Nhà nước phải khống chế mức giá bán tối đa
Sáng 5-6, nêu ý kiến thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay nhà ở xã hội có hai loại, trong đó một loại Nhà nước đầu tư, hai là từ nguồn vốn xã hội hóa, tức là do doanh nghiệp đầu tư.
Ông Phớc cho rằng nếu do Nhà nước đầu tư thì ghi rõ là UBND tỉnh giao chủ đầu tư thực hiện. Đồng thời, UBND tỉnh là người quy định giá bán và giá thuê.
"Vì đất nhà ở xã hội không thu tiền, đương nhiên khi Nhà nước làm thì quy định giá bán cho các đối tượng được mua nhà ở xã hội", ông Phớc nêu.
Tương tự nhà ở công nhân theo ông Phớc có hai loại. Cụ thể, một loại trong khu công nghiệp thì đương nhiên phải để cho các nhà máy luân chuyển.
"Hôm nay anh là công nhân sẽ được thuê, nhưng ngày mai không phải là công nhân phải đi chỗ khác thuê. Mục tiêu là phục vụ cho nhà máy, đòi hỏi phải cho thuê đúng đối tượng", ông Phớc nói thêm.
Loại thứ 2, theo ông Phớc là ở ngoài khu công nghiệp cũng có thể làm nhà ở công nhân. Ông chỉ rõ nếu đất đấu giá để làm theo quy hoạch thì họ quyết định giá cho thuê.
Còn nếu đất đó là đất Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất thì Nhà nước phải quyết định giá để tạo điều kiện cho công nhân có thể trả tiền thuê.
Bên cạnh đó, nhà ở xã hội mà do doanh nghiệp đầu tư, ông Phớc thông tin hiện nay chúng ta chưa quy định giá bán là ai duyệt.
Tuy nhiên, theo ông Phớc, đã gọi là nhà ở xã hội thì Nhà nước phải duyệt giá. Bởi doanh nghiệp đầu tư nhưng chỉ đầu tư vốn, còn đất là Nhà nước giao và không thu tiền sử dụng đất, giao đất sạch. Do đó, đương nhiên Nhà nước phải khống chế mức giá bán tối đa.
Nếu doanh nghiệp tiết kiệm hơn thì có lời.
Như vậy mới bán đúng đối tượng, cho thuê đúng đối tượng và khống chế được. Nếu không sẽ rơi vào kênh nhà ở thương mại.
"Tôi muốn nhấn mạnh dù là dạng nhà ở do Nhà nước hay doanh nghiệp đầu tư, Nhà nước vẫn đều phải quyết giá.
Đối với Nhà nước đầu tư bán đúng giá, còn với doanh nghiệp phải quy định giá tối đa để khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội", ông Phớc nhấn mạnh.
Phí bảo trì và quản lý nhà ở xã hội phải giao cho UBND tỉnh ban hành
Thêm nữa, bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ phải quy định trong luật phần hạ tầng nhà ở xã hội, nếu không sau này sẽ rất khó.
Trong đó, phí để bảo trì và quản lý nhà ở xã hội phải giao cho UBND tỉnh ban hành. Không có phí này, mỗi khu chung cư đặt ra một phí sẽ rất khó.
"Nhà ở xã hội trước đây quy định không quá 5 tầng, tức chỉ đi cầu thang bộ. Nhưng giờ phải đi thang máy và các hạ tầng hiện đại hơn, đòi hỏi bộ máy quản lý phải chuyên nghiệp.
Muốn chuyên nghiệp phải bỏ phí ra, tức cần có kinh phí bảo trì. Kinh phí bảo trì chính là người lao động, đối tượng sử dụng nhà ở xã hội trả.
Đối tượng này là những đối tượng nghèo, yếu thế, do vậy phải duyệt giá, chứ không thể để chủ đầu tư tự nâng giá lên thế nào cũng được", ông Phớc nêu thêm.
Cũng nêu ý kiến tại tổ, đại biểu Lê Trường Lưu (Thừa Thiên Huế) cho hay dự luật quy định về nhà lưu trú công nhân và chủ yếu thực hiện trong khu công nghiệp.
"Song thực chất lâu nay phát triển khu công nghiệp chưa đưa vấn đề này vào, kể cả quy hoạch. Bây giờ nằm ở mép khu công nghiệp có được không? Ta chỉ bó gọn khu công nghiệp thì khu công nghiệp cũ làm thế nào?", ông Lưu nêu.
Ông dẫn chứng tại Thừa Thiên Huế có một số khu công nghiệp bố trí vùng đất ven xây dựng nhà ở công nhân, nhà lưu trú công nhân. Do đó, đề nghị nghiên cứu thêm vấn đề này, trong khu công nghiệp và ven khu công nghiệp.
Bên cạnh đó, theo ông Lưu, hiện nay chưa nói đến sở hữu nhà chung cư vĩnh cửu hay có thời hạn.
"Tinh thần của luật này nêu khái niệm sở hữu vĩnh viễn. Tuy nhiên, nhà chung cư có tuổi đời 50-60-70 năm tùy theo tiêu chuẩn. Và chính ở khâu đó xảy ra mâu thuẫn khi chúng ta cải tạo lại nhà chung cư", ông Lưu nói và đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận