Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24-5, hai bộ trưởng Austin và Đổng Quân dự kiến có cuộc gặp bên lề sự kiện Đối thoại an ninh thường niên Shangri-La, tổ chức ở Singapore từ ngày 31-5 tới 2-6. Đây là sự kiện quy tụ các bộ trưởng và quan chức quốc phòng từ nhiều nước trên thế giới.
Trong nhiều ngày qua, Trung Quốc đã điều tàu chiến và máy bay tập trận quanh đảo Đài Loan, bao gồm cả tập trận mô phỏng "chiếm" lấy Đài Loan.
Trung Quốc xem Đài Loan là một tỉnh và khẳng định sẽ thu phục Đài Loan kể cả khi phải dùng vũ lực.
Bắc Kinh không hài lòng với phát biểu nhậm chức của tân lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức mới đây, và cuộc tập trận trên được báo chí quốc tế mô tả như một cách thị uy.
Vấn đề Đài Loan vì vậy dễ nằm trong số thảo luận chính nếu bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc gặp nhau.
Lần gần nhất ông Austin trao đổi với ông Đổng là từ tháng 4 qua, trong một cuộc hội thoại "thực chất" đầu tiên giữa sếp quốc phòng Mỹ - Trung suốt 18 tháng trời.
Liên lạc quốc phòng giữa hai nước đã gần như đình trệ từ lúc chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi thăm Đài Loan giữa năm 2022.
Trung Quốc luôn phản đối các cuộc tiếp xúc ngoại giao cấp cao giữa Mỹ và Đài Loan, vì cho rằng đây là cách không tôn trọng nguyên tắc của Trung Quốc, cũng như ủng hộ những người theo lập trường "ly khai" của Đài Bắc.
Sau thời điểm bà Pelosi thăm Đài Loan, Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ bằng các cuộc tập trận quy mô, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự gần Đài Loan.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và phía Trung Quốc sau đó đã cố gắng nối lại liên lạc, giảm căng thẳng. Hồi tháng trước, Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến thăm Bắc Kinh và Thượng Hải.
Tuy nhiên, các trao đổi trong lĩnh vực quốc phòng đã bị trì hoãn, cho đến khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đồng ý nối lại đối thoại quân sự trong hội nghị thượng đỉnh với ông Biden ở California vào tháng 11 năm ngoái.
Theo lịch trình, ông Austin vào tuần tới sẽ đến Campuchia để trao đổi với bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trước lúc kết thúc chuyến công du tại Pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận