12/10/2022 15:23 GMT+7

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Biển Việt Nam có tài nguyên lớn nhưng cũng bất ổn, khó khăn'

C.QUỐC - C.CÔNG - K.TÂM
C.QUỐC - C.CÔNG - K.TÂM

TTO - Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng Việt Nam có bờ biển dài nhưng không phải vô hạn, vì vậy cần giảm khai thác, tăng nuôi trồng thủy sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Biển Việt Nam có tài nguyên lớn nhưng cũng bất ổn, khó khăn - Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo từ đầu cầu tỉnh Bến Tre - nơi ông đang có chuyến công tác - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chiều 12-10, tại tỉnh Sóc Trăng đã diễn ra hội thảo "Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới", do báo Tuổi Trẻ, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank).

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng hội thảo là một sáng kiến, một chủ đề hay và nghiêm túc. Gần đây các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo Tuổi Trẻ, đã đồng hành cùng bộ trong nhiều chương trình, như về thuốc bảo vệ thực vật, về xuất xứ, nhãn mác nông sản và hôm nay là chủ đề gỡ khó để thủy sản vươn lên tốp đầu thế giới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng với chiến lược của Đảng và Nhà nước, ngành thủy sản trong thời gian vừa qua đã có rất nhiều thành tích nổi bật và đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp với tỉ trọng ngày càng cao.

Tuy nhiên, ngành thủy sản cũng đứng trước thách thức lớn, biển Việt Nam có tài nguyên lớn nhưng cũng có cái bất ổn, khó khăn. Trong đó, ngành khai thác trên biển đứng trước thách thức lớn của biến đổi khí hậu và xu thế tiêu dùng thế giới.

"Biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, suy giảm trữ lượng cá có tác nhân tự nhiên nhưng cũng do chính chúng ta khai thác không theo chuẩn mực, quy tắc. Do đó, định hướng là phải cấu trúc lại ngành thủy sản nói chung theo hướng giảm đánh bắt, chuẩn hóa quy trình khai thác biển và tăng nuôi trồng, đây là hướng mà chúng ta sẽ tiến tới.

Nói chủ trương thì nghe đơn giản, nhưng thực thi bao giờ cũng phức tạp, không khéo sẽ duy ý chí vì nó liên quan tới con người - 4 triệu người làm hậu cần bờ biển, những người đó ai đi ai ở, chuyển đi nơi khác thế nào; mục tiêu giảm đội tàu khai thác không phải dễ, không chuẩn bị nghiêm túc thì bất ổn trong quá trình thực thi, tổ chức thực hiện.

Đất nước chúng ta có bờ biển dài nhưng không phải vô hạn. Để không xảy ra tình trạng chồng lấn, cạnh tranh khai thác, nuôi trồng bất ổn như thời gian qua đòi hỏi sự hợp tác giữa người đánh bắt, nuôi trồng, sự liên kết người đánh bắt với doanh nghiệp, người nuôi trồng với doanh nghiệp", ông Hoan gợi ý.

Ông Hoan kêu gọi: "Chúng ta cùng nhau đồng hành tạo ra hệ sinh thái. Hệ sinh thái gồm có nông dân, ngư dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý từ trung ương tới địa phương, nhà truyền thông cũng có vai trò trong đó".

"Lần này là một dấu mốc chúng ta tự tin hướng về phía trước hiện thực hóa chiến lược nông nghiệp nông thôn bền vững mà Chính phủ đã phê duyệt, trong đó hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái, trách nhiệm và bền vững" - ông nêu thêm.

Ông Trần Văn Lâu, chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cũng cho biết toàn vùng ĐBSCL có khoảng 750km chiều dài bờ biển, chiếm 23% chiều dài bờ biển toàn quốc và hơn 80.000ha bãi triều.

Nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản ở ĐBSCL trở thành nghề truyền thống, với nguồn lợi thủy sản phong phú, được thiên nhiên ưu đãi và nguồn lao động dồi dào, ĐBSCL được xem là vựa lúa, trái cây, thủy sản cả nước.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Biển Việt Nam có tài nguyên lớn nhưng cũng bất ổn, khó khăn - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu phát biểu khai mạc hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Với xu thế ngày càng tăng nhu cầu sản phẩm thủy sản, việc đẩy mạnh phát triển thủy sản ở vùng là hướng đi đúng. Đây là ngành kinh tế quan trọng của 17 triệu dân 13 tỉnh, thành trong vùng. Tuy nhiên, hạn, mặn, sạt lở, ngập lụt, ô nhiễm môi trường và tác động khác của biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng nặng nề tại ĐBSCL.

Nhiều vấn đề phát sinh nội tại như năng suất lao động thấp, cấu trúc nền kinh tế chưa thật sự ổn định, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, người lao động di cư ngày một gia tăng… là vấn đề tồn tại và thách thức hiện nay đang phải đối mặt.

Nhà báo Lê Thế Chữ, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, cho biết thông tin mới nhất cho thấy đến hết tháng 9-2022, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt trên 8,5 tỉ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2021. Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam dự báo đến hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỉ USD mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra.

Nhiều thông tin lạc quan là vậy nhưng các chuyên gia và người trong cuộc có cùng nhận định ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam vẫn đang đối mặt muôn vàn khó khăn. Đáng chú ý là vấn đề ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước dẫn đến nhiều dịch bệnh; chất lượng, nguồn gốc con giống chưa đảm bảo; thức ăn thủy sản chưa đáp ứng yêu cầu; các chế phẩm sinh học thủy sản; phương thức nuôi, quy trình nuôi chưa đồng nhất; hạ tầng, cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng còn lạc hậu…

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Biển Việt Nam có tài nguyên lớn nhưng cũng bất ổn, khó khăn - Ảnh 3.

Nhà báo Lê Thế Chữ phát biểu tại hội thảo - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Khi nuôi trồng gặp rủi ro, dịch bệnh, thiên tai, người dân không có vốn để tái sản xuất. Người dân cũng thiếu điều kiện để xây dựng hồ nuôi, lồng bè đúng tiêu chuẩn khiến cho việc đăng ký, đăng kiểm gặp khó khăn, kéo theo việc bảo hiểm, ngân hàng không thể tham gia cho vay, đầu tư.

"Vì vậy, trong hội thảo hôm nay, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các nhà khoa học, chuyên gia lĩnh vực, ban tổ chức mong nhận được những thảo luận ý kiến, đóng góp, chia sẻ, cùng đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh ngành nuôi trồng thủy sản, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ vốn, pháp lý để bà con an tâm sản xuất", nhà báo Lê Thế Chữ bày tỏ.

Hội thảo Hội thảo 'Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới'

TTO - Đoàn khảo sát do UBND tỉnh Sóc Trăng và báo Tuổi Trẻ tổ chức tham quan thực tế tại một trong những trang trại nuôi tôm công nghệ cao lớn nhất miền Tây.

C.QUỐC - C.CÔNG - K.TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp