19/03/2018 17:42 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ tin vào hiệu quả của các khu công nghệ cao

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết như vậy tại phiên trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay 19-3.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai hỏi, bộ trưởng Chu Ngọc Anh trả lời tại phiên chất vấn chiều 19-3 - Nguồn: VTV

Tại phiên làm việc, hình thức "hỏi nhanh, đáp gọn" (hỏi không quá một phút, đáp không quá ba phút), các đại biểu chỉ nêu một câu hỏi và bộ trưởng trả lời ngay nên đã giúp nhiều nội dung được thông tin mạch lạc.

"Đang đi đúng hướng"

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đặt vấn đề: Cách đây nhiều năm, khi triển khai xây dựng các khu công nghệ cao như Hòa Lạc, TP.HCM, Đà Nẵng thì được kỳ vọng như các "quả đấm thép" phát triển khoa hoc công nghệ, nhưng đến nay kết quả vẫn chưa rõ nét. Đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy phát triển đúng mục tiêu đề ra?

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh thừa nhận việc triển khai xây dựng các khu công nghệ cao bị chậm, nhiều thế hệ lãnh đạo ngành khoa học công nghệ đều thấy sốt ruột. Như khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2015 vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng.

Với quyết tâm của Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, chỉ đạo cứ 6 tháng một lần các bộ, ngành liên quan phải báo cáo tiến độ, tình hình. 

"Mới đây, làm việc với Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, tôi đã báo cáo là bây giờ đã có chuyển động, với sự hỗ trợ ODA của Nhật Bản để xây dựng hạ tầng. Từ quý 4 năm ngoái chúng ta đã xúc tiến đầu tư, kêu gọi được nhiều nhà đầu tư lớn vào đây", Bộ trưởng Ngọc Anh thông tin.

Ông khẳng định yếu tố đầu tư nội địa cũng rất quan trọng. Hiện nay, Công ty cổ phần Công nghệ công nghiệp bưu chính viễn thông (VNPT Technology) đã vào đây, có thể làm ra tất cả hệ thống sản xuất các thiết bị điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; khoảng 3.500 kỹ sư nghiên cứu của Viettel vào đây, đem lại doanh thu hơn 14.000 tỉ đồng.

Tại Hòa Lạc hiện suất đầu tư đã là 13 triệu USD/hecta, ở TP.HCM là 15 triệu USD/ha, con số cách xa so với ngày xưa. Tại Hòa Lạc hôm nay có 81 dự án đầu tư với 66.000 tỉ đồng, nhưng ở TP.HCM đi trước một chặng rất xa.

"Chúng tôi tập trung đầu tư vào yếu tố hạ tầng, đúng nghĩa của khu công nghệ cao, bao gồm các trường, các viện nghiên cứu… Mấy ngày nữa, Viện nghiên cứu Việt Nam - Hàn Quốc sẽ được động thổ với sự tham gia của tổng thống Hàn Quốc. Chúng tôi tin rằng chúng ta đang đi đúng hướng và chỉ vài năm nữa các khu công nghệ cao sẽ mang lại hiệu quả" - Bộ trưởng cho hay.

Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ tin vào hiệu quả của các khu công nghệ cao - Ảnh 2.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai chất vấn về tiến độ xây dựng các khu công nghệ cao - Ảnh: Quochoi.vn

Giảm dần công trình nghiên cứu "xếp ngăn kéo"

"Đề nghị bộ trưởng cho biết cơ chế chính sách thời gian tới như thế nào để giúp các trường, viện tháo gỡ khó khăn, để các nghiên cứu khoa học sớm đi vào đời sống, các kết quả nghiên cứu khoa học được thị trường hóa ?" - đại biểu Phùng Đức Tiến chất vấn.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định việc thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu là ưu tiên của bộ, bởi đây là hạn chế xuyên suốt của lĩnh vực khoa học công nghệ. 

Lãnh đạo bộ luôn nhận thức rằng quản lý nhà nước về khoa học công nghệ phải tập trung vào thương mại hóa khoa học công nghệ để phát triển đất nước. Luật  khoa học công nghệ cũng quy định, nhưng cách đưa vào cuộc sống vẫn còn hạn chế, chưa kết nối tốt giữa các nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu với doanh nghiệp.

Ông cho biết hiện nay đang bắt tay khẩn trương vào công việc, đặc biệt phối hợp với các ngành sản xuất, ví dụ mục tiêu Thủ tướng đặt ra cho ngành tôm là xuất khẩu 10 tỉ USD, thì ngành  khoa học công nghệ đã vào cuộc với ngành nông nghiệp, xem là cái gì cần nghiên cứu, cần hỗ trợ, gắn với chuỗi sản xuất, ngay cả các phụ phẩm của sản phẩm tôm cũng phải tận dụng triệt để.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng hỏi: "Mỗi năm Nhà nước phải bỏ ra bao nhiêu tiền cho các đề tài nghiên cứu khoa học? Đề nghị bộ trưởng đánh giá chất lượng các đề tài này, có hay không tình trạng các đề tài nghiên cứu xong lại 'xếp ngăn kéo'?".

"Bỏ ngăn kéo là một cách nói ví von. Tôi nghĩ rằng nhiều thế hệ lãnh đạo Bộ Khoa học công nghệ cũng trăn trở về thực tế này, đó là trách nhiệm trước đồng thuế của dân" - Bộ trưởng Ngọc Anh bày tỏ. 

Ông khẳng định ở khía cạnh này thì việc chậm ứng dụng vào cuộc sống cũng là sự lãng phí đối với các nghiên cứu khoa học công nghệ. Với các chính sách thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đầu tư nghiên cứu theo chuỗi giá trị, gắn với sản xuất thì tình trạng "xếp ngăn kéo" sẽ giảm dần.

Về chi phí từ ngân sách cho hoạt động này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết năm nay sẽ dành 2.900 tỉ đồng chi cho nghiên cứu khoa học nhiệm vụ cấp quốc gia. Nếu so sánh với quỹ nghiên cứu của doanh nghiệp, ví dụ như Viettel dành quỹ 4.000 tỉ phục vụ nghiên cứu thì con số trên còn khiêm tốn, vì vậy bộ chỉ tập trung cho những vấn đề cần thiết.

Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ tin vào hiệu quả của các khu công nghệ cao - Ảnh 3.

Bộ trưởng Khoa học công nghệ Chu Ngọc Anh tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 19-3 - Ảnh: VGP

Cung cấp thêm thông tin về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định trong nhiều năm qua luôn đảm bảo nhiệm vụ chi cho khoa học công nghệ mỗi năm 2% tổng chi ngân sách.

"Cách chi cũng đổi mới toàn diện. Chỉ cách đây khoảng 5 năm trước, các nhà khoa học rất kêu ca trong việc thanh toán chi cho khoa học công nghệ. Nhưng 3 năm trở lại đây đã không còn tình trạng đó, bây giờ chúng ta chi theo kết quả nghiên cứu, dựa trên nguyên tắc tự lựa chọn, tự chịu trách nhiệm của các nhà khoa học, cụ thể là những người làm chủ đề tài, dự án" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Đại biểu Phạm Tất Thắng nêu ý kiến một số chuyên gia, nhà khoa học cho rằng chúng ta ít quan tâm đầu tư nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, các kết quả ít được áp dụng vào cuộc sống, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục hạn chế này?

"Chúng tôi thừa nhận là các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này ít được thông tin ra công chúng, do đó ít được dư luận biết đến. Hơn nữa, các kết quả này được ứng dụng trong kinh tế, xã hội và chính trị, trong đó có những vấn đề ít được công bố rộng rãi" - Bộ trưởng Ngọc Anh giải thích.

Ông cũng cho biết thêm là "với những kết quả liên quan đến chính trị, chính sách vĩ mô thì rất quan trọng, ví dụ nghiên cứu vừa rồi về vai trò của kinh tế tư nhân để tham mưu cho Đại hội XII của Đảng, thể hiện trong các nghị quyết của Đảng. Chúng tôi tiếp thu ý kiến đại biểu, sẽ quan tâm đầu tư hơn nữa để đạt kết quả tốt đẹp hơn".

Bộ trưởng Tư pháp: Tài sản bất minh nên đưa ra tòa chứng minh

TTO - Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long nêu quan điểm này khi nhận được chất vấn của chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga về phương án đánh thuế 45% đối với tài sản không chứng minh được nguồn gốc.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp