06/11/2024 11:54 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Một tỉnh của Trung Quốc làm được 2.000km đường cao tốc trong 3 năm

Nêu kinh nghiệm từ Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nếu tiếp tục làm theo tư duy cũ sẽ rất chậm, nên cần phân cấp mạnh hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Một tỉnh của Trung Quốc làm được 2.000 km đường cao tốc trong 3 năm - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 6-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Đáng chú ý về việc phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C từ HĐND các cấp cho UBND các cấp đã nhận được nhiều ý kiến.

Băn khoăn phân cấp từ HĐND sang UBND

Nêu ý kiến thảo luận về nội dung này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho rằng việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nên giao cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện để đảm bảo yêu cầu giám sát và kiểm soát quyền lực.

Bà chỉ rõ, trước đây đang giao cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương.

Bởi HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, thay mặt người dân quyết định việc sử dụng ngân sách của địa phương, thực hiện quyền giám sát.

Nên việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư, sau đó chủ tịch UBND quyết định và tổ chức triển khai dự án đầu tư là một quy trình rất hợp lý.

Bà cho hay, việc đang cho rằng đưa ra HĐND sẽ kéo dài thời gian cũng chỉ là một cách giải thích và đã có những giải pháp để khắc phục việc này.

Bà Thủy dẫn chứng, qua thống kê, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 cho đến nay, HĐND TP Hà Nội tổ chức khoảng 20 kỳ họp (bình quân 6 kỳ họp/1 năm; trung bình 2 tháng tổ chức một kỳ họp).

Khi UBND có yêu cầu, HĐND đều chủ động sắp xếp, bố trí lịch họp trong thời gian sớm nhất có thể để thực hiện các thẩm quyền theo quy định của pháp luật, trong đó có Luật Đầu tư công, chứ không chờ đến các kỳ họp định kỳ để giải quyết các công việc phát sinh.

Mặt khác, theo bà Thủy, khi đưa nội dung này ra xem xét, thảo luận và quyết định tại HĐND thì việc chuẩn bị hồ sơ dự án sẽ phải cẩn trọng hơn, quy trình cũng như nội dung dự án đầu tư, giám sát cũng được bảo đảm tốt hơn...

Theo đề xuất trong dự luật, tiêu chí phân loại dự án nhóm B, nhóm C theo tổng mức đầu tư cũng sẽ có độ giãn rất lớn, từ dưới 90 tỉ đến 4.600 tỉ đồng đối với một dự án tùy theo lĩnh vực.

Do đó, bà Thủy nói căn cứ vào lĩnh vực đầu tư, quy mô, tính chất, tổng mức đầu tư của dự án, HĐND hoàn toàn có thể giao UBND quyết định chủ trương đầu tư trong một số lĩnh vực, một số trường hợp phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương như quy định của luật hiện hành.

Quy định như vậy để các địa phương chủ động, linh hoạt trong điều hành theo tôi thấy là hợp lý hơn so với việc giao toàn bộ thẩm quyền này cho UBND. Do đó, bà đề nghị không nên sửa nội dung quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cũng đề nghị cân nhắc việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư từ HĐND cho chủ tịch UBND cùng cấp với nhiều lý do.

Ông đề nghị cần bổ sung vào dự luật sửa đổi cho phép HĐND các cấp được quyết định những giải pháp đặc thù, phù hợp với thực tế của địa phương và yêu cầu riêng của từng dự án.

Đồng thời, quy định HĐND các cấp có thể ủy quyền cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền để phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Quy định pháp luật phải tạo động lực, khơi thông điểm nghẽn

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói trước hết cần thay đổi tư duy xây dựng pháp luật.

Trong đó, quy định pháp luật phải tạo động lực, không gian mới và khơi thông điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực cho phát triển đất nước.

Ngoài ra, phải chuyển từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm và đẩy mạnh phân cấp phân quyền.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dẫn kinh nghiệm Trung Quốc, một tỉnh làm được 2.000km đường cao tốc trong 3 năm.

"Khi hỏi lý do có thể làm được khối lượng lớn trong thời gian ngắn, giá rẻ, họ cho biết là phân cấp mạnh cho địa phương, dám vay và lập các công ty nhà nước để làm các dự án hạ tầng giao thông. Sau khi đầu tư xong thì chuyển cho tư nhân khai thác, thu hồi vốn…", ông kể.

Ông nhấn mạnh nếu tiếp tục làm theo tư duy cũ sẽ rất chậm, nên cần phân cấp mạnh hơn.

"Trung ương, Quốc hội, Chính phủ tập trung giữ vai trò kiểm soát, kiến tạo, hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư, cắt giảm, đơn giản thủ tục hành chính, giảm xin - cho, quyền anh quyền tôi và đùn đẩy, né tránh", ông nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh nội dung sửa luật lần này là vấn đề cốt lõi, vướng mắc trong thực tiễn cần điều chỉnh ngay.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ luật hiện hành trong trường hợp cần thiết, HĐND quyết định việc giao cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Trên thực tế, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C cho UBND cùng cấp.

Theo Bộ trưởng Dũng, Chính phủ đã rất cẩn thận lấy ý kiến lại của 63 địa phương và cả 63 địa phương đều nhất trí 100%.

Tuy nhiên, ông nêu rõ sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến này để cơ quan soạn thảo cùng cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ lưỡng xem có phân cấp cho UBND không hay giữ nguyên như hiện hành, sau đó báo cáo Chính phủ và Quốc hội.

Phương án có thể là tách và phân cấp theo nguồn ngân sách của tỉnh hoặc huyện.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Một tỉnh của Trung Quốc làm được 2.000 km đường cao tốc trong 3 năm - Ảnh 3.Đại biểu Quốc hội: Chật vật làm thủ tục, nhà đầu tư than 'đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh'

Nhà đầu tư vẫn mòn mỏi chờ đợi dẫn đến mất cơ hội đầu tư, đành tâm tư rằng 'đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp