhà máy này: “Riêng hồ lắng bùn đỏ thì đang được làm theo 3 nấc hồ, việc lựa chọn và thiết kế độ bền của bạt đáy hồ cũng như hệ thống bao quanh hồ đã được cơ quan chức năng thẩm định". 

"Tuy nhiên vấn đề môi trường thì tôi cũng thống nhất là cần giám sát, kể cả trách nhiệm giám sát của Tập đoàn Than Khoáng Sản VN (TKV). Vì thế về cơ bản là chúng ta có thể yên tâm được”, ông Hà nói.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thấy người nước ngoài mua đất thì báo tôi - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) - Ảnh: QUANG VINH

2.500 tỉ đồng xử lý sạt lở ở ĐBSCL

Giơ biển tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đề cập vấn đề sạt lở ở ĐBSCL. Bà đề nghị bộ trưởng ưu tiên vấn đề nào đang cấp bách, "chứ nói chưa có tiền thì không nên", vì tình trạng sạt lở ở khu vực này “không thể chờ đợi thêm được nữa”.

Cung cấp thêm thông tin, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Thủ tướng đã quyết định chi 1.500 tỉ đồng từ quỹ dự phòng để xử lý vấn đề sạt lở ở ĐBSCL. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định chi thêm 1.000 tỉ đồng nữa. "Như vậy, chúng ta có 2.500 tỉ đồng để giải quyết vấn đề này", Chủ tịch Quốc hội nói.

Sau phần giải trình thêm của phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Chủ tịch Quốc hội đã mời tất cả 24 đại biểu còn lại nêu chất vấn để bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời bằng văn bản (trong số 24 đại biểu đã bấm nút “xếp hàng” chờ chất vấn, các đại biểu Dương Trung Quốc và Nguyễn Chiến vắng mặt).

Địa danh Thủ Thiêm, cuối cùng cũng được nêu lên

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) chất vấn: Đất đai là vấn đề nóng, báo cáo của bộ trưởng đưa ra rất nhiều nguyên nhân, đặc biệt là trong thu hồi, giải phóng mặt bằng thì áp giá đền bù cho người dân thấp hơn giá thị trường. Tới đây sửa đổi Luật Đất đai thì có hồi tố được không?

"Những vụ như Thủ Thiêm, tương tự Thủ Thiêm, thì thấy rằng người dân quá thiệt thòi, ai sẽ trả lại những thiệt thòi đó cho người dân?, ông Đặng Thuần Phong hỏi.

Đại biểu Dương Xuân Hoà (Lạng Sơn) lên tiếng: "Trong báo cáo của bộ trưởng về quản lý đất đai, thì có giải pháp là 'giải quyết triệt để tình trạng giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai', xin bộ trưởng cho biết lộ trình để thực hiện giải pháp này?"

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) nêu vấn đề: Luật về tài nguyên môi trường chúng ta đã có, nhưng nhiều nơi chúng ta bất lực và nhiều nơi thì cơ quan chức năng đến sau sự cố.

"Nếu không tổ chức thực hiện pháp luật, thì tới đây các vùng ô nhiễm không còn nữa, mà chỉ còn một vùng ô nhiễm duy nhất là cả nước ô nhiễm", đại biểu Nghĩa khẩn thiết đề nghị Chính phủ, trong nửa nhiệm kỳ còn lại, tập trung các giải pháp để thực thi pháp luật thật tốt.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, các đại biểu nêu câu hỏi và bộ trưởng Trần Hồng Hà rất thẳng thắn, nắm chắc vấn đề, đưa ra các giải pháp khắc phục.

Những câu hỏi chưa kịp trả lời tại hội trường, bộ trưởng TN-MT sẽ trả lời bằng văn bản tới các đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Có ô nhiễm không khí nhưng chưa nghiêm trọng

TTO - Trả lời chất vấn tại Quốc hội chiều 4-6, bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Trần Hồng Hà nói không đồng tình với số liệu của "một tổ chức" về tình trạng ô nhiễm bụi ở các thành phố lớn, và khẳng định "không nghiêm trọng đến vậy".

LÊ KIÊN - T.B.DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp