Bộ trưởng Tài chính chia sẻ câu chuyện trên tại buổi thảo luận của Quốc hội sáng 9-1 về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 và điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Bên cạnh đó là việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
"Chi trước, quyết toán sau có đúng?"
Về việc chuyển nguồn hơn 2.000 tỉ đồng từ chi thường xuyên của Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế sang chi đầu tư, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài chính: Tại sao các dự án của hai đơn vị này không có trong danh mục đầu tư công trung hạn, mà giờ phải chuyển sang chi đầu tư phát triển?
“Việc điều chỉnh lần này đã đủ tiền cho các dự án hay chưa, hay sau này cần vốn thêm thì lại xin được điều chỉnh tiếp? Đây có phải lách luật hay không?” - ông Hạ nói Bộ Tài chính với vai trò cơ quan gác cửa quản lý tài chính, thì việc xin điều chuyển vốn là kỷ luật kỷ cương tài chính chưa nghiêm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thì băn khoăn về số tiền hơn 14.700 tỉ đồng chi thường xuyên Chính phủ muốn bổ sung vào dự toán ngân sách năm 2021.
Khoản này gồm viện trợ phòng chống dịch, viện trợ khác đã được các đơn vị nhận nhưng chưa có trong dự toán ngân sách được thông qua.
Theo đại biểu, việc quyết toán sau nằm trong kế hoạch chi hằng năm chưa đúng quy định luật ngân sách.
Ông đề nghị Chính phủ quan tâm, do dịch phức tạp, ngân sách khó khăn nên cần chi phòng chống dịch, nên việc bổ sung dự toán chi cần thiết.
Đồng tình với đại biểu Hạ về đề xuất chuyển nguồn của hai cơ quan thuộc Bộ Tài chính, ông Hòa đề nghị làm rõ tại sao phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho hai đơn vị này không đảm bảo theo quy định hằng năm mà đề xuất điều chỉnh vốn chi thường xuyên.
Không xuất hàng thì trả lại chức cho bộ
Giải trình, Bộ trưởng Tài chính cho hay khoản viện trợ nước ngoài là khoản không có dự toán trước, vì phụ thuộc nước ngoài.
Đặc thù năm 2021 - 2022 chủ yếu là tài trợ phòng chống dịch, như kit xét nghiệm, vắc xin và tài trợ trực tiếp địa phương. Trên cơ sở địa phương tiếp nhận phục vụ chống dịch mới tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính.
“Việc làm này nhiều đơn vị rất bị động. Chúng tôi nhiều khi cũng phải vì dân, nên có trường hợp đành bất chấp nguyên tắc, quy tắc” - ông Phớc nói.
Dẫn chứng thực tế, ông nói thời điểm đỉnh dịch tại TP.HCM, số ca tử vong tăng cao. Nhưng theo quy định, phải có đủ hồ sơ thủ tục thì Tổng cục Hải quan mới được cho xuất hàng, thông quan.
Mặc dù nhiều thủ trưởng các đơn vị như lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, thứ trưởng Bộ Công an hay thậm chí bộ trưởng Y tế tới nhận, nhưng Cục Hải quan TP.HCM cũng không cho nhận.
“Lúc đó tôi phải gọi cho cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM và nói tôi sẽ chịu trách nhiệm. Phải cho ban chỉ đạo chống dịch nhận, nhưng cũng không đồng ý cho xuất hàng. Tôi phải yêu cầu nếu không cho xuất hàng thì trả chức lại cho bộ và tự chịu trách nhiệm. Sau đó, Cục Hải quan TP.HCM mới đồng ý cho Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận” - bộ trưởng kể lại.
Theo ông, tùy vào thực tế, có những lúc phải đảm bảo phục vụ dân, cho xuất hàng trước, hoàn thành thủ tục sau. Nhưng có rủi ro, hàng cho xuất đi rồi mà sau này quyết toán không đầy đủ thì sẽ bị truy trách nhiệm, nên phải tập hợp hồ sơ đầy đủ.
Vì vậy, ông bày tỏ mong muốn đại biểu thấu hiểu. Bộ Tài chính luôn chủ động trong phạm vi, còn những tình huống, hoàn cảnh chưa dự báo được thì phải “hết sức sáng tạo”.
Với những băn khoăn liên quan đến khoản chuyển nguồn chi thường xuyên sang chi đầu tư của Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế, ông Phớc cho biết về nguyên lý khi tiết kiệm chi thường xuyên để đưa vào chi đầu tư phát triển là việc tốt, hiệu quả.
Trước câu hỏi về việc có ưu ái cho hai đơn vị này hay không, ông cho rằng nhiệm kỳ trước Quốc hội cũng đã cho Kiểm toán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước được hưởng chế độ đặc thù này. Vì vậy, đây không phải là ưu ái.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận