Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Ảnh: TTXVN
Trục liên thông văn bản quốc gia hiện là nơi gửi - nhận văn bản của các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương, nhưng đến quý IV-2019 sẽ trở thành Cổng dịch vụ công quốc gia - một nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu trên tất cả các hệ thống. Bộ trưởng, chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chia sẻ về lợi ích đối với nhà nước, người dân và doanh nghiệp mà hệ thống này mang lại.
* Đưa Trục liên thông văn bản quốc gia vào hoạt động, chúng ta được những gì, thưa bộ trưởng?
- Cái được đầu tiên là giảm được nhiều khâu, nhiều thủ tục, không phải giấy tờ in ấn, sao gửi. Bình thường gửi một văn bản từ đây xuống địa phương là 2 ngày, giờ chỉ tích cái là tới, nhanh hơn hỏa tốc, nhận được ngay và trình luôn, không mất chi phí. Có thể tính bằng giây chứ không phải bằng phút.
Các bộ trưởng, lãnh đạo tỉnh không cần ngồi phòng mà đi bất cứ đâu cũng có thể xử lý công việc. Văn bản ký số được ban hành có giá trị như văn bản ký "tươi" có dấu đỏ. Ông không thể nói không nhận được văn bản vì nó lưu vết hết, nhận lúc nào trên điện tử.
Lợi ích khác không thể tính được là cách làm công khai, minh bạch sẽ giảm tiêu cực, nhanh, tiết kiệm thời gian. Doanh nghiệp có sản phẩm được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, đồng ý chủ trương sớm thì sản phẩm đó sẽ ra sớm hơn so với mong đợi… Lòng tin của dân và môi trường đầu tư cũng được cải thiện rất nhiều.
Chính phủ quyết tâm đến ngày 30-6 thông qua e-cabinet (hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc), từ chỗ chỉ Văn phòng Chính phủ phi giấy tờ tiến tới Chính phủ phi giấy tờ. Trước đây Chính phủ họp 3 ngày, tiến tới ứng dụng công nghệ thông tin giảm chỉ còn 1 ngày, vì nội dung văn bản đã được xử lý trên mạng, đồng thuận thì đưa ra Chính phủ biểu quyết, tới đây sẽ ấn nút bằng vân tay.
Một văn bản được đem ra lấy ý kiến các bộ, bộ nào chậm trễ hoặc không trả lời cũng sẽ bị chỉ đích danh, tạo ra sự minh bạch, công khai, rõ ràng, mọi người đều có thể giám sát.
* Vậy người dân cũng được hưởng lợi?
- Nếu thực hiện tốt dịch vụ công, công khai các thủ tục hành chính, lợi ích mang đến cho người dân, doanh nghiệp là rất lớn. Cuối quý IV-2019 khi có Cổng dịch vụ công quốc gia sẽ thí điểm ngay với thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe. Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an kết nối dữ liệu, ai vi phạm ở đâu, đi xe biển số nào, bị giữ bằng hay tước bằng đều được lưu giữ trên nền tảng điện tử.
Gặp trường hợp bất khả kháng như hỏa hoạn, mất cắp, chỉ cần truy xuất hồ sơ ban đầu trên cơ sở dữ liệu là ra luôn thông tin thi lấy bằng lái xe ngày nào, cấp ngày nào, thời hạn bao năm, hạng gì… để nhanh chóng cấp lại.
Không còn "kho anh, kho tôi"
* Theo ông, khó khăn lớn nhất hiện nay là gì?
- Cái khó lớn nhất là phải tạo ra sự đồng bộ, phải có cơ sở dữ liệu làm nền tảng. Hiện mới có dữ liệu về bảo hiểm xã hội, về đăng ký doanh nghiệp, nhưng dữ liệu về đất đai, dân cư chưa có, chưa đồng bộ nên phải lấy xác thực điện tử của bảo hiểm xã hội. Không thể chần chừ chờ đợi, phải làm dần và đúc kết, khi nào có dữ liệu về dân cư sẽ chuyển.
Hiện vẫn còn tình trạng cát cứ, độc quyền về dữ liệu, do bộ ngành nào cũng muốn giữ, không muốn chia sẻ. Quý IV-2019 sẽ có kho của quốc gia, tất cả dữ liệu bắt buộc phải đẩy hết vào đó và do Thủ tướng quản lý chìa khóa. Chia sẻ dữ liệu nào, Thủ tướng là người quyết định.
Không còn "kho ông, kho tôi" thành dữ liệu riêng, độc quyền. Có hệ thống này cũng không thể giấu gì được, đấu giá biển số xe xong là lên luôn, minh bạch, không phải hỏi.
Bộ trưởng, chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các đơn vị của VPCP sử dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc trên iPad - Ảnh: VGP
* Ông đánh giá thế nào về độ sẵn sàng của các bộ, ngành, địa phương?
- Các bộ, ngành, địa phương rất quyết tâm dù có mức độ khác nhau. Giờ quan trọng là phải tập huấn và tạo áp lực từ trên xuống. Bên trên giờ phải hoàn toàn không ký tay nữa, bên dưới gửi lên mà không gửi điện tử thì không ký cho.
Văn phòng Chính phủ giờ không ký "tươi" nữa. Các lãnh đạo vụ đã được trang bị iPad, dù đi công tác hay họp vẫn có thể giải quyết công việc và ký văn bản trên điện tử.
Có thể nói, ước mơ nền hành chính không giấy tờ khó có thể chạm tay vào nếu không có hành động thực sự quyết liệt, đặc biệt về con người. Nhiều cán bộ vẫn muốn giữ thói quen làm việc giấy tờ vì không muốn từ bỏ quyền lợi.
Bên cạnh việc ban hành các thể chế, quy định rất cụ thể, các lãnh đạo cũng phải đi tiên phong. Lãnh đạo mà ký giấy, cán bộ sẽ không chịu trình văn bản điện tử. Lãnh đạo xử lý trên điện tử, không cán bộ nào dám trình văn bản giấy. Như tôi, dứt khoát không ký tay nên cán bộ không dám trình giấy. Nếu không làm thế thì ngày nào văn bản cũng xếp hàng chồng trên bàn.
Cải cách thì người đứng đầu cơ quan, đơn vị rất quan trọng, nếu làm tích cực cả bộ máy chuyển hết.
Bộ trưởng, chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận