25/08/2020 10:25 GMT+7

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Một bộ phận giáo viên chưa mạnh dạn đổi mới'

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trao đổi tại hội nghị tổng kết năm học 2019-2020 và triển khai nhiệm vụ năm học mới được tổ chức trực tuyến ngày 25-8 với 64 điểm cầu trên cả nước.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Một bộ phận giáo viên chưa mạnh dạn đổi mới - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại điểm cầu tại Hà Nội - Ảnh: Bộ GD-ĐT

Năm đầu tiên thực hiện song song hai chương trình

Năm học 2020 - 2021 là năm triển khai chương trình giáo dục mới (Chương trình giáo dục 2018) ở lớp 1. Các lớp từ lớp 2 trở lên vẫn học theo chương trình cũ.

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường tiểu học phải thực hiện mạnh mẽ hơn việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục, tập huấn giáo viên.

Trao đổi tại hội nghị, ông Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh phải tiếp tục tinh giản chương trình lớp 2, 3, 4 và 5 tiệm cận với chương trình mới đang bắt đầu thực hiện ở lớp 1.

Việc tinh giản sẽ không cắt xén chương trình cơ học mà điều chỉnh phù hợp với mục tiêu của chương trình giáo dục 2018, trong đó chú trọng đến đổi mới cách thức tổ chức dạy học, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực.

Những nội dung kiến thức trùng lặp giữa các môn học, các lớp trong cấp học sẽ được điều chỉnh, chú trọng xây dựng nội dung dạy học theo chủ đề, chuyên đề.

Theo ông Thái Văn Tài - vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), năm học sắp tới Bộ GD-ĐT vẫn chỉ đạo áp dụng một cách phù hợp mô hình trường học mới (từng nằm trong dự án VNEN), áp dụng các phương pháp dạy học đã thực hiện thí điểm thành công. Triển khai các chủ đề giáo dục STEM cũng là một trong các nhiệm vụ được chính thức đưa vào nhiệm vụ năm học năm nay.

Bộ GD-ĐT sẽ ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học vào đầu năm học tới theo hướng đánh giá, khen thưởng thực chất, phát huy nhiều nhất năng lực, phẩm chất học sinh và không gây áp lực cho giáo viên, phụ huynh và học sinh.

Chú trọng yếu tố giáo viên

Nhấn mạnh yếu tố giáo viên trong năm học đặc biệt này, ông Nhạ nêu vấn đề "còn có một bộ phận giáo viên chưa mạnh dạn đổi mới sáng tạo".

Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm học, bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị ngoài việc bổ sung đủ giáo viên theo yêu cầu bậc học, thực hiện lộ trình nâng chuẩn đối với giáo viên tiểu học, các nhà trường cần tạo điều kiện về mọi mặt để giáo viên sẵn sàng đổi mới, sáng tạo trong dạy học, đánh giá học sinh.

Vấn đề quản trị nhà trường được người đứng đầu Bộ GD-ĐT lưu ý, trong đó có việc rà soát, giảm sổ sách không cần thiết như chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị nhà trường.

Tại hội nghị, trao đổi về thực trạng giáo viên, ông Thái Văn Tài cho biết năm học mới này cả nước có 403.000 giáo viên tiểu học, tăng trên 5.000 giáo viên so với năm học trước.

Nỗ lực này đang tiến gần với mục tiêu 1,5 giáo viên/lớp, đảm bảo việc dạy 2 buổi/ngày đối với học sinh tiểu học. Trong đó có 96% giáo viên đã được tuyển dụng chính thức (năm học trước tỉ lệ này là 85%). Tuy nhiên, theo yêu cầu nâng chuẩn giáo viên theo quy định của Luật giáo dục thì vẫn còn một tỉ lệ lớn giáo viên phải tập huấn để nâng chuẩn.

Dạy học ở lớp 1, vẫn nhiều thách thức

Tới thời điểm này 100% giáo viên được bố trí dạy lớp 1 đã được tập huấn thực hiện chương trình và sử dụng sách giáo khoa mới. Trong đó có nhiều địa phương phải tập huấn trực tuyến để phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cũng xác định còn nhiều thách thức trong việc triển khai chương trình mới, bắt đầu ở lớp 1. Ngoài các yếu tố khó khăn do dịch bệnh, Bộ GD-ĐT cũng đặt ra những thách thức khác. Trong đó có bất cập từ việc chậm đổi mới trong quản trị nhà trường, chuyển biến chậm trong đổi mới dạy học, đánh giá ở một bộ phận giáo viên.

Sĩ số quá đông ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội, TP.HCM cũng là vấn đề cản trở cho việc thực hiện chương trình mới và các mục tiêu đổi mới giáo dục. Đây là vấn đề Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT phải có giải pháp đề xuất với địa phương để khắc phục theo lộ trình.

Ông Phùng Xuân Nhạ yêu cầu từ thực tiễn dạy lớp 1 theo chương trình mới năm nay, các nhà trường góp ý, đề xuất về những vấn đề cần tiếp tục điều chỉnh, nhất là những điểm còn chưa hợp lý ở sách giáo khoa, những nội dung giáo viên cần được tập huấn, hỗ trợ...

Việc này không chỉ khắc phục trong thực hiện chương trình lớp 1 mà rút kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch giáo dục, tập huấn giáo viên triển khai chương trình lớp 2, 3, 4 và 5.

Nhiều hình thức dạy học trực tuyến sẽ được áp dụng trong năm học mới Nhiều hình thức dạy học trực tuyến sẽ được áp dụng trong năm học mới

TTO - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo thông tư ban hành quy định về dạy học trực tuyến trong các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Đây được xem là bước đi kịp thời nhằm 'hợp thức hóa' dạy học trực tuyến trước thềm năm học mới.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp