Ông Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với học sinh ở Yên Bái - Ảnh: BÁ HẢI
"Tôi muốn các thầy cô ở vùng khó khăn nói ra vướng mắc, khó khăn, rồi các học sinh nội trú, bán trú có khó khăn gì, phụ huynh thế nào... để từ Yên Bái, Bộ GD-ĐT muốn nhìn sang các địa phương khác, xây dựng, tham mưu chính sách" - ông Phùng Xuân Nhạ gợi ý.
Với mục đích này, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã áp dụng cách làm lắng nghe, giải đáp ngay và trao đổi với từng ý kiến trong khuôn khổ buổi đối thoại.
Tôi sẽ thay mặt giáo viên, cố gắng ở mức cao nhất những điều chỉnh về thang bảng lương của giáo viên, nhất là lương của giáo viên vùng khó khăn”. “Thi giáo viên dạy giỏi hiện nay chỉ là diễn, chỉ gây áp lực cho giáo viên. Thi đua là tốt nhưng phải tốt thật chứ không đưa ra để gây áp lực.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Thi giáo viên dạy giỏi chỉ là... diễn
Ông Nhạ chủ động đặt các câu hỏi đối với giáo viên, cán bộ quản lý về những vướng mắc từ quy định, chính sách, khả năng đáp ứng yêu cầu khi thực hiện chương trình mới sắp tới.
Cô giáo Nguyễn Tuấn Anh, Trường mầm non Hương Sen, TP Yên Bái, chia sẻ giáo viên mầm non "chỉ làm được nhưng không có điều kiện để viết sáng kiến kinh nghiệm như quy định trong các cuộc thi giáo viên giỏi các cấp, nên đề xuất được "linh hoạt"".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ ngay quan điểm: việc đánh giá giáo viên giỏi, công chức, viên chức đạt chiến sĩ thi đua đang sa vào hình thức, bệnh thành tích.
"Việc thi giáo viên dạy giỏi hiện nay chỉ là diễn nên tôi không đồng ý. Việc đó chỉ gây áp lực cho giáo viên. Thi đua là tốt nhưng phải tốt thật chứ không đưa ra để gây áp lực. Việc đánh giá giáo viên phải tăng tính hậu kiểm, ghi nhận tiến bộ của học sinh, sự yêu quý của phụ huynh" - ông Nhạ khẳng định.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho biết năm 2018 đã cắt giảm nhiều cuộc thi mang tính hình thức, gây áp lực căng thẳng cho giáo viên, học sinh.
Trao đổi về ý kiến cho rằng giáo viên mầm non hiện phải bố trí sinh hoạt chuyên môn ngoài giờ nên cần tính toán lại giờ lao động. Bộ trưởng chia sẻ với giáo viên mầm non áp lực, căng thẳng, nhưng cũng hỏi lại cô giáo có ý kiến đề xuất về định mức giáo viên theo thông tư 06 đã thực hiện được chưa?
Ông cho rằng nếu thực hiện được định mức này thì việc căng thẳng trong bố trí lao động của giáo viên cũng giảm bớt.
Tuy nhiên bộ trưởng cũng khẳng định sẽ ghi nhận ý kiến tính toán lại quy định thời gian lao động của giáo viên bao gồm cả công việc đứng lớp và các việc liên quan.
Trao đổi bên lề với cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt, Trường DTNT THCS Văn Yên, Yên Bái, ông Phùng Xuân Nhạ hỏi suy nghĩ của cô giáo về hình thức thi giáo viên dạy giỏi hiện nay và cô đề xuất thay đổi như thế nào.
"Nên đánh giá những đóng góp thực tế và có thể dự giờ bất chợt để đánh giá trình độ giáo viên thay vì tổ chức cuộc thi để trình diễn" - cô Nguyệt chia sẻ với bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Ông Phùng Xuân Nhạ đến thăm không báo trước Trường tiểu học -THCS Vạn Thanh (Trấn Yên, Yên Bái) và trao đổi với giáo viên - Ảnh: V.H.
Sẽ nâng lương giáo viên
Trong buổi đối thoại, một số ý kiến của các nhà giáo cũng đề cập đến lương, phụ cấp...
Ông Vũ Tô Hoàng, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Lục Yên, đề nghị bộ trưởng có tác động để giải quyết khó khăn về việc những giáo viên bị điều động làm cán bộ cấp phòng GD-ĐT bị cắt phụ cấp ưu đãi.
Ông Phùng Xuân Nhạ thừa nhận đây là "kiến nghị rất phổ biến" và cho rằng không chỉ vấn đề phụ cấp ưu đãi mà còn có nhiều bất cập trong vấn đề lương giáo viên như việc trả lương cào bằng, trả lương không phù hợp với trình độ, bằng cấp, lương khởi điểm của nhà giáo quá thấp...
Theo ông Nhạ, Bộ GD-ĐT cũng làm việc với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ về vấn đề lương giáo viên và tới đây lương nhà giáo sẽ được trả theo vị trí công việc, chức danh.
Nhà giáo cũng trong nhóm đối tượng được ưu tiên khi xét phụ cấp. Lương khởi điểm của nhà giáo sẽ được nâng lên và đi vào thực chất hơn.
"Tôi sẽ thay mặt giáo viên, cố gắng ở mức cao nhất những điều chỉnh về thang bảng lương của giáo viên, nhất là lương của giáo viên vùng khó khăn" - ông Nhạ khẳng định.
Một trong những vấn đề thời sự ở các tỉnh miền núi hiện nay là xóa điểm trường lẻ, sáp nhập trường quy mô nhỏ để giảm số trường, số lớp, giảm biên chế, tăng số lượng học sinh được học theo mô hình nội trú, bán trú...
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định chủ trương sáp nhập, phát triển mô hình nội trú, bán trú ở các tỉnh miền núi khó khăn là đúng nhưng cần phải rà soát và sát sao hơn nữa để nắm bắt tâm tư của giáo viên, phát hiện những tiêu cực nảy sinh để giải quyết ngay.
Những ý kiến trao đổi tại cuộc gặp với lãnh đạo Bộ GD-ĐT về vấn đề này tập trung ở việc Bộ GD-ĐT có tham mưu về chính sách để giúp các trường chưa được chuyển đổi thành trường bán trú sớm được chuyển đổi để giáo viên được hưởng hệ số lương, học sinh được hỗ trợ trang thiết bị học tập.
Ông Nguyễn Văn Tiến, hiệu trưởng Trường THPT Mù Cang Chải, cho rằng cần phải thành lập trường bán trú ở bậc THPT vì đây là huyện rất khó khăn.
Sau khi đề nghị đại diện các cục, vụ trao đổi, ông Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý lãnh đạo các cục, vụ phải nắm tình hình, những đề xuất phải tính toán cả điều kiện khả thi.
Ngăn ngừa từ gốc xâm hại tình dục học sinh
Đây là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh trong buổi làm việc với các thầy cô Trường DTNT THCS huyện Văn Yên, Yên Bái và các trường phổ thông bán trú trên địa bàn tỉnh ngày 17-12.
Ông Nhạ nhắc lại câu chuyện nguyên hiệu trưởng Trường DTNT THCS Thanh Sơn (Phú Thọ) có hành vi lạm dụng tình dục hàng chục học sinh (đã bị khởi tố, bắt tạm giam) và cho rằng cần xem đây là bài học sâu sắc.
"Nhiều phụ huynh đang gửi con vào các trường dân tộc nội trú lo lắng sau sự việc ở Phú Thọ và trách nhiệm của ngành GD-ĐT phải bày tỏ quan điểm rõ ràng cùng những giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, nhất là những học sinh phải ở nội trú, xa gia đình" - ông Nhạ nói.
Tuy nhiên, khi phân tích vấn đề với các thầy cô ở các trường nội trú, bán trú, bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng "không thể chờ tới khi lộ ra hành vi vi phạm mới xử lý mà cần ngăn ngừa từ gốc".
Theo ông Nhạ, học sinh phải được trang bị kiến thức về giới tính, kỹ năng để tự vệ trong những tình huống có nguy cơ bị xâm hại.
Các thầy cô cũng phải nhận thức tầm quan trọng của việc này để hướng dẫn học sinh phòng tránh.
"Hành vi của thầy giáo ở Trường DTNT THCS Thanh Sơn sẽ phải chịu trách nhiệm do vi phạm pháp luật. Nhưng ngành GD-ĐT cũng cần thể hiện quan điểm không thể để những người có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo ở trong ngành, trong môi trường giáo dục" - ông Nhạ chia sẻ suy nghĩ.
Dự kiến tháng 12-2018 công bố chương trình môn học mới
Trước băn khoăn của giáo viên tại Yên Bái về chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Bộ GD-DT Phùng Xuân Nhạ cho biết dự kiến sẽ công bố chương trình môn học trong tháng 12-2018.
Hiện bộ đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng giáo viên cốt cán thực hiện chương trình mới trên cả nước. Ưu tiên trước bồi dưỡng giáo viên để triển khai đại trà lớp 1, sau đó sẽ thực hiện cuốn chiếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận