18/03/2024 09:01 GMT+7

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn: Giải pháp giảm giá vàng, USD?

Sáng 18-3, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã "đăng đàn" trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp

Phát biểu trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, 3 năm qua, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ thực hiện chính sách tài chính hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, luật pháp hoàn thiện, quy trình quản lý còn một số kẽ hở, bộ trưởng mong đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến để hoàn thiện quá trình quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nói về đề xuất sửa mức giảm trừ gia cảnh

Nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nói mức giảm trừ gia cảnh cho cá nhân người nộp thuế được áp dụng từ ngày 1-7-2020 tới nay không còn phù hợp với các chỉ số lạm phát tăng và tình hình kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. 

Từ đó, bà đề nghị bộ trưởng cho biết phương án xét mức tăng, giảm trừ gia cảnh bản thân và người phụ thuộc khi xác định thuế thu nhập cá nhân thời gian tới chưa và mức bao nhiêu là phù hợp? 

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

Trả lời nội dung này, bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay nhiều cơ quan báo chí cũng đã nêu là mức giảm trừ gia cảnh không phù hợp với điều kiện hiện nay khi thời giá ngày một cao, những người phụ thuộc, nuôi con nhỏ, thu nhập thành thị không đáp ứng yêu cầu. 

Tuy nhiên, theo quy định hiện nay của thuế thu nhập cá nhân, chúng ta vẫn phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Muốn thay đổi mức giảm trừ gia cảnh này phải được sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. 

Theo kế hoạch, sắp tới trong năm 2025 mới bắt đầu sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân. Khi sửa luật này Bộ Tài chính mới nêu lên quan điểm và lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân, cơ quan. 

Lúc đấy mới xây dựng lại yếu tố về giảm trừ gia cảnh trình Chính phủ với Thường vụ Quốc hội, Quốc hội. Sau khi Quốc hội ban hành quy định sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân thì lúc đấy thực hành theo quy định mới của luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu giải pháp giảm giá vàng, USD

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) phản ánh thời gian qua, nhiều vụ buôn lậu, trốn thuế qua biên giới rất phức tạp, tinh vi liên quan đến vàng và ngoại tệ, gây ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. 

Từ đó, bà đề nghị bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ các giải pháp kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ trong nước?

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn: Giải pháp giảm giá vàng, USD?- Ảnh 3.

Trả lời nội dung về giá vàng, ngoại tệ tăng cao, bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết vấn đề này thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước, không thuộc Bộ Tài chính. Tuy nhiên, bộ có nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, có nghĩa quản lý vùng biên giới để khi giá vàng, ngoại tệ của Việt Nam tăng cao thì hàng lậu không tuồn vào Việt Nam. 

Bộ đã siết chặt các cửa khẩu để quản lý số vàng, ngoại tệ này. Thời gian qua đã bắt được một số vụ chuyển USD, ngoại tệ trong nước, nước ngoài như chuyển đi Hàn Quốc 1,6 tỉ USD hay hiện đang điều tra, xử lý 3.700 tỉ đồng hoặc 1 triệu USD giả chuyển qua đường hàng không. “Chúng tôi đang siết chặt vấn đề này”, ông Phớc nói. 

Để giá vàng, USD xuống, ông Phớc cho rằng theo ý kiến cá nhân ông, cần triển khai một loạt giải pháp như vàng liên quan đến cung cầu, xuất nhập khẩu. Vậy thì có nhập khẩu vàng hay không? Hay siết chặt mua bán thế nào? 

Hay có lợi dụng tâm lý khi đầu tư sản xuất kinh doanh không hiệu quả lắm, gửi ngân hàng lãi suất thấp thì dòng tiền này vào vàng hay không? 

Việc này ông Phớc chỉ rõ cần một loạt giải pháp mới ngăn chặn được tình trạng tăng. Về giá USD, ông Phớc chỉ rõ thể hiện sức mạnh của đồng tiền, tuy nhiên, khi đồng tiền Việt Nam hạ giá cũng có thể có lợi cho xuất khẩu nhưng tác động của xuất khẩu thế nào? 

Hay vấn đề đồng tiền làm thế nào để tỉ giá trước đồng USD không mất giá, theo ông Phớc, thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ trả lời bổ sung.

Năm 2024, dự kiến thanh tra 14 doanh nghiệp bảo hiểm 

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) đề nghị bộ trưởng cho biết tình hình thực hiện thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong năm 2023 đối với các doanh nghiệp bán bảo hiểm qua các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài như thế nào?

Kế hoạch thanh tra năm 2024 của Bộ Tài chính? Việc thanh tra có gắn với giám sát kết quả sau thanh tra hay không?

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định

Trả lời nội dung này, bộ trưởng thông tin: Việt Nam có 19 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó 2 doanh nghiệp trong nước, 17 doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh. Trong năm 2023, đã thanh tra 10/17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có doanh thu qua kênh ngân hàng (chiếm 98,63% doanh thu bán qua kênh ngân hàng). 

Tính đến hiện tại bộ đã lưu hành 5 kết luận với 5 công ty bảo hiểm và đang làm thủ tục để ban hành 3 kết luận còn lại, cùng 2 kết luận đang triển khai. Năm 2024, theo bộ trưởng, có kế hoạch thanh tra 14 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó thanh tra việc bán bảo hiểm qua các tổ chức tín dụng. 

Để thực hiện việc này phải phối hợp với thanh tra giám sát ngân hàng. Bởi với ngân hàng thương mại chỉ có thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước mới có thẩm quyền, còn bộ chỉ có quyền thanh tra bán bảo hiểm. Vì vậy, sẽ phối hợp việc này. 

Phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Phiên chất vấn tại điểm cầu Nhà Quốc hội

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho biết kết quả thanh tra đợt 1 với bốn doanh nghiệp bảo hiểm bán chéo qua ngân hàng của Bộ Tài chính công bố tháng 7-2023, cho thấy trong tổng số doanh thu bảo hiểm bán qua ngân hàng thương mại chỉ tính đến 31-12-2021 khoảng 15.000 tỉ đồng. 

Tuy nhiên, có công ty có đến 70% khách hàng mua bảo hiểm hủy sau đợt đóng phí lần đầu, thường nộp phí lần đầu là một năm hoặc hai năm. Ông đề nghị bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá về vấn đề này và xử lý như thế nào với trách nhiệm của các tổ chức liên quan qua kết quả thanh tra này?

Có hay không dấu hiệu vi phạm pháp luật gây hậu quả thiệt hại lớn cho số đông khách hàng đã hủy ngang hợp đồng?

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính có biện pháp như thế nào để đảm bảo trong tương lai các doanh nghiệp bảo hiểm không có những sai phạm tương tự, nhất là trong bối cảnh hành vi cấm bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc gắn với cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức?

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Đại biểu Phạm Văn Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang

Trả lời nội dung này, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, hiện nay không dám khẳng định còn hay không nhưng trước đây có tình trạng ngân hàng thương mại, nhân viên tư vấn cho người dân vay tiền phải mua bảo hiểm và chi phí mà ngân hàng, nhân viên được hưởng lợi lớn (năm 2023 là 37% tổng doanh thu và 2022 là 43,8%).

Do vậy, khi doanh nghiệp vay được tiền, đóng bảo hiểm lần đầu đã tiến hành hủy ngang. Bởi tiếp tục đóng các năm sau thì phải kéo dài, thiệt hại lớn, nên thà mất một khoản ban đầu, cộng vào chi phí vay và không phải kéo dài cho các năm sau. 

Vì vậy, Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm tra của ngân hàng đã kiểm tra, xử lý, ngăn chặn. Trong đó, yêu cầu khi tư vấn cần ghi âm đầy đủ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.

Bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc vì quyền lợi người dân

Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) nêu việc cử tri, nhân dân phản ánh thời gian qua việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới đối với người thứ 3 còn mang tính hình thức. Khi xảy ra sự cố thì thủ tục thanh quyết toán rất phức tạp, khiến người mua bảo hiểm rất phiền hà khi chi trả. 

Bà đề nghị bộ trưởng cho biết có thể số hóa được loại bảo hiểm này không? Và có thể thay đổi quy định hiện nay theo hướng tự nguyện thay vì bắt buộc hay không?

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An

Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay thời gian vừa qua tai nạn xe máy rất lớn, chiếm khoảng 63% trong các vụ tai nạn. Vì vậy, bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc vì quyền lợi người dân. 

Thêm vào đó, người tham gia bảo hiểm xe máy, số tiền nộp ít 55.000 đồng nhưng số hưởng nhiều, lên tới tối đa 150 triệu đồng/người. Tức là việc này quan tâm đến lực lượng yếu thế khi sử dụng xe máy. 

Khi chi trả chỉ trường hợp chết người mới cần hồ sơ công an gửi sang, còn các trường hợp khác thì được đền bù thông qua các hồ sơ hai bên thiết lập bằng điện tử. 

Về việc số hóa, theo ông Phớc, đã chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung làm cơ sở dữ liệu, số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với xu thế trong tương lai. Đồng thời, thiết lập hồ sơ, gửi hồ sơ cũng qua điện tử….

Vì sao chưa triển khai được cá cược bóng đá ở Việt Nam?

Đại biểu Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn) cho biết theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong thời gian qua, nhiều nơi đã lợi dụng hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và đặt cược có thưởng để tổ chức đánh bạc hoặc đặt cược trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý của các cơ quan nhà nước.

Đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và đặt cược có thưởng có những thay đổi như nào trong thời gian qua?.

Tại sao đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược nào? Đồng thời đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp để công tác quản lý trong lĩnh vực này đạt hiệu quả?

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn

Trả lời nội dung này, bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết hiện có 93 trò chơi điện tử được đặt ở các khách sạn 5 sao trong nước. Điều kiện để đặt trò chơi điện tử này, doanh nghiệp phải có vốn 500 tỉ đồng trở lên, phải có hệ thống thiết bị điện tử để giám sát, có đội ngũ chuyên nghiệp…

Các trò chơi điện tử đó chỉ áp dụng đối với người nước ngoài, còn người Việt Nam không được chơi. Các trò chơi điện tử ở khách sạn 5 sao này đã hỗ trợ việc kinh doanh của các khách sạn này, đạt được hiệu quả, đóng góp giải quyết được lao động.

Về đặt cược, theo bộ trưởng, có ba loại đặt cược bóng đá, đua ngựa, đua chó nhưng hiện chưa triển khai được.

Khi triển khai đặt cược về bóng đá, đã xây dựng quy định để tổ chức đấu thầu về loại hình này thì vướng phải Luật Đấu thầu.

Luật Đấu thầu lúc đấy chưa có quy định. Ông nói đã kiến nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vừa rồi sửa luật đã đưa được điều này vào. Bây giờ phải xây dựng được hành lang pháp lý để triển khai đặt cược bóng đá.

Đặt cược ngựa, chó, hiện đã có quy định yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng hệ thống trường đua chuẩn, phải có thiết bị, có nhân công chuyên nghiệp, bảo đảm.

Hiện đang triển khai hai dự án liên quan đến đua ngựa, đua chó. Ông nêu rõ đây là loại hình mới, bộ vừa nghiên cứu, triển khai, vừa ngăn ngừa những rủi ro của các hình thức này.

Với các hình thức này, khi cấp phép đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình với Thủ tướng, để Thủ tướng ban hành chủ trương đầu tư. Khi hoàn thành cơ sở vật chất để đạt được điều kiện để cấp phép đặt cược lại liên quan đến Bộ Tài chính.

Casino đóng góp gần 9.000 tỉ đồng cho ngân sách trong 6 năm

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đề nghị cho biết trên cả nước đang có bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh casino, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay như thế nào?

Các doanh nghiệp được triển khai kinh doanh casino có đóng góp nhiều cho kinh tế địa phương hay không, đặc biệt là trong việc thu hút du khách tới lưu trú, tiêu dùng tại địa phương?

Ngoài ra, hiện nay mới chỉ có casino Phú Quốc được thí điểm cho người Việt Nam chơi các trò chơi casino. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thí điểm này và liệu trong thời gian tới có xem xét mở rộng thí điểm cho người Việt Nam còn chơi casino hay không?

Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng

Đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng

Trả lời nội dung này, bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết hiện nay cả nước có 9 casino. Trong đó, có 3 casino lớn là Phú Quốc, Hồ Tràm, Nam Hội An, còn lại 6 casino nhỏ ở Hải Phòng, Quảng Ninh…

Theo quyết định của Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, có 2 casino đang được xây dựng ở Khánh Hòa và Thừa Thiên Huế, còn một casino đang xin chủ trương ở Vân Đồn.

Bộ trưởng nói từ năm 2017 đến 2023, casino đóng góp ngân sách khoảng 9.000 tỉ đồng, giải quyết gần 10.000 lao động. Chúng ta mới cho người Việt vào chơi casino ở Phú Quốc, còn ở Vân Đồn đang đề xuất.

Tuy nhiên, ở Phú Quốc, các năm đầu có 69% người Việt vào chơi nhưng năm 2023 còn 39% là người Việt vào chơi. Tức là người Việt ngày một giảm dần còn người nước ngoài ngày càng tăng lên.

Sai phạm thẩm định giá do đâu?

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho biết thời gian qua cho thấy các công ty thẩm định giá không những có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, mà trong các vụ án sai phạm vừa qua, vai trò của công ty thẩm định giá cũng rất quan trọng, có trách nhiệm, hoặc thậm chí là tiếp tay trong việc dìm giá hoặc nâng giá.

Theo ông Hạ, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân quan trọng là thời gian qua gia tăng quá nóng các doanh nghiệp thẩm định giá, hiệu quả hoạt động, đạo đức nghề nghiệp, vì vậy dẫn đến việc tiếp tay và sai phạm.

Tuy nhiên, sau khi xử lý sai phạm dẫn đến việc không dám làm, nên gây khó khăn trong hoạt động của nền kinh tế. Vai trò của thẩm định giá rất quan trọng.

Do đó, đại biểu đề nghị bộ trưởng cho biết trách nhiệm của bộ đến đâu trong vấn đề này, đồng thời cho biết giải pháp khắc phục được những hạn chế trên trong thời gian tới và các cơ quan thẩm định giá phải hoạt động bình thường?

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - tranh luận

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - tranh luận

Trả lời nội dung này, bộ trưởng cho biết việc cho rằng Bộ Tài chính cấp phép cho nhiều công ty thẩm định giá chưa hoàn toàn chính xác. Bởi công ty cả nước chỉ có mấy trăm công ty về thẩm định giá. Kiểm định viên về giá có chứng chỉ về giá phải đào tạo, sau đó thi cử.

Trong 3 năm vừa qua, chưa có năm nào vượt quá 33% số dự thi trúng tuyển. Bộ trưởng nhấn mạnh việc quản lý rất chặt chẽ trong cấp phép, hoạt động. Những sai phạm trong thời gian qua chủ yếu do thẩm định viên.

Bộ trưởng lấy ví dụ như về vụ Ngân hàng SCB thì rõ ràng có các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới như Big4, Ernst & Young Vietnam (EY) và Deloitt. Nhưng kiểm toán ở Ngân hàng SCB đều vi phạm. Rõ ràng ở đây do kiểm toán viên, thẩm định viên chứ không phải do công tác quản lý.

Bên cạnh đó, bộ trưởng cho hay chúng ta cũng phải thừa nhận một số văn bản vẫn còn lỗ hổng để cán bộ thẩm định giá lợi dụng. Như về giá đất áp dụng theo phương pháp thặng dư thì bất cứ ai quay trở lại kiểm tra đều sai hết.

Bởi giả định theo suất đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai phải trải qua nhiều bước như lập, phê duyệt thiết kế, lập dự toán nhưng đến khi cơ quan kiểm toán, kiểm tra thì vẫn cứ cắt giảm được 5-10% huống gì khi giả định theo suất đầu tư.

Cũng có các công trình chưa có trong suất đầu tư của Bộ Xây dựng như công trình đầu tư của Bộ Xây dựng làm gì có 3-4 tầng hầm, nhà riêng lẻ tầng 4 trở lên chưa có, chỉ có tầng 1-3. Do đó phải giả định, mà giả định chưa đúng.

Do vậy, nguyên nhân một phần do quy định của pháp luật, nhưng cũng có một phần nguyên nhân từ cán bộ cố tình làm sai. Từ chuyện cố tình làm sai xảy ra sai phạm và phải xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự.

Sai phạm kiểm toán, giải pháp gì để răn đe?

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết, theo báo cáo, cả nước ta hiện nay có 200 doanh nghiệp kiểm toán độc lập.

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán tốt, tuy nhiên cũng có những doanh nghiệp đã bỏ qua sai sót đối với đối tượng kiểm toán vì lợi ích riêng của kiểm toán viên dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước, bao che tiêu cực, sai phạm. Như vụ án SCB đã có tới 3 công ty kiểm toán tầm cỡ sai phạm.

Do vậy, đại biểu đề nghị bộ trưởng Bộ Tài chính làm rõ giải pháp gì để răn đe, phòng ngừa tiêu cực trong kiểm toán tư nhân?

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết vừa qua có hiện tượng sai phạm trong kiểm toán độc lập ở một số các vụ án hình sự.

Theo bộ trưởng, điều này liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán. Thêm vào đó là tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp.

Đồng thời, không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.

Ông nói đối với công tác kiểm toán đã chỉ đạo, siết rất chặt từ khâu kiểm toán viên để được cấp giấy chứng nhận kiểm toán viên. Cụ thể đặt ra các điều kiện theo đúng quy định và được tổ chức đào tạo, thi nghiêm túc.

Ông thông tin kiểm toán viên thi chưa có năm nào vượt quá 30%, năm cao nhất chỉ đậu 30%. Các chuẩn mực, phương pháp kiểm toán đã được bộ ban hành.

Tuy nhiên, trong thời gian tới sẽ tiếp tục siết chặt hoạt động của các công ty kiểm toán và sẽ kiểm tra lại một số bộ hồ sơ, nếu có sai phạm sẽ xử phạt, xử lý nghiêm.

Theo ông Phớc hiện cả nước có 221 công ty kiểm toán và có khoảng 2.363 kiểm toán viên. So với tỉ lệ của các quốc gia là bé, nhỏ nhưng chú trọng về chất lượng.

Với những sai phạm của kiểm toán viên có thể do nể, năng lực yếu, cấu kết thì sẽ nâng cao đào tạo đạo đức nghề nghiệp, văn hóa, trình độ để thực hiện tốt nghề nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Ảnh: GIA HÂN

Chèo kéo bán bảo hiểm, xử lý thế nào?

Đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) nêu việc hiện nay tình trạng người mua bảo hiểm được chào mời với chiết khấu cao, có tình trạng người tư vấn bảo hiểm chèo kéo khách hàng quá mức…

Theo đại biểu, điều này đã gây ảnh hưởng đến chất lượng bảo hiểm. Bên cạnh đó, thời gian hợp đồng bảo hiểm thường rất dài.

Trong khi đó người tư vấn thường chỉ tư vấn những mặt tốt của bảo hiểm mà chưa nói rõ những quyền hạn và trách nhiệm khi tham gia, dẫn đến tình trạng người mua bảo hiểm không nắm chắc nội dung hợp đồng và thường bị thiệt thòi.

Từ đó, ông đề nghị bộ trưởng làm rõ những giải pháp để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới?

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh - chất vấn

Đại biểu Trần Đình Gia - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh - chất vấn

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ các hành vi chèo kéo trong bán bảo hiểm là hành vi của các nhân viên bảo hiểm, công ty bảo hiểm.

Về mặt quản lý, luật nghiêm cấm việc các cán bộ bảo hiểm tư vấn sai, tranh giành, lôi kéo, dùng các thủ đoạn lợi dụng những người chưa có nhận thức cao để bán bảo hiểm.

Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra, thanh tra khi có khiếu nại, xử phạt nghiêm minh, chuyển cho cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu sai phạm để cơ quan điều tra xử lý.

Về hợp đồng kéo dài, trước đây, có những hợp đồng kéo dài hàng chục trang, gây sơ hở trong nắm bắt thông tin, gây thiệt hại cho người tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, ông nói khi sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm và các cơ quy định có liên quan, cơ quan soạn thảo đã dành một chương cho hợp đồng bảo hiểm để đảm bảo hợp đồng bảo hiểm gọn hơn, rõ hơn, chặt chẽ hơn.

Đồng thời cũng có quy định trong vòng 21 ngày, nếu phát hiện hợp đồng bảo hiểm có sai sót thì người tham gia bảo hiểm có quyền đòi nhận lại tiền, công ty bảo hiểm phải trả lại cho người tham gia bảo hiểm.

Vì vậy, vấn đề chèo kéo trong bán bảo hiểm là vấn đề cấm trong luật sửa đổi.

Bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng chưa chắc là của các chủ tịch, giám đốc

Đại biểu Nguyễn Thị Hà (Bắc Ninh) nêu thời gian qua, thị trường bảo hiểm nhân thọ, đặc biệt là các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài bán các sản phẩm thông qua các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng có nhiều sai phạm.

Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết kết quả xử lý sai phạm và giải pháp của bộ trong thời gian tới để ngăn chặn các sai phạm này.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh - chất vấn - Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh - chất vấn - Ảnh: quochoi.vn

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay hiện có 19 công ty bảo hiểm, trong đó, có 2 công ty bảo hiểm trong nước là Bảo Minh và Bảo Việt, còn lại 17 công ty bảo hiểm liên doanh với nước ngoài, của nước ngoài.

Hoạt động chủ yếu là các đại lý, nhân viên trong nước thực hiện. Ông nêu rõ việc liên kết bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng có thể là hành vi của nhân viên ngân hàng, chứ chưa chắc đã phải của các chủ tịch, giám đốc các ngân hàng thương mại chỉ đạo.

Còn những vấn đề có thể là bảo hiểm liên kết giữa ngân hàng hợp đồng với các công ty bảo hiểm để hưởng chi phí dịch vụ nhưng trong quá trình thực hiện có sự lệch lạc, thiếu thanh tra, kiểm tra, định hướng, quản lý.

Từ đó dẫn đến nhân viên tư vấn sai, ảnh hưởng đến người tham gia bảo hiểm. Cho nên, bộ đã xây dựng, tổ chức phối hợp thanh tra, kiểm tra để đảm bảo đúng đắn trong hoạt động bảo hiểm.

Sáng 18-3, phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ thực hiện quy định, định kỳ hằng năm tại các phiên họp thường kỳ tháng 3 và tháng 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức phiên chất vấn tại Thường vụ Quốc hội.

Trong khuôn khổ phiên họp lần thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp lần này được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin và đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội....

Việc rà soát phạm vi là chất vấn tại kỳ họp thứ 6 và các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đồng thời xuất phát từ tình hình thực tiễn tạo điều kiện cho tất cả các bộ trưởng ngành đều được tham gia trả lời chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao.

Ông Huệ đề nghị các bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt...

Các nhóm vấn đề chất vấn bộ trưởng Bộ Tài chính

Về công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh bảo hiểm và các hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Bên cạnh đó là việc thẩm định, cấp phép hoạt động của các công ty làm dịch vụ liên quan đến tài chính; việc thực hiện pháp luật với hoạt động kinh doanh xổ số, đặt cược, casino và trò chơi điện tử có thưởng.

Công tác quản lý giá và việc quyết định giá hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

"Chia lửa" với ông Hồ Đức Phớc có Phó thủ tướng Lê Minh Khái và bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Công an, Quốc phòng; thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về bảo hiểm nhân thọ, casino, đặt cượcBộ trưởng Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn về bảo hiểm nhân thọ, casino, đặt cược

Hôm nay 18-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp