Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm bên hàng lang Quốc hội sáng 29-10 - Ảnh: LÊ KIÊN
"Mấy vụ án chúng tôi vẫn đang làm. Đến đâu có dấu hiệu thì làm. Bây giờ 3 vụ án ở ba tỉnh thì chúng tôi vẫn đang triển khai. Các tỉnh thành khác thì thẩm quyền của Bộ Giáo dục đào tạo và các cơ quan sẽ kiểm tra chứ công an kiểm tra làm gì khi mà chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật", bộ trưởng Tô Lâm cho biết.
"Hiện nay trong phạm vi vụ án thì công an vẫn đang điều tra chứ chưa có kết luận".
Vụ tiêu cực "động trời" trong kỳ THPT quốc gia năm 2018 xảy ra ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Có 330 bài thi của 114 thí sinh ở Hà Giang được sửa 1-8 điểm. Nhưng Hà Giang còn có thể khôi phục điểm thi gốc chứ tại Hòa Bình và Sơn La, gian lận tinh vi đến nỗi khiến việc khôi phục điểm thi gốc gặp khó khăn.
Tới nay số cán bộ đã bị xử lý, bắt tạm giam là 11 người, trong đó Hà Giang là 2, Sơn La 6 và Hòa Bình 3. Số học sinh đã bị xử lý là 151 em, trong đó Hà Giang 114, Sơn La 29 và Lạng Sơn 8.
Nhận định về vụ tiêu cực này, trong phần giải trình trước Quốc hội vào chiều 26-10, bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã khẳng định dù có tiêu cực nhưng kỳ thì THPT quốc gia theo hình thức 2 trong 1 vào năm tới sẽ vẫn được tiếp tục.
Tuy vậy, ông Nhạ cũng thừa nhận "vấn đề độ trung thực thì kỳ thi nào cũng có, năm nào cũng vi phạm, cũng có vấn đề".
Ông Nhạ khẳng định trong kỳ thi 2 trong 1, Bộ GD-ĐT nhận định công tác tối quan trọng là khâu làm đề thi, bảo mật, tổ chức chấm thi, thanh tra. Tất cả các khâu này đều phải thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt.
"Hiện bộ đã tổ chức rà soát quy trình thi và chấm thi. Qua đó cho thấy quy trình thì đầy đủ nhưng các khâu sau thì có những việc ngoài dự tính. Phần mềm công nghệ mã hóa code đề thi có sơ hở để có kẻ xấu lợi dụng khai thác", bộ trưởng Nhạ nói.
Ông Phùng Xuân Nhạ cho biết bộ GD-ĐT đã họp các giám đốc sở để quán triệt, kỷ luật rút kinh nghiệm các thành viên có liên quan. Bộ cũng rút kinh nghiệm về nhiều vấn đề.
Vụ việc cũng đã được bộ báo cáo Chính phủ, Bộ Công an và các cơ quan đang làm và tới đây sẽ còn làm tiếp với tinh thần "đã sai là sửa".
Về hướng ra cho kỳ thi năm tới, bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết đề thi sẽ tiếp tục bám sát chương trình phổ thông, trên cơ sở phân hóa học sinh để đảm bảo hai mục tiêu: đảm bảo chất lượng trình độ THPT và lấy cơ sở để các trường xét tuyển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận