10/06/2019 13:25 GMT+7

Bộ trưởng nhóm G20 thống nhất đánh thuế các đại gia Internet

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Quyết định phải đánh thuế các đại gia Internet đã được thống nhất tại Hội nghị cấp bộ trưởng nhóm G20. Vấn đề cần bàn thảo thêm chỉ là chuyện phương pháp thực thi.

Bộ trưởng nhóm G20 thống nhất đánh thuế các đại gia Internet - Ảnh 1.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (phải) trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond trong hội nghị chuyên đề về thuế quốc tế ngày 8-6 - Ảnh: REUTERS

Các quy định mới sẽ không chỉ nhằm đánh thuế cao hơn với các tập đoàn công nghệ số mà còn ngăn cản các "thiên đường thuế" thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng lời hứa thuế thật thấp.

Bản thông cáo chung cuối cùng công bố ngày 9-6 tại Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thành phố Fukuoka của Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ gần đây trong việc giải quyết các vấn đề về thuế mà công nghệ số đã đặt ra trong thời gian qua và chúng tôi ủng hộ chương trình tham vọng với cách tiếp cận theo hai hướng.

Chúng tôi sẽ gia tăng nỗ lực để đạt đến giải pháp đồng thuận cùng một báo cáo cuối cùng từ nay đến năm 2020".

Mỹ phải nhượng bộ

Như vậy sau những bất đồng còn tồn tại đến tận ngày 8-6 giữa một bên là Anh và Pháp và bên còn lại là Mỹ, trong đó phía Mỹ mong muốn có giải pháp rộng hơn, "không phân biệt đối xử" với doanh nghiệp công nghệ số (bởi hầu hết các doanh nghiệp khổng lồ bị nhắm đến đều là doanh nghiệp Mỹ như Facebook, Google, Amazon...).

Theo Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin, thay vì viết lại toàn bộ hệ thống thuế, thế giới cần nhìn nhận sự cân bằng giữa vấn đề liên quan kỹ thuật số và việc môi trường mới sẽ tác động thế nào đến các công ty không hoạt động trong lĩnh vực này.

Trước thềm hội nghị, Bộ trưởng tài chính Pháp Bruno Le Maire đã kêu gọi thế giới cần nhanh chóng có biện pháp, đồng thời kêu gọi thiết lập một khung thời gian tham vọng hơn nhằm thúc đẩy sự thống nhất toàn cầu.

"Thực tế cho thấy việc số hóa nền kinh tế và các doanh nghiệp số lớn đã kiếm được các khoản lợi nhuận khổng lồ nhờ vào giá trị tăng lên của dữ liệu trong khi lại tiếp tục tìm cách đóng thuế ở những quốc gia có mức thuế thấp nhất" - Bộ trưởng Le Maire giải thích trên Hãng thông tấn AFP.

Bộ trưởng tài chính Anh Philip Hammond cũng cho rằng "hệ thống đánh thuế các hãng công nghệ trực tuyến hiện nay bị người dân xem là sự bất công tệ hại". Các bộ trưởng đều đồng tình với một chính sách thuế mới "hiệu quả và công bằng hơn", dựa trên doanh thu của công ty công bố tại một quốc gia, chứ không phải nơi họ đặt trụ sở.

G20 đã trao cho Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhiệm vụ nâng cấp hệ thống thuế toàn cầu, vốn đang tạo điều kiện cho các hãng công nghệ số lớn hưởng lợi từ mức thuế thấp tại một số nơi như Ireland, trong khi không phải trả đồng thuế nào tại những nước mà họ thu nhiều lợi nhuận.

Tổng thư ký OECD Angel Gurria đã trình lên hội nghị G20 một "lộ trình", được 129 nước ký kết trong tuần qua, trong nỗ lực ký được thỏa thuận chính thức vào năm 2020.

Các chính phủ không nên để lỡ cơ hội lần này khi chúng ta đều biết rằng các công ty đa quốc gia đang chuyển đến 40% lợi nhuận thu được ở nước ngoài tới các thiên đường tài chính.Quentin Parrinello

(người phát ngôn của Tổ chức phi chính phủ Oxfam France chuyên về chống đói nghèo và bất bình đẳng)

Thống nhất quy tắc dành cho AI

Trong khi đó, tại thành phố Tsukuba, tỉnh Ibaraki (Nhật), Hội nghị bộ trưởng kinh tế, kỹ thuật số và thương mại nhóm G20 đã ra tuyên bố chung vào tối 8-6 thống nhất hợp tác "ứng dụng có trách nhiệm trí tuệ nhân tạo (AI)". Đây là lần đầu tiên G20 thống nhất về quy tắc dành cho AI.

Các bộ trưởng cũng thống nhất nhận thức rằng bên cạnh lợi ích to lớn mà AI mang lại cho xã hội, cần thiết phải tránh những rủi ro và xác nhận sẽ thúc đẩy lưu thông dữ liệu một cách tự do xuyên biên giới quốc gia; đồng thời trên cơ sở đề xuất của Nhật Bản, cùng đề xướng một quy tắc về truyền tải dữ liệu, trong đó dữ liệu phải được "lưu thông tự do với sự tin cậy" theo thuật ngữ "Data Free Flow with Trust" (DFFT).

Tuyên bố chung nêu rõ hội nghị "chia sẻ về lợi ích to lớn của AI, đồng thời giảm tới mức thấp nhất quan ngại về những rủi ro" mà công nghệ này tác động. Đây là lần đầu tiên G20 thống nhất về một quy tắc dành cho AI.

Những mặt tiêu cực của AI đã được chỉ ra như xâm hại quyền riêng tư, lấy đi việc làm của người lao động... Vì vậy, các nước G20 sẽ thực hiện xây dựng "một xã hội tương lai mà trọng tâm là con người".

Trong bối cảnh những khối lượng dữ liệu khổng lồ đang hằng ngày được tích lũy, lưu trữ như dữ liệu kinh doanh, sản xuất..., việc tận dụng hợp lý nguồn tài nguyên này có thể tạo ra một cuộc cách mạng kỹ thuật.

Tuy nhiên, nếu thông tin bị lộ lọt sẽ dẫn tới những rủi ro về an ninh. Đây là vấn đề mà hội nghị nhất trí cần phải được xây dựng thành quy định về giao dịch điện tử để bổ sung vào các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới.

Các hội nghị cấp bộ trưởng đang diễn ra là một trong những khâu chuẩn bị quan trọng cho chương trình nghị sự, thống nhất tuyên bố chung cho Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra tại Osaka, Nhật Bản trong hai ngày 28 và 29-6.

Được tổ chức thường niên kể từ năm 1999, Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 được coi là một trong các diễn đàn quan trọng để 20 nền kinh tế chủ chốt thảo luận về các vấn đề kinh tế thế giới và phối hợp chính sách để đảm bảo đà tăng trưởng ổn định và bền vững của nền kinh tế toàn cầu.

Nga ký thông qua luật ngắt kết nối Internet

TTO - Luật mới cho phép Nga tạo ra mạng Internet riêng, từ đó loại bỏ nguy cơ trở thành nạn nhân của một vụ tấn công mạng dây chuyền trên diện rộng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược an ninh mạng mới.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp