02/08/2013 08:51 GMT+7

Bộ trưởng Ngoại giao Pháp trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ

HƯƠNG GIANG thực hiện
HƯƠNG GIANG thực hiện

TT - Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius sẽ thăm Việt Nam lần đầu tiên từ ngày 3 đến 5-8. Trước chuyến thăm, Bộ trưởng Fabius dành riêng cho Tuổi Trẻ một cuộc phỏng vấn qua email đề cập đến những nội dung chính của cuộc gặp.

MBntRvtC.jpgPhóng to
Ngoại trưởng Laurent Fabius- Ảnh do Đại sứ quán Pháp cung cấp

* Thưa ông, mục tiêu của chuyến thăm lần này có những điểm chính yếu gì?

- Bộ trưởng Laurent Fabius: Năm 2013, năm kỷ niệm 40 năm Pháp và VN thiết lập quan hệ ngoại giao và là Năm Pháp - VN, là dịp để hai nước mở ra một chương mới trong quan hệ song phương. Đó chính là mục đích chuyến thăm của tôi tại đất nước các bạn.

Chuyến thăm này nằm trong khuôn khổ năng động của các hợp tác chính trị cấp cao. Tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gặp nhau tại Vientiane (Lào) vào tháng 11-2012. Tiếp theo, thủ tướng hai nước đã gặp nhau tại Phnom Penh vào tháng 2-2013. Ngày 27-3, tôi cũng đã tiếp người đồng nhiệm Phạm Bình Minh tại Paris. Những cuộc gặp này mở ra các sự kiện quan trọng trong những tháng tới, tại Pháp lẫn tại VN.

Chuyến thăm này cũng là dịp để đề cập với người đồng nhiệm của tôi cũng như các nhà lãnh đạo cao nhất của VN về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước và tăng cường hợp tác song phương trên tất cả lĩnh vực. Tôi cũng sẽ chú trọng đề cập đến vấn đề tăng cường trao đổi kinh tế đang không tương xứng với kỳ vọng của hai nước chúng ta.

* Theo ông, dưới góc nhìn của Pháp, yếu tố chiến lược trong quan hệ với VN là gì?

- Đối với Pháp, VN là một đối tác chính trị quan trọng, một nền kinh tế năng động đối với châu Âu và là một thành viên tích cực của khối Pháp ngữ.

Từ nhiều thập niên qua, VN và Pháp đã ký kết với nhau nhiều thỏa ước và cơ chế hợp tác trong các lĩnh vực: chính trị, quốc phòng, thương mại và đầu tư, văn hóa, khoa học và công nghệ, đào tạo. Pháp là một trong những nhà tài trợ phát triển lớn nhất của VN, với hơn 1,3 tỉ euro cam kết thông qua Cơ quan Phát triển Pháp (AFD). Hiện nay, hơn 6.000 sinh viên VN đang học tập và nghiên cứu tại Pháp, như vậy Pháp là nước thứ ba trên thế giới đón tiếp sinh viên VN.

Nay chúng tôi mong muốn thông qua việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, hai bên sẽ có thể tăng cường theo chiều sâu những lĩnh vực hợp tác đó và tạo nên một động lực mới cho mối quan hệ của hai nước.

Đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, hai nước cần phải nỗ lực hơn nữa bởi vì mối quan hệ kinh tế chưa tương xứng với kỳ vọng của quan hệ đối tác chiến lược. Mặc dù có gần 300 doanh nghiệp Pháp hiện diện ở VN nhưng sản phẩm Pháp chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ. Việc ký đối tác chiến lược là cơ hội để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và củng cố hợp tác công nghiệp trong các lĩnh vực chiến lược đối với sự phát triển của VN.

Về chính trị, VN đang đóng vai trò ngày càng tăng trên trường thế giới, đặc biệt là với quyết định tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc từ năm 2014. Đây là cơ hội để chúng ta nâng cấp đối thoại lên các vấn đề quốc tế cũng như với các vấn đề an ninh và quốc phòng hay các thách thức toàn cầu, chẳng hạn như biến đổi khí hậu mà VN sẽ là nước chịu tác động rất lớn. Tôi cũng chú trọng việc phải duy trì sự đối thoại thẳng thắn và tôn trọng về các vấn đề liên quan đến quản trị, quyền con người và nhà nước pháp quyền.

* Hiện nay nhiều công ty Pháp rất tích cực tham gia các dự án kết cấu hạ tầng lớn của VN, nhưng đầu tư của Pháp chưa gây ấn tượng bằng đầu tư của Nhật Bản, Hàn Quốc... Cá nhân ông đánh giá thế nào về điều này?

- Quả thật có lý khi nhắc đến sự năng động trong đầu tư của Pháp tại VN. Pháp hiện nay là nhà đầu tư lớn thứ hai của châu Âu tại VN với tổng số vốn hơn 3,2 tỉ USD và mức đầu tư ngày càng tăng, thể hiện sự ưu tiên của doanh nghiệp Pháp dành cho VN so với các nước khác trong khối ASEAN.

Nhu cầu hiện nay của VN hoàn toàn tương xứng với các thế mạnh của doanh nghiệp Pháp. Thành công tốt đẹp của EDF (xây dựng Nhà máy điện Phú Mỹ), Alstom (đang tham gia đấu thầu dự án metro Hà Nội), Sanofi (tham gia lĩnh vực văcxin)... đã chứng minh điều đó.

Để có bước phát triển mới, điều quan trọng là các doanh nghiệp Pháp cần tăng cường sự hiện diện của mình tại VN và cam kết hoạt động lâu dài - là điều kiện của thành công. Điều cốt yếu nữa là hai chính phủ cần tạo điều kiện tốt cho đầu tư. Tại VN, đó là thông qua cải thiện môi trường pháp lý doanh nghiệp và dỡ bỏ các rào cản tiếp cận thị trường. Trong khuôn khổ đàm phán đang được tiến hành để tiến tới ký kết thỏa thuận tự do thương mại giữa VN và Liên minh châu Âu (EU), chúng tôi rất quan tâm đến các nội dung này.

* Các doanh nghiệp VN đang tìm cách mở rộng biên giới kinh doanh. Theo ông, Pháp có thể là mảnh đất tiềm năng cho các doanh nghiệp VN không? Nếu có, đâu là những lĩnh vực mà doanh nghiệp VN nên quan tâm để đầu tư, xuất khẩu sang Pháp?

- Pháp không chỉ là mảnh đất tiềm năng mà đã là mảnh đất thực tế cho các doanh nghiệp VN. Hiện nay, EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN; năm 2012, Pháp đã nhập khẩu hơn 2,7 tỉ euro hàng hóa của VN, lớn gấp bốn lần hàng Pháp xuất sang VN. Thông qua các chương trình khác nhau (ví dụ như triển khai hệ thống chỉ dẫn địa lý xuất xứ trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm), Pháp đã giúp VN gia tăng thương hiệu sản phẩm xuất khẩu.

Đối với đầu tư quốc tế, Pháp thực hành chính sách cởi mở: Pháp là nước châu Âu có nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trên lãnh thổ mình nhất. Các doanh nghiệp VN hoàn toàn được chào đón tại đây. Chúng tôi sẵn sàng huy động để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này làm ăn tại Pháp.

* Xin cảm ơn ông.

* Hiện có rất nhiều công ty Pháp đầu tư tại VN nhưng phải dùng tiếng Anh trong giao tiếp. Ông có nghĩ rằng nên cải thiện hỗ trợ văn hóa và ngôn ngữ giữa hai nước?

- Đây là một điểm rất quan trọng. Chúng tôi rất quan tâm đến cam kết của VN trong Cộng đồng Pháp ngữ. Trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, tiếng Anh là ngôn ngữ giao dịch quốc tế, đó là một thực tế, đặc biệt trong khối ASEAN. Nhưng việc sử dụng tiếng Anh không hề loại bỏ các ngôn ngữ khác, như tiếng Pháp hoặc tiếng Việt.

Ngày nay chúng ta phải thích ứng với cách tiếp cận đa ngôn ngữ. Nhờ học tiếng Pháp mà các sinh viên Pháp ngữ có sự khác biệt với các sinh viên chỉ nói tiếng Anh: họ có thể tiếp cận được, vượt ra nước Pháp, là thế giới Pháp ngữ với các nước châu Phi đầy tiềm năng. Tiếng Pháp cũng là công cụ để các bạn tiếp cận với các chương trình đào tạo chất lượng cao. Rất nhiều sinh viên chọn tiếng Pháp đã có thể tiếp tục theo học các chương trình chất lượng cao và có những công việc ở vị trí cao, ngay cả khi họ không phải sử dụng tiếng Pháp hằng ngày.

Các doanh nghiệp của chúng tôi không bỏ tiếng Pháp, thậm chí tôi thấy một thực tế ngược lại: họ sử dụng sự “bổ sung” đó như một lợi thế trong cạnh tranh. Nhưng quả đúng đó là một nỗ lực, một ngọn lửa cần được duy trì hằng ngày.

HƯƠNG GIANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp