
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì họp với các hiệp hội, doanh nghiệp chiều 7-4 - Ảnh: KHƯƠNG TRUNG
Chiều 7-4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy chủ trì cuộc họp các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu bàn về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam.
Kiến nghị không áp thuế một số mặt hàng thủy sản, gỗ của Mỹ
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Nam - tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - cho biết hiện nước ta có khoảng 400 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang Mỹ và mỗi năm nước này chi khoảng 2 tỉ USD để nhập khẩu thủy sản từ nước ta. Do đó, đây là thị trường rất quan trọng đối với ngành thủy sản.
"Nếu bị áp mức thuế 46% thì thủy sản Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường Mỹ", ông Hoài Nam nói.
Ông Hoài Nam cho rằng nếu có thể đàm phán thì không nên đàm phán tổng thể, mà nên tách riêng từng lĩnh vực, từng ngành hàng để trao đổi với phía Mỹ xem xét.
Cùng với đó, xem xét đưa mức thuế một số mặt hàng thủy sản của Mỹ về 0% cũng có thể đưa ra như một điều kiện đàm phán để bạn xem xét giảm thuế.
Ông Ngô Sỹ Hoài - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản - cho rằng cần đưa ra quyết định miễn thuế hoàn toàn cho lô hàng gỗ nhập từ Mỹ để phía bạn thấy tín hiệu thiện chí của chúng ta.
Cũng theo ông Hoài, mới đây Trung Quốc đã cấm nhập gỗ tròn, gỗ xẻ của Mỹ (mỗi năm ước tính tầm 2 tỉ USD), do đó Mỹ đang tìm đầu ra cho ngành hàng xuất khẩu này của mình.
Ông Hoài đề xuất Chính phủ và bộ xem xét lại các chính sách để có thể khai thác cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc - thị trường tiêu thụ gỗ xẻ lớn nhất thế giới với giá trị lên đến 2 tỉ USD mỗi năm.

Một doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản tại miền Tây - Ảnh: QUỐC TUẤN
Đề xuất gói hỗ trợ tổng thể nếu đàm phán không có kết quả tích cực
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh mặc dù Chính phủ đã nỗ lực hết mình để hỗ trợ nhưng vẫn phải luôn chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, nhất là khi Mỹ có thể vẫn áp dụng chính sách này, không trì hoãn.
"Quan điểm của Việt Nam là không đối đầu, mà tìm kiếm các giải pháp tổng thể, lâu dài, trong đó đặc biệt chú trọng đàm phán" - ông Duy nói và cho biết Chính phủ luôn đồng hành với doanh nghiệp và sẽ tiếp tục lắng nghe, hiến kế để tìm ra những giải pháp thiết thực.
Ông Duy khẳng định Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã và sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác của Mỹ như Bộ Nông nghiệp Mỹ, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, nhằm có tiếng nói chung với Chính phủ Mỹ.
Đặc biệt, bộ sẽ chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân duy trì kế hoạch sản xuất, không thay đổi trong thời gian này.
Đồng thời sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường thay thế và tiếp tục ghi nhận các kiến nghị từ doanh nghiệp, hiệp hội để đề xuất với Chính phủ.
Ngoài ra, bộ sẽ rà soát các rào cản kỹ thuật về cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu nông sản, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ.
Ông Duy cho biết sẽ đề xuất gói hỗ trợ tổng thể trong trường hợp đàm phán không đạt kết quả tích cực, gồm hỗ trợ tín dụng, miễn giảm tiền thuê đất, giãn thời gian nộp thuế, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, nuôi trồng và thành lập quỹ phát triển công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận