- Ảnh: NAM TRẦN
Ông chia sẻ: "Ngày 9-4 là tròn ba năm tôi nhận nhiệm vụ bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Thú thật, khi mới nhậm chức, nhiều người tư vấn tôi nên xây dựng định hướng, công bố cho mọi người thấy mình sẽ làm gì trong nhiệm kỳ tới.
Ban đầu tôi cũng rất hăng hái, nhưng sau đó mới thấy cần phải chấp nhận chờ thời gian thích hợp. Thà chậm một chút nhưng đưa ra được chiến lược có tính căn cơ, áp dụng được, đảm bảo tính thực tiễn và có tính dự báo cao, hơn là vội vã công bố cho có"...
Không bản lĩnh có thể "mất lái"
* Thay vì chỉ để các cục, vụ xây dựng chính sách, hơn hai năm qua ngành giáo dục chọn lựa một quy trình mới: giao các nhà khoa học, các trường ĐH hàng đầu nghiên cứu thực tiễn giáo dục làm cơ sở để hình thành chính sách. Thoát ly khỏi những "chính sách bàn giấy", liệu cơ sở thực tiễn có giúp chính sách gần dân và thiết thân với người học, người dạy hơn không, thưa bộ trưởng?
- Sự thay đổi này là một cuộc cọ xát, va chạm rất lớn, từ nhận thức, quan điểm và cả lợi ích. Vì vậy, việc thực hiện gặp không ít khó khăn. Nếu không có bản lĩnh có thể đã bị "mất lái" ngay rồi.
Ví dụ trong giáo dục, vấn đề về gian lận thi cử, ứng xử không đúng mực trong quan hệ thầy - trò... chẳng cứ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng xảy ra. Vấn đề là khi xảy ra dồn dập, đẩy lên thành cao trào mà chưa có những đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc, khoa học sẽ không biết nên làm thế nào, nghe theo ai.
Giải pháp đưa ra có khi "đẽo cày giữa đường", hoặc buông, hoặc chỉ là "ngứa đâu gãi đấy". Hoặc nếu chỉ dựa vào kinh nghiệm, "chỗ này vá một tí, chỗ kia vá một tí" thì chính sách không vững chắc và thiếu nhất quán.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói về giáo dục mầm non và bạo hành trẻ - Video: NAM TRẦN
Xuất phát từ thực tế này, Chương trình khoa học - công nghệ quốc gia về khoa học giáo dục đã ra đời. Việc thực hiện các đề tài bắt đầu từ năm 2017 và giờ đã có những kết quả bước đầu. Hơn 30 đề tài đã cho ra sản phẩm.
Ví dụ như nghiên cứu luận cứ xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học được giao cho Trường ĐH Luật Hà Nội chủ trì, quy tụ các nhà khoa học trong và ngoài trường cùng tham gia.
Kết quả, luật được Quốc hội thông qua và các trường đại học đều đang hào hứng chuẩn bị thực hiện với cơ chế tự chủ rộng mở. Luật giáo dục sửa đổi cũng làm theo cách này...
Chính sách giáo dục sẽ không phụ thuộc vào ông bộ trưởng, mà bám vào thực tiễn. Không thể "tân quan, tân chính sách", càng không thể ban hành chính sách trong tình huống "buộc phải thế", mà cần có luận cứ vững chắc, tổng kết thực tiễn.
Tôi kỳ vọng không phải hết đề tài là... hết chuyện. Mà từ cách làm này sẽ tạo nguồn đội ngũ chuyên gia lâu dài cho giáo dục, chứ để chính sách đã ban hành rồi mới phản biện thì "hỏng". Đó cũng là lý do thời gian qua, dù có không ít sóng gió, nhưng tôi luôn vững vàng vì có niềm tin về đội ngũ nhà khoa học bên cạnh mình.
* Dư luận cho rằng mấy năm gần đây dường như ngành giáo dục bị cuốn vào các sự vụ mà chưa thấy chiến lược dài hơi hiện hình rõ nét. Chiến lược phát triển của một ngành liên quan mật thiết đến vai trò người đứng đầu. Là bộ trưởng, ông có thấy sốt ruột?
- Nhiệm vụ chính của bộ trưởng là bao quát được công việc của ngành, bám sát bối cảnh trong nước và quốc tế để tổ chức xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của ngành, chứ không phải cứ chạy theo từng việc. Nhưng trong hoàn cảnh vừa rồi, chúng tôi gặp khó khăn khi phải xử lý nhiều vấn đề có tính chất kỹ thuật.
Chẳng hạn bản thân tôi khi vừa nhậm chức đã phải nhập cuộc ngay với đổi mới thi, là sự tiếp sức của một quá trình, rồi phải chỉ đạo giải quyết nhiều sự cố liên quan tới thi... nên có lúc dư luận coi bộ như là "Bộ Thi".
Bộ trưởng là người chịu trách nhiệm ban hành cơ chế, chính sách nhưng vẫn phải quan tâm giải quyết những vấn đề trước mắt, vì hiệu quả lâu dài chưa thấy đâu mà trước mắt bê bết là không được. Đổi mới giáo dục là nhiệm vụ cấp thiết, nhưng không thể nóng vội.
Làm giáo dục phải tâm huyết, chứ cứ nghĩ làm bộ trưởng là làm chính trị là thua. Tôi tâm niệm làm giáo dục là cơ hội đóng góp, chứ không phải cơ hội thăng tiến...
Bộ trưởng PHÙNG XUÂN NHẠ
Mô hình nào cho Việt Nam?
* 2019 là năm bản lề để làm chiến lược cho giai đoạn 2021-2030, cũng là tổng kết của 10 năm trước đó. Bộ trưởng đã chuẩn bị định hướng chiến lược giáo dục giai đoạn sau 2020 thế nào để thể hiện một đường lối đổi mới mạch lạc?
- Nhìn một cách dài rộng, thời gian tới đây, tôi phải tập trung hơn cho tổ chức xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch giáo dục. Điều này phù hợp với nhiệm vụ của tôi trong Tiểu ban kinh tế - xã hội xây dựng văn kiện Đại hội XIII và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Đất nước có mạnh mẽ, hùng cường lên hay không phụ thuộc chính vào nguồn lực con người, với điểm tựa nền tảng chính là giáo dục, khoa học. Do đó, trách nhiệm của ngành giáo dục rất lớn. Đáp ứng đòi hỏi mới, yêu cầu mới, sẽ có những thay đổi mạnh mẽ từ nội dung chương trình, điều kiện, phương thức giáo dục. Nếu 5 - 10 năm tới, giáo dục cơ bản tốt, đất nước sẽ khác.
Hiện nay, Bộ đang triển khai một số đề tài nghiên cứu để xây dựng chiến lược phát triển dài hơi cho giáo dục, có kết nối với quốc tế. Thực ra, có những vấn đề chúng ta không phải mất công nghiên cứu nhiều vì nước ngoài đã làm từ lâu. Giáo dục Việt Nam phải "hòa mạng" với thế giới, chỉ là làm sao để tiếp thu hài hòa và giữ được bản sắc của mình.
Tham khảo các mô hình tiên tiến để chọn lọc mô hình phù hợp, có thể áp dụng hài hòa trong điều kiện Việt Nam là cách Bộ GD-ĐT đang làm. Ví dụ mô hình của Anh, Mỹ rất tốt, nhưng chưa phù hợp với mình, hay Trung Quốc quá lớn và đa dạng cũng không giống Việt Nam…
Các nhà nghiên cứu sau khi khảo sát thì thấy mô hình thành công trong điều kiện gần gũi với Việt Nam là Hàn Quốc và Malaysia. Họ đã trải qua nhiều giai đoạn có những nét tương đồng với Việt Nam. Kinh nghiệm cho thấy, sự tác động của giáo dục đối với sự phát triển của các quốc gia này là rất mạnh mẽ. Mình hoàn toàn có thể tham khảo.
Khi vừa nhậm chức, tôi có nói với Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam (WB) rằng việc WB cho vay mấy trăm triệu USD là rất quý. Nhưng không chỉ có tiền. Việc cần thiết không kém là WB cùng Việt Nam xây dựng chiến lược, kế hoạch tổng thể để cải cách giáo dục căn cơ, chỉ cho Việt Nam những chuyên gia giỏi, mô hình tốt.
Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ cuối năm 2020 đầu năm 2021 sẽ ban hành chiến lược phát triển giáo dục. Với chiến lược này, sẽ trả lời được ba câu hỏi lớn: Hình dung đến năm 2030 nền giáo dục Việt Nam như thế nào so với giáo dục toàn cầu - đặt trong bối cảnh gắn với điều kiện kinh tế Việt Nam? Soi rọi ta đang ở đâu so với mục tiêu mong muốn? Và quan trọng là làm thế nào để đạt được mục tiêu đó?
Lâu nay, điểm yếu nhất trong chiến lược của ta là tính khả thi. Nhiều chiến lược chỉ nằm trên giấy vì không được xây dựng trên nền tảng của thực tiễn và dự báo. Chiến lược giáo dục lần này là sẽ có lộ trình phân kỳ.
Chiến lược được ban hành sẽ rất… ít chữ, mà tập trung vào số liệu, để ai cũng hình dung được bức tranh giáo dục, từ tổng thể, đến từng cấp học, từng lĩnh vực, từng giai đoạn… Tất cả để trả lời được cho nhân dân câu hỏi: bước đi sắp tới của giáo dục sẽ thế nào?
Đổi mới thi cử, đánh giá học sinh là một trong những điểm nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trong 3 năm qua. Trong ảnh: học sinh lớp 12A2 trường THPT Mạc Đĩnh Chi Q.6, TP.HCM đang nhập thông tin cá nhân và nguyện vọng, ngành trước khi nộp hồ sơ dự thi THPT quốc gia 2019 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Nhà giáo: thành - bại của giáo dục
* Một trong những ưu tiên trong công tác của bộ trưởng năm 2019 là nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo. Chính sách cụ thể sẽ là gì để nhà giáo yên tâm và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm của mình?
- Có trường lớp tốt thế nào, mô hình hay đến đâu, mà đội ngũ thầy cô yếu thì giáo dục cũng không thể phát triển được. Việc nâng cao chất lượng đội ngũ rất quan trọng, nhất là khi thực hiện chương trình mới với những yêu cầu mới sắp tới.
Chúng tôi chia làm bốn nhóm đối tượng để bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, nâng cao sự tận tâm và đạo đức nghề nghiệp: nhóm cán bộ quản lý từ bộ đến các phòng GD-ĐT; nhóm "máy cái" là giảng viên các trường sư phạm; nhóm các hiệu trưởng, hiệu phó; và nhóm thầy cô giáo rộng khắp trên cả nước.
Mỗi nhóm sẽ có những gói bồi dưỡng khác nhau, trong đó đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường bồi dưỡng trực tuyến. Riêng với bồi dưỡng trực tiếp sẽ tăng cường thảo luận, chia sẻ, tạo thành cộng đồng giáo viên thật sự mạnh.
Đặc biệt, bộ đang đầu tư cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu thời gian thực, thống kê theo không gian cụ thể. Từng thầy cô sẽ có mã số định danh, kèm theo đó là hồ sơ cá nhân nghề nghiệp, mức độ đạt chuẩn được khai trên phần mềm trực tuyến. Như thế, Bộ GD-ĐT mới nắm được đầy đủ về chính đội ngũ của mình.
Căn cứ số học sinh, căn cứ số môn học sẽ tính được cần bao nhiêu giáo viên. Từ dự báo sẽ soi vào cung - cầu, rồi thông qua sở GD-ĐT, có thể công bố huyện A, huyện B cần bao nhiêu giáo viên để họ phải dành số biên chế phù hợp.
Ở quy mô rộng hơn, khi tập hợp thông tin của cả tỉnh, thành phố thì có thể gửi cho Bộ Nội vụ để dự báo, chẳng hạn đến năm 2020 toàn ngành giáo dục cần bao nhiêu biên chế? Đặc biệt, chính từ đây, bộ cũng có dữ liệu để đầu tư bồi dưỡng đội ngũ với tầm nhìn, mức độ dự báo xa và sát hơn. Theo kế hoạch, tháng 6-2019, chúng tôi sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu này.
* Nhưng để đội ngũ thực sự "cháy" với nghề thì đời sống giáo viên phải được chăm lo, điều này luôn được nhắc đến trong nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa đủ...
- Thành - bại của giáo dục nằm chính ở đội ngũ nhà giáo, càng ngày tôi càng thấm điều này. Tất nhiên, việc chăm lo chu đáo cho đội ngũ rộng lớn hàng triệu giáo viên là việc không dễ dàng. Nhưng là bộ trưởng, tôi phải đương đầu với công việc quan trọng đó. Một khi vượt qua khó khăn, nâng cao được chất lượng đội ngũ thì nhất định đổi mới sẽ thành công.
Với chính sách dành cho nhà giáo, cái gì trong thẩm quyền, rà soát thấy không ổn, tôi yêu cầu sửa ngay. Có những cái tưởng nhỏ như sổ sách, thi giáo viên dạy giỏi đang được thay đổi để các thầy cô không vì những quy định này mà gây ức chế.
Bộ có đề tài cấp nhà nước đang giao cho một nhóm nghiên cứu rà soát lại định mức làm việc, để làm sao các thầy cô làm đúng công việc của nhà giáo, không phải gánh thêm những việc không tên.
Như các thầy cô miền núi có một giờ lên lớp, nhưng để trông các cháu thì thực tế lại có bao nhiêu giờ làm việc khác, phải tính thù lao cho các thầy cô chứ? Cả đời gắn với trường nội trú ở vùng cao, vùng sâu, vượt đèo, lội suối thì cũng phải tính đủ cho các thầy cô, chứ không thể "gói" vào một giờ trên lớp.
Rồi phải có các cơ chế chính sách cho các thầy cô về lương, phụ cấp, tính đặc thù...
Bộ đã rất sát sao nghiên cứu và đề xuất lên Thủ tướng, phó thủ tướng ưu tiên đưa vào trong Luật giáo dục sửa đổi lần này.
Bộ trưởng là chỗ dựa cho các thầy cô
Việc đánh giá giáo viên giỏi tới đây có thể cũng sẽ khác, không phải qua kỳ thi mà là tôn vinh thực sự. Giáo viên giỏi phải đi chia sẻ kinh nghiệm, được đồng nghiệp công nhận và xã hội tôn vinh. Khi đã được công nhận giáo viên giỏi, giáo viên có trách nhiệm chia sẻ kinh nghiệm với người khác. Đây là cách vừa tạo động lực, vừa gây áp lực, giúp tránh được việc đạt danh hiệu nhờ... thi hoặc nhờ quan hệ. Với cách làm này, có khi có người được trao danh hiệu mà không dám nhận. Ví dụ được công nhận giáo viên giỏi mà chẳng đi chia sẻ hoặc chia sẻ mà chẳng ai nghe thì rất xấu hổ.
Từ đây, có thể sẽ chọn những báo cáo viên giỏi để tôn vinh, chẳng hạn như danh hiệu "The best teacher of the year" (Giáo viên giỏi nhất trong năm). Những giáo viên này sẽ được bộ trưởng trân trọng mời cơm, trò chuyện cùng bộ trưởng và một số giáo viên giỏi khác về các vấn đề của ngành trong không gian thực sự ấm cúng. Có thể không là gì, nhưng cũng có thể đó là dấu ấn trong cuộc đời người giáo viên khi được công nhận là giáo viên giỏi. "Của cho không bằng cách cho", tôi đang phấn đấu để các thầy cô thấy bộ trưởng như một chỗ dựa của mình. Nếu mình chưa thuộc về thầy cô thì chưa thành công...
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận