Sáng 20-6, sau khi xem video về các mục tiêu, định hướng quy hoạch, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về quy hoạch thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Phần thảo luận chỉ có 4 đại biểu bấm nút, trong đó có hai đại biểu thuộc đoàn Hà Nội. Các ý kiến đều đánh giá cao việc tổ chức lập quy hoạch và cho rằng các đồ án được lập kỳ công, bài bản.
Theo các đại biểu, nếu làm được như quy hoạch, thủ đô Hà Nội tương lai sẽ là một đô thị hiện đại, văn minh, phát triển xứng tầm với các thủ đô, thành phố trong khu vực và thế giới.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng sản phẩm quy hoạch hiện rất bài bản nhưng cần quan tâm đến việc làm thế nào để quy hoạch được thực hiện như định hướng, kỳ vọng.
Theo ông Cường, một trong những việc quan trọng phải tập trung là giải quyết nút thắt của thủ đô về giao thông. Trọng tâm là đầu tư xây dựng được 14 tuyến đường sắt đô thị (metro), hình thành hệ thống, mạng lưới đường sắt, đủ kết nối để người dân có thể di chuyển đến bất cứ nơi đâu ở thủ đô bằng đường sắt.
Mạng lưới đường sắt này cũng kết nối với các tỉnh xung quanh, để các tỉnh như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên... trở thành các đô thị vệ tinh của thủ đô.
Mặt khác khi có hệ thống đường sắt, thành phố không cần bỏ nguồn lực chỉnh trang, cải tạo những khu vực dân cư lụp xụp, thay vào đó nhà đầu tư sẽ tự bỏ vốn để chỉnh trang, phát triển các đô thị này thành khu đô thị hiện đại, văn minh, có hệ thống không gian ngầm.
Ông Cường cũng đề xuất: "Cần có cơ chế hỗ trợ người dân ở khu vực phố cổ. Muốn cải tạo, chỉnh trang khu vực này phải hỗ trợ để người dân có thể dành không gian này cho các nhà đầu tư vào đầu tư, cải tạo, phát triển, từ đó hình thành không gian kinh tế đêm cho cả khu vực phố cổ, nội thành".
Trao đổi sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết hiện nay cơ bản các quy hoạch tỉnh, thành đã được Thủ tướng phê duyệt. Sau khi được Quốc hội có ý kiến, cơ quan sẽ trình để Thủ tướng phê duyệt quy hoạch Hà Nội và TP.HCM trong tháng 6-2024.
Ông Dũng cho biết: "Việc lập và vẽ quy hoạch đã khó, nhưng việc thực hiện được càng khó hơn. Đơn cử như để làm hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội, nếu không có cơ chế huy động sẽ không biết làm bao giờ mới xong".
Theo ông: "Hiện chúng ta cần huy động 40 tỉ đô la, trong 10 năm (đến năm 2035) để hoàn thành xây dựng mạng lưới các tuyến đường sắt. Vậy phải xác định cơ chế nào, nguồn lực, tổ chức thực hiện ra sao để chúng ta thực hiện được quy hoạch. Nếu không chỉ là kỳ vọng, định hướng tương lai".
Từ đó ông Dũng đề nghị: "Sau khi được phê duyệt, Hà Nội phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch khả thi nhất, trong đó có cơ chế, chính sách, cách thức huy động nguồn lực, thứ tự các dự án ưu tiên... Như vậy mới mong có bức tranh đô thị thủ đô Hà Nội trong tương lai như mong muốn".
Quy hoạch thủ đô Hà Nội: Không thể xây cao tầng trong khu nội đô
Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đề nghị xác định nhiệm vụ "phát triển thủ đô Hà Nội bằng thủ đô các nước tiên tiến trên thế giới" là bằng với thời điểm này, hay bằng với thời điểm năm 2030, năm 2065.
"Quy hoạch này chúng ta xây dựng cho thế hệ tương lai, cần phải định nghĩa chắc chắn để con cháu sau này thực hiện. Nếu đặt mục tiêu bằng thời điểm tương lai thì chúng ta phải hết sức cân nhắc", ông Thân nêu.
Ông cũng bày tỏ băn khoăn, day dứt: "Quy hoạch xác định tương lai sẽ hình thành mô hình thành phố trong thủ đô, tôi có ý kiến ngược lại nên xây dựng mô hình thủ đô trong thành phố".
Ông Thân cho rằng: "Nên chăng xác định các quận (4 - 5 quận) nội thành là thủ đô, còn Hà Nội nói chung là cả khu vực thủ đô và các khu vực khác. Như vậy mới có thể tập trung nguồn lực đầu tư cho khu vực thủ đô".
Từ đó ông đề xuất: "Trong khu vực quận nội thành cần xác định việc tôn tạo, bảo tồn tốt không gian kiến trúc đô thị vốn có. Hiện trạng của 36 phố phường cứ để nguyên như thế. Không thể xây dựng nhà cao tầng quá nhiều trong khu nội đô, kiến trúc nhà cửa, đường phố nên giữ lại, chỉ tôn tạo, chính trang".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận