Ngày 27-2, tại TP Cần Thơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị "Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai nghị quyết 13 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá trong vòng 10 năm qua, giáo dục và đào tạo Đồng bằng sông Cửu Long đã có bước tiến và đạt kết quả quan trọng, có thể xem là bứt phá.
"Căn cứ vào các số liệu chúng ta có thể khẳng định giáo dục và đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thoát ra khỏi vùng trũng. Đề nghị là từ nay chúng ta không gọi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trũng giáo dục nữa, nó bằng rồi, lên mặt đất rồi, không còn trũng nữa, và thậm chí còn có những điểm rất khả quan, đáng mừng", ông Sơn nói.
Ông Sơn phân tích, nếu xét chỉ số cơ sở vật chất, tỉ lệ huy động trẻ đến lớp, tỉ lệ bỏ học, mù chữ, tỉ lệ học hai buổi… "các chỉ số đó chúng ta đều khó khăn", tuy nhiên về chỉ số chất lượng giáo dục phổ thông thì Đồng bằng sông Cửu Long đứng thứ hai trong sáu vùng của cả nước.
"Vì sao có sự lệch như thế? Cơ sở vật chất là quan trọng, nhưng cơ sở vật chất và chất lượng không đồng nhất với nhau. Điều đó cho thấy cái chất của giáo dục, chất lượng của đội ngũ và sự nỗ lực phi thường, đó là điều đáng mừng cho giáo dục Đồng bằng sông Cửu Long", ông Sơn phân tích thêm.
Ông cho rằng giáo dục phổ thông đã đạt đến mặt bằng và thoát khỏi vùng trũng, trong thời gian tới cần đẩy mạnh nâng cao tỉ lệ sinh viên đại học, phát triển hệ thống các trường đại học, xem đây là trọng tâm, là điểm nhấn trong các chính sách.
Đặc biệt, ông Sơn chia sẻ ngân sách các địa phương có hạn, tuy nhiên thời điểm năm 2023-2024 khi nhu cầu đổi mới giáo dục phổ thông là trọng tâm thì cần quan tâm hơn trong việc đầu tư, vì đầu tư đúng lúc sẽ có tác dụng, có gia tăng, còn khi nhu cầu trôi qua rồi mà đầu tư vào thì hiệu quả ít hơn.
"Lĩnh vực nào cũng cần, nhưng thắt lưng đầu tư cho giáo dục ở một thời điểm như vậy, mong rằng các đồng chí cân nhắc", ông Sơn kêu gọi.
Theo thông tin công bố tại hội nghị, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 16 trường đại học tại 10/13 tỉnh, thành (trừ Bến Tre, Cà Mau và Sóc Trăng), 6 phân hiệu của các trường đại học. Những cơ sở này đảm nhận đào tạo cho 80% trong tổng số sinh viên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong khi đó, kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2020 về tiếp cận giáo dục; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cấp học, bậc học tại địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu đổi mới. Nhiều chỉ số tăng mạnh so với giai đoạn trước, tiệm cận và đạt trên mức trung bình chung của toàn quốc…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận