
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: GIA HÂN
Ngày 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội.
Không còn nguồn ngân sách để bố trí tăng lương như năm 2024
Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết liên quan đến điều chỉnh lương cơ sở, từ ngày 1-7-2024, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%).
Như vậy, so với năm 2018 (trước khi có nghị quyết 27) thì mức lương cơ sở đã được điều chỉnh từ 1.390.000 đồng lên 2.340.000 đồng/tháng (tăng thêm 68,3%), cao hơn 43,5% so với mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng khu vực doanh nghiệp.
Theo bà Trà, trong điều kiện đất nước còn rất nhiều khó khăn, việc điều chỉnh mức lương cơ sở tăng 30%, bổ sung 10% quỹ tiền thưởng;
Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng tăng 15% từ ngày 1-7-2024 là một nỗ lực lớn của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và đã cơ bản cải thiện được đời sống người hưởng lương.
"Chúng tôi đang tổng rà soát lại toàn bộ các chính sách liên quan đến tiền lương, phụ cấp của các đối tượng trong khu vực công liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đặc biệt là xây dựng chính quyền địa phương hai cấp", bộ trưởng nói.
Bà nói đây là việc "phải làm ngay" để đảm bảo khoảng 30-6 này sẽ hoàn thiện được nghị định thay thế một loạt nhóm nghị định liên quan.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng đợt điều chỉnh lương năm 2024 là một thành tựu rất đáng ghi nhận và được những người hưởng lương đánh giá rất cao, góp phần nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Lưu ý công tác tuyên truyền cần tránh hiểu nhầm là tới đây sẽ điều chỉnh lương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cần nêu rõ đây là cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về thực hiện một số nội dung cải cách chính sách tiền lương đã thực hiện từ 1-7-2024.
Năm 2025 không còn nguồn ngân sách để bố trí tiếp tục tăng lương như năm 2024.
Ông đề nghị Bộ Nội vụ cần phối hợp với Bộ Tài chính, cần rà soát trong giai đoạn 1, khi tiến hành sắp xếp các bộ, ngành ở trung ương, xem giảm được bao nhiêu tổ chức, biên chế.
Từ giảm tổ chức, biên chế thì tiết kiệm ngân sách nhà nước như thế nào. Tới đây, khi thực hiện sáp nhập cấp tỉnh, xã, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần có thống kê, xem số cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc theo nghị định 177 và 178 giảm bao nhiêu?
Sáp nhập tới đây còn mấy nghìn xã, phải rõ con số, nói có sách, mách có chứng. Khi kết thúc cấp huyện, việc sắp xếp cấp tỉnh, cấp xã cũng xong hết, lúc đó sẽ ra con số cụ thể, để từ đó có cơ sở đánh giá, xem tiết kiệm ngân sách bao nhiêu, từ đó bố trí cho đầu tư phát triển, chế độ chính sách an sinh xã hội…
"Cần phải có bài toán cân đối cho kỹ, khi ra Quốc hội, đại biểu đặt vấn đề, mình còn nói được", Chủ tịch Quốc hội cho hay.
"Chưa nắm được năm 2026 có điều chỉnh lương cơ sở hay không"
Tiếp thu giải trình sau đó, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói thời gian tới sẽ phối hợp đề xuất một số nhiệm vụ liên quan, từ đó đề xuất Ban Chấp hành Trung ương đánh giá lại nghị quyết 27 để có giải pháp căn cơ, chiến lược, chính sách tiền lương lâu dài.
"Sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế giai đoạn 1 (từ 1-3-2024), Bộ Nội vụ sẽ có báo cáo riêng", bà Trà cho hay. Sang giai đoạn 2, theo bà Trà, Bộ Nội vụ đang hướng dẫn địa phương thực hiện theo nghị định 178, bổ sung nghị định 67 và theo dõi thực hiện nghị định 177.
"Bộ Nội vụ đang tham mưu để có thêm chính sách với cán bộ không chuyên trách nghỉ theo tinh thần chỉ đạo chung của cấp có thẩm quyền", bà thông tin.
Cũng theo bà Trà, toàn bộ các chính sách này có tác động tương đối lớn. Hiện trong giai đoạn 1, mới tổng hợp một phần. Sau khi tổng hợp đầy đủ sẽ có báo cáo rõ ràng, xác định có bao nhiêu người nghỉ, nguồn kinh phí phải chi trả là bao nhiêu…
Về năm 2026, bà Trà cho biết phải tập trung trước mắt vào hoàn thiện toàn bộ hệ thống thể chế, tác động trực tiếp tới cán bộ, viên chức với chính quyền địa phương 2 cấp.
"Nguồn kinh phí để chi trả cho đối tượng trực tiếp lớn. Do đó chúng tôi chưa nắm được năm 2026 có điều chỉnh lương cơ sở và đối tượng có liên quan hay không. Việc này chúng tôi sẽ báo cáo sau", bà Trà bày tỏ.
Theo bộ trưởng, đến thời điểm này "chưa có căn cứ và cơ sở" điều chỉnh lương vì còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế đất nước năm 2025.
"Như dự báo chúng ta thấy đang diễn biến rất khó khăn và các vấn đề khác có liên quan đến việc tác động trực tiếp đến phần thu ngân sách. Cho nên chúng tôi thấy rằng việc này sẽ lui sau một bước và tính toán. Sau đó sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội", bà Trà nêu rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận