Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn |
Bộ trưởng Đinh La thăng đã nói như vậy trong phên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều nay 18-11.
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng công nghệ mới nhất của Trung Quốc
Liên quan đến vụ tai nạn thép rơi trên công trường đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) chất vấn Bộ trưởng Bộ GTVT công nghệ của tuyến đường sắt này là của quốc gia nào, cũ hay mới?
Ông Đương đặt câu hỏi vì sao tiến độ chậm, đội vốn nhiều và lo ngại nếu sau này có việc rơi tàu xuống đất thì thảm họa. “Bộ trưởng có cam kết khi đưa vào khai thác có tuyệt đối an toàn không?”- ông Đương hỏi.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết câu hỏi này được sự quan tâm đặc biệt của cả cử tri.
Theo ông Thăng, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sử dụng vốn vay ODA Trung Quốc và do nhà thầu Trung Quốc thi công, sử dụng công nghệ của Trung Quốc nhưng là công nghệ và loại tàu mới nhất.
Bộ GTVT đã phê duyệt phương án thi công đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. “Vừa qua xảy ra sự cố, chúng tôi hết sức đáng tiếc và đã cho dừng dự án. Chỗ nào đảm bảo mới thi công tiếp. Đồng thời có kế hoạch nghiệm thu khai thác đảm bảo an toàn. Yêu cầu đầu tiên là đảm bảo đúng tiêu chuẩn thiết kế để an toàn tuyệt đối cho người dân” - ông Thăng nói.
Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu thực trạng đường mới đưa vào khai thác đã hỏng trong khi suất đầu tư cao. Cử tri cho rằng thất thoát 30-40%, thậm chí 50%, Bộ trưởng Thăng nghĩ gì và có giải pháp gì để kiểm soát tổng thể?
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết đây là vấn đề Bộ GTVT rất quan tâm và năm 2014 là năm siết chặt kỷ cương và tiến độ công trình. Bộ GTVT có chương trình tổng thể kiểm soát chất lượng, quy trách nhiệm từng chủ thể thực hiện dự án và xử lý nghiêm các vi phạm.
Theo Bộ trưởng, từ năm 2012 khởi công 142 công trình và hoàn thành 112 công trình, phần lớn đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên có một số dự án khi đưa vào sử dụng có hỏng hóc do nguyên nhân trong kiểm soát thực hiện không đảm bảo. Như quốc lộ 51 dùng nhựa không đúng chủng loại và mưa vẫn thảm nhựa.
Còn vết nứt ở km 83 cao tốc Nội Bài - Lào Cai được Bộ trưởng trình bày là nằm ở trong 10 vị trí đường chờ lún. Đây là rủi ro là giữa 2 lỗ khoan có 1 tảng đá nghiêng mà khi khảo sát không phát hiện.
Thiết kế tuyến đường là nhà thầu Nhật Bản, thi công là nhà thầu Hàn Quốc. Theo Bộ trưởng, đây là sự cố hy hữu và Bộ GTVT đang cho khắc phục để hoàn thành vào ngày 20-12 tới. Bộ trưởng cũng cho biết dự án này chưa khánh thành mà mới thông xe kỹ thuật, chưa hoàn thành vì sau này còn phải làm lớp tạo nhám trên mặt đường.
Đại biểu quan tâm "công trình đội vốn"
Liên quan đến câu hỏi về việc chống tham nhũng của Bộ GTVT và tình trạng công trình đội vốn, vốn cao của đại biểu Trương Thị Ánh (TP.HCM), Bộ trưởng cho biết chống tham nhũng là vấn đề rất lớn của không chỉ ngành giao thông mà tất cả các ngành. Bộ GTVT đã xây dựng chương trình hành động để phòng chống.
“Tổng Bí thư nói đấu tranh chống tham nhũng là hết sức phúc tạp khó khăn vì liên quan đến các đối tượng có chức có quyền. Và Bộ GTVT coi đây là nhiệm vụ trọng tâm vì là ngành có sử dụng vốn rất lớn”- Bộ trưởng Thăng nói. Cùng với chương trình tổng thể chống tham nhũng của trung ương, Bộ GTVT đưa ra chính sách đột phá bằng nhiều giải pháp đã ban hành...
Bộ trưởng cũng trình bày các lý do đội vốn do nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng khẳng định: “Những công trình trước đây có tình trạng đó nhưng không phải là tất cả. Trong 3 năm trở lại đây không có công trình nào đội vốn, chỉ giảm hơn so với quyết định đầu tư. Tôi xin cam kết như vậy vì thiết kế tốt, phối hợp với địa phương giải phóng mặt bằng tốt thì không có lý do gì để đội vốn”.
Với câu hỏi của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về suất đầu tư dự án giao thông cao và có những đoạn đường đắt nhất hành tinh, ông Thăng cho biết Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng tìm hiểu để đánh giá suất đầu tư.
Theo đó suất đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam tương đương Trung Quốc, thấp hơn Hàn Quốc và Nhật Bản. Việt Nam có những dự án suất đầu tư thấp hơn thế giới như cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên.
Còn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng suất đầu tư cao hơn vì dự án có vốn vay thương mại, lãi suất cao. Các dự án ở đồng bằng sông Cửu Long như cao tốc Bến Lức - Long Thành có suất đầu tư cao vì đi qua đất yếu. Bên cạnh đó làm đường ở Việt Nam vướng giải phóng mặt bằng chậm và đi qua nhiều khu dân cư nên phải làm nhiều nút giao thông và hầm chui dân sinh khiến suất đầu tư cao.
Đại biểu Nguyễn Vân Phúc (Hà Tĩnh) đặt câu hỏi về các giải pháp chống xe quá tải, Bộ trưởng Thăng cho biết đã trình bày đầy đủ trong báo cáo gửi các đại biểu nên xin phép không trả lời nữa. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc lại câu hỏi là cách xử lý như vừa qua đã căn cơ, chắc chắn chưa.
Người đứng đầu ngành GTVT cho rằng với các giải pháp đồng bộ hiện nay thì xe quá tải, quá khổ giảm mạnh. Theo Bộ trưởng Thăng đó là giải pháp căn cơ, nếu tiếp tục quyết liệt đồng bộ hơn từ trung ương đến địa phương chắc chắn giảm mạnh. Nếu người đứng đầu như Bí thư, chủ tịch tỉnh vào cuộc quyết liệt sẽ không còn xe quá tải.
Đại biểu Trần Du Lịch nhắc lại câu hỏi đã chất vấn ở kỳ họp trước Trong đó, gợi ý đặt ra mục tiêu xây dựng đường sắt khổ 1,435m, chạy tốc độ 120km hoàn thành vào năm 2025 được Bộ trưởng hứa sẽ nghiên cứu liệu làm được không? Bộ trưởng Thăng cho biết, Bộ GTVT đang trình Chính phủ điều chỉnh chiến lược phát triển đường sắt. Theo đó đường sắt Bắc - Nam hiện tại sẽ được hiện đại hóa để nâng tốc độ khai thác lên 80-90km/giờ. Đồng thời xây dựng đường sắt khổ đôi 1,435m với tốc độ 160 đến 200km/giờ để rút ngắn thời gian như đại biểu Trần Du Lịch nói để có thể "sáng ăn phở ở Hà Nội, chiều uống cà phê ở TP.HCM".
|
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM): Bộ trưởng trả lời đơn giản quá Bộ trưởng Đinh La Thăng quên trả lời nội dung tôi hỏi là vì sao dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh (Hà Nội) tiến độ quá chậm, đội vốn quá cao, đội vốn tới hơn 300 triệu USD. Về sự an toàn khi dự án này đưa vào vận hành là điều đang được cử tri Hà Nội đặc biệt quan tâm, bởi vừa qua việc thi công đã để xảy ra sự cố thanh sắt rơi gây chết người. Dự án sử dụng công nghệ Trung Quốc, và ở Trung Quốc thì nó từng gây tai nạn. Trong khi đó đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông đi trên đầu hàng ngàn người dân tham gia giao thông đường bộ bên dưới. Đây là nỗi lo chung của nhiều cử tri. Vậy Bộ trưởng với trách nhiệm của mình có dám cam kết là sẽ đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để xảy ra tai nạn nữa không? Chứ còn nếu trả lời là sẽ thực hiện theo đúng quy trình, quy định thì nó vô cùng lắm. Với một vấn đề quan trọng như vậy mà Bộ trưởng trả lời quá đơn giản. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận