03/01/2024 09:46 GMT+7

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Tạo ra không gian giá trị cho nông nghiệp du lịch, giải trí, thời trang

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục lan tỏa sâu sắc hơn nữa tư duy kinh tế và tạo ra không gian giá trị cho nông nghiệp du lịch, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp thời trang.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh: C.TUỆ

Bộ trưởng Lê Minh Hoan - Ảnh: C.TUỆ

Theo kế hoạch, chiều nay (3-1), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngành nông nghiệp.

Năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là về thị trường xuất khẩu, song kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt 53 tỉ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 12,07 tỉ USD, chiếm 42,5% xuất siêu cả nước. Giá trị gia tăng toàn ngành (GDP) đạt 3,83%, cao nhất trong 10 năm gần đây.

Để nhìn lại một năm vượt khó cũng như những định hướng phát triển trong năm 2024, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan xung quanh vấn đề này.

Kích hoạt được tư duy thị trường

* Thưa bộ trưởng, yếu tố nào giúp ngành nông nghiệp có nhiều điểm sáng trong năm 2023?

- Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Năm qua có lẽ thành công rõ nét của ngành nông nghiệp là kích hoạt được tư duy kinh tế và tư duy thị trường.

Thị trường ngày càng khắc nghiệt hơn, chúng tôi không chỉ mở cửa mà cần phải hiểu được từng đặc điểm của thị trường, ví dụ có những nông sản bán qua Trung Quốc được nhưng không bán châu Âu được, hay có nông sản bán được ở Mỹ nhưng không bán được ở châu Âu,...

Quan trọng là khi vừa mở cửa thị trường chúng tôi đón nhận những tín hiệu và chuyển về vùng nguyên liệu sản xuất cho bà con nông dân.

Việc bộ gắn tiêu chuẩn về thị trường xuống vùng nguyên liệu tất nhiên cũng có những rủi ro, nhưng sự thành công trong xuất khẩu nông sản vừa qua chứng minh được người nông dân, ngành nông nghiệp của chúng ta có thể tiếp cận được những thị trường khắt khe nhất. 

Chẳng hạn gạo Việt Nam được đưa vào thị trường Nhật Bản, EU, Anh…

* Tái cấu trúc ngành hàng có phải "bí quyết" giúp xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như gạo, sầu riêng, rau quả... lập kỳ tích trong năm qua?

- Chỉ đạo của bộ đầu tiên là phải tổ chức lại sản xuất bởi nền nông nghiệp chúng ta là manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Quá nhiều người nông dân tham gia một ngành hàng và khi quá nhiều thì sinh ra sự xung đột.

Chính vì thế, ngành nông nghiệp phải cấu trúc lại ngành hàng, tổ chức sản xuất, tổ chức thị trường và tổ chức liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để đỡ đổ vỡ, đứt gãy.

Chúng ta đã cấu trúc lại được một số ngành hàng lớn như cà phê, sầu riêng, lúa gạo,... gắn giữa người sản xuất với các doanh nghiệp. 

Điển hình nhất là lúa gạo, các doanh nghiệp vừa tự tạo vùng nguyên liệu, vừa liên kết với người nông dân để có vùng nguyên liệu đủ lớn, đủ tiêu chuẩn để đáp ứng được các đơn hàng trong thời gian dài.

Tuy nhiên, cũng phải nói rằng có những lúc người nông dân giữ nông sản để làm giá, có những lúc doanh nghiệp làm giá, đây là bức tranh nông nghiệp thời gian qua.

Bên cạnh những thành tích, đây vẫn là "điểm mờ" mà chúng tôi đang xóa dần.

Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu thu về trên 2 tỉ USD trong năm 2023 - Ảnh: T.VY

Sầu riêng là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu thu về trên 2 tỉ USD trong năm 2023 - Ảnh: T.VY

Nông nghiệp xanh là xu thế không thể đảo ngược

* Định hướng của ngành trong năm 2024 và những năm tiếp theo?

- Ngành nông nghiệp tiếp tục lan tỏa sâu sắc hơn nữa về tư duy kinh tế, làm sao trên một đơn vị diện tích nông nghiệp đó, thậm chí thu hẹp diện tích nông nghiệp lại mà vẫn tạo ra nhiều của cải hơn.

Thứ hai là tạo ra những không gian giá trị cho ngành nông nghiệp với những cụm từ như: du lịch nông nghiệp, nông nghiệp giải trí, nông nghiệp thời trang, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh…

Thực tế nông nghiệp du lịch ở Đài Loan đã chứng minh cho lợi nhuận tăng gấp 5-6 lần, thậm chí gấp vài chục lần mà không phải đầu tư quá lớn. 

Hay như làng hoa Sa Đéc ở Đồng Tháp trước chỉ bán hoa ngày Tết, ngày rằm, nay thu hẹp sản xuất để tạo thêm điểm dừng nghỉ cho du khách thì lợi nhuận thu được sẽ tăng cao. 

Thành ra cái vô hình chúng ta chưa khai thác lắm khi có giá trị nhiều hơn cái hữu hình mà ta đang theo đuổi.

Những tư duy này chúng ta phải thay đổi từng năm một, nếu không làm thì 5 năm hay 10 năm sau không có nông nghiệp du lịch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn…

* Hiện nay, từ khóa nông nghiệp xanh, tư duy xanh rất phổ biến trên thế giới và Việt Nam, vậy ngành nông nghiệp sẽ triển khai như thế nào?

- Nông nghiệp xanh là một xu thế không thể đảo ngược, chúng ta phải chủ động thích ứng và thực tế là bà con đã thích ứng được. Chẳng hạn như ở Tứ Kỳ (Hải Dương) nông dân sản xuất lúa - rươi - cáy, ba tầng giá trị. 

Nông dân nói rằng thu nhập bán rươi, cáy nhiều hơn bán lúa. Tính ra, mỗi ha lúa - rươi - cáy cho thu nhập 500 triệu đồng, gấp 10 lần Đồng bằng sông Cửu Long. Khi sản xuất lúa - rươi - cáy thì chắc chắn là sản xuất hữu cơ, xanh hoàn toàn.

Hay mô hình lúa - tôm, lúa - cá ở Bạc Liêu, Cà Mau, Đồng Tháp…, cũng vậy, nông dân Việt Nam đã và đang hướng tới một nền nông nghiệp tuần hoàn sinh thái.

Trong bối cảnh "bão giá" vật tư đầu vào, những mô hình trên còn giúp nông dân giảm chi phí đáng kể bởi không cần phân, thuốc. Chúng ta cần lan tỏa những mô hình như vậy và đây là xu hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái.

Nông nghiệp tiếp tục lập kỷ lụcNông nghiệp tiếp tục lập kỷ lục

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, năm 2023 nông nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua, tiếp tục giữ vững vị trí 'là trụ đỡ của nền kinh tế'.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp