Sinh viên Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng trong giờ thực hành - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục nghề nghiệp năm 2022 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức sáng 18-1.
Nghĩ tới đào tạo 20 triệu người mỗi năm
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng dù có những bước tiến trong thời gian qua nhưng cần nhìn nhận thẳng thắn rằng hiện nay vị thế của giáo dục nghề nghiệp trong xã hội còn thấp. Mặc dù các chỉ số đo lường có thể tăng nhưng chưa thể đạt được kỳ vọng và nhu cầu của xã hội.
Ông Dung chỉ ra những vấn đề trong giáo dục nghề nghiệp như phân luồng đến quy hoạch mạng vẫn còn "ngổn ngang", trong khi chuyển đổi số chỉ ở bước đầu. Kết nối với doanh nghiệp vừa qua ghi nhận tiến bộ nhưng để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động vẫn còn một bước rất xa.
"Phương thức đào tạo chủ yếu đổi mới ở các trường có kỹ năng, các trường chất lượng cao nhưng nhìn chung các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của chúng ta vẫn còn đang lạc hậu - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận - Chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của chúng ta còn thấp. Nên tại sao vừa rồi một số tập đoàn lớn người ta cần nhân lực thì không có, người ta phải rút đi".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại sự kiện sáng 18-1 - Ảnh: Chụp màn hình
Bộ trưởng cho rằng Việt Nam đã bước qua đỉnh của thời kỳ dân số "vàng", nếu không nắm bắt sẽ mất cơ hội. Tuy nhiên, đây cũng là thời cơ, lợi thế rất lớn với giáo dục nghề nghiệp để phục vụ được yêu cầu của xã hội và nguồn nhân lực.
Vì vậy trong năm 2022, bộ trưởng cho rằng cần đặt mục tiêu phát triển và phát triển thật nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm giải quyết chuyển đổi cơ cấu và đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ giáo dục nghề nghiệp trong tình hình mới.
Ngoài ra, giáo dục nghề nghiệp cần tập trung đổi mới phương thức đào tạo, đặt mục tiêu vào 2 nhóm đối tượng: đào tạo mới và đào tạo lại, trong đó đào tạo lại là nền tảng. Ông Dung cho rằng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần suy nghĩ đến một lúc nào đó sẽ đào tạo 20 triệu người trong một năm, thay vì 2 triệu như hiện nay.
Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ có vai trò dẫn dắt đào tạo, có thể tiến đến mô hình doanh nghiệp sẽ trả tiền cho các trường. Cần dựa vào dự báo thị trường, cung cầu lao động để triển khai đào tạo, không thể "tiện gì thì đào tạo đó".
Ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế
Sinh viên thực hành ngành kỹ thuật ôtô tại Trường trung cấp nghề Kỹ thuật Hùng Vương - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho thấy tính đến ngày 31-12, cả nước tuyển sinh được 1,9 triệu người, đạt 85,14% kế hoạch. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp có khoảng 375.000 người học, đạt 65,81%.
Trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác gồm 1,5 triệu người, đạt 91,69%.
Một số ngành, nghề có kết quả tuyển sinh tốt như máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tỉ lệ tuyển sinh không đạt chỉ tiêu do việc tổ chức đào tạo chuyển sang hình thức trực tuyến, việc thực hành, thực tập tại doanh nghiệp khó thực hiện.
Một số nguyên nhân khác như công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh phổ thông không thực hiện theo hình thức trực tiếp, việc di chuyển của người học đến các địa phương gặp khó khăn. Ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, các chương trình mục tiêu quốc gia được phê duyệt muộn.
Vụ trưởng Vũ Xuân Hùng thông tin tại hội nghị sáng 18-1 - Ảnh: Chụp màn hình
Ông Vũ Xuân Hùng, vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp), cho biết trong năm 2022, chỉ tiêu tuyển sinh hệ cao đẳng và trung cấp sẽ là 530.000 học viên.
Con số này theo ông cũng là một thách thức do những khó khăn hậu đại dịch và cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học ngày càng dễ dàng. "Không đáp ứng được số lượng tuyển sinh thì không thể nói gì đến vấn đề chất lượng hay đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Hùng nói.
Trong năm 2022, tổng cục dự kiến sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các trường tuyển sinh trực tuyến theo hướng hiệu quả, bài bản hơn. Hiện nay, các trường tùy thuộc vào điều kiện và tình hình địa bàn khác nhau mà triển khai nên hiệu quả vẫn chưa cao như kỳ vọng.
Giảm 11% trường nghề công lập
Năm 2021, cả nước giảm 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tăng 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, cả nước hiện có 1.904 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giảm được 11% số lượng cơ sở công lập.
Tổng cục đánh giá việc này đã từng bước giảm sự trùng lắp về ngành, nghề đào tạo, giảm đầu mối quản lý để tập trung các nguồn lực đầu tư, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Trong năm 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương tiếp tục được rà soát và sắp xếp, dự kiến sẽ giảm 4% các trường nghề công lập so với năm 2021. Khi đó, số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập sẽ chiếm khoảng 37%.
Tiếp tục phân luồng học sinh
Theo ông Vũ Xuân Hùng, việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THPT vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện mới đạt tỉ lệ 16,3%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu được đề ra đến năm 2020 là 40%.
Dự kiến trong năm 2022, tổng cục sẽ thường xuyên có các văn bản đốc thúc các địa phương hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS và THPT trên địa bàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận