Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng điều tiết giá cả không thể bằng mệnh lệnh hành chính - Ảnh: Quochoi.vn
Câu chuyện kiểm soát giá thịt heo được nhiều đại biểu đề cập trong thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội ngày 13-6.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Hoàng Quang Hàm (đại biểu Phú Thọ) cho rằng điều tiết giá cả là cấp bách để đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, nhưng không thể bằng mệnh lệnh hành chính mà phải quản lý bằng bàn tay vô hình của Nhà nước.
Cần thiết thì Nhà nước tham gia điều tiết
"Những mặt hàng thị trường quyết định giá phải nghiên cứu xem tăng giá do sản xuất hay lưu thông để tuyên truyền, định hướng, có biện pháp hỗ trợ, cần thiết thì kinh tế nhà nước phải đảm trách, không nên để suốt thời gian qua dư luận cho rằng người dân chỉ được ăn thịt heo giá rẻ trên tivi", đại biểu nêu quan điểm.
Theo ông Hàm, nếu do khâu sản xuất thì phải kích thích tăng đàn, tăng nhập khẩu, cần thiết thì doanh nghiệp tham gia. Nếu do khâu lưu thông thì có biện pháp hợp lý, hợp pháp, cân nhắc cả việc Nhà nước trực tiếp thu mua và cung ứng cho thị trường.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi nhỏ lẻ tái đàn heo trong nước vì sau khi dịch tả heo châu Phi xảy ra, nhiều địa phương mất trắng đàn heo, đến nay muốn tái đàn nhưng vẫn thiếu vốn, không có giống chất lượng. Các doanh nghiệp lớn không muốn cung cấp giống cho thị trường, nếu có thì giá cao ngất ngưởng, không thể đến tay người chăn nuôi.
"Nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước, tôi tin rằng cuối năm đến đầu năm 2021, đàn heo trong nước sẽ được phục hồi như trước khi có dịch và sẽ không bị áp lực. Giá heo tăng cao không bị các doanh nghiệp găm hàng để khống chế giá thị trường, mặc dù Chính phủ có nhiều giải pháp kéo giá xuống", ông Hòa nói.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Ảnh: Quochoi.vn
"Nên đa dạng thực phẩm, không có lý gì chỉ ăn thịt heo"
Phản hồi ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành nông nghiệp chịu tổn thương lớn nhất và gay gắt hơn do tác động kép của biến đổi khí hậu và dịch bệnh diễn ra ở quy mô toàn cầu. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đạo bằng mọi giá đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm.
Trong bối cảnh đó, sản xuất lúa gạo được mùa, lương thực được đảm bảo, xuất khất gạo vẫn đạt hiệu quả, sản xuất lương thực cũng cơ bản đáp ứng... giúp 5 tháng đầu năm tổng giá trị xuất khẩu nông sản đạt trên 15 tỉ USD. Tuy nhiên, ông Cường nhận định cuối năm thách thức còn nhiều như thiên tai, khó khăn của thị trường nông, thủy sản, điểm nghẽn của ngành.
Giải thích việc giá thịt heo vẫn cao, bộ trưởng cho biết dịch tả heo châu Phi diễn ra từ tháng 8-2018 hết sức phức tạp, làm cho tổng đàn heo ở nhiều nước giảm mạnh, thực phẩm và giá heo tăng cao, như với Trung Quốc giá lên tới 130.000 đồng.
Bị chủ tọa nhắc nhở "tập trung vào giải pháp", bộ trưởng cho hay dù cố gắng nhưng thiệt hại đối với đàn heo của nước ta vẫn tới gần 6 triệu con, tương đương 20% đàn và lượng thịt giảm 9,6% gây nên biến động giá thịt heo.
Từ tháng 3-2019, ngành đã có chủ trương phát triển các thực phẩm khác như thịt gà, trứng, đạt 760.000 tấn nhưng vẫn không bù đắp được thiếu hụt thịt heo. Bộ trưởng nhận định phải tới quý 4 năm nay, số đầu heo mới bằng lại thời điểm trước khi có dịch nên hiện cung cầu vẫn chưa gặp nhau.
"Đẩy nhanh tái đàn gắn với phát triển bền vững vì nguy cơ dịch bệnh vẫn rất cao, đặc biệt hộ nhỏ lẻ, đảm bảo an toàn. Song giống hiện nay rất đắt, nên cần phải có cơ chế chính sách hỗ trợ. Chúng tôi có yêu cầu 15 đơn vị doanh nghiệp lớn không chỉ tập trung chăm lo con giống cho mình mà phải bán cho người dân. Nhiều địa phương cũng đã ra chính sách hỗ trợ heo giống", ông Nguyễn Xuân Cường cho biết Nhà nước đã hỗ trợ trên 50% với heo bị thiệt hại.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng khuyến cáo "không có lý gì tập trung ăn thịt heo" mà nên đa dạng thực phẩm, vừa bổ dưỡng cho cơ thể, vừa đỡ gây áp lực cho ngành chăn nuôi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận