Giáo viên Trường mầm non Hải Lâm (Hải Lăng, Quảng Trị) dọn dẹp giáo án, sách vở, thiết bị học tập hư hỏng sau khi trường ngập trong lũ - Ảnh: ĐOÀN NHẠN
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ và đoàn công tác của bộ đã đến một số điểm trường ở Quảng Bình và Hà Tĩnh, nơi vừa trải qua trận lũ lụt thiệt hại nặng nề. Những thông điệp ông Phùng Xuân Nhạ đưa ra nơi ông đến thăm khiến nhiều thầy cô, phụ huynh hi vọng.
Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định "phải đảm bảo học sinh vùng lũ đến trường có đủ sách vở, đồ dùng học tập tối thiểu".
Trước những khó khăn trong việc tái thiết hoạt động dạy học, ông Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết: "Trường học có thể linh hoạt giãn chương trình để học sinh được học nhẹ nhàng, tránh tình trạng dồn ép, đảm bảo học sinh tiếp thu được các kiến thức cơ bản, đồng thời có kế hoạch củng cố kiến thức cho học sinh sau đợt nghỉ do mưa lũ".
Nhưng giữa thông điệp được phát ra và hiện thực được triển khai là một hành trình mà nó dài hay ngắn lệ thuộc vào những tác động cụ thể, mạnh mẽ, thiết thực thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của người đứng đầu ngành giáo dục. Cho đến bây giờ, nhiều trường học ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
"Hầu hết gia đình học sinh các trường trong huyện thông báo không còn sách giáo khoa, vở và đồ dùng học tập. Trường học bị trôi, hỏng bàn ghế; thiết bị dạy học, thực hành thí nghiệm, thư viện đều bị hỏng, ướt" - thầy Lê Văn Phương, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), chia sẻ.
Để "có sách đến trường" cần kế hoạch cụ thể. Trong đó, Bộ GD-ĐT phải lãnh trách nhiệm chủ trì, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đề xuất các chính sách hỗ trợ cần thiết.
Những hệ lụy để lại đối với các trường học ở vùng vừa bị lũ lụt là rất lớn. Các trưởng phòng GD-ĐT ở vùng bị lũ lụt đang lo nhất là ở lớp 1. Vừa mới vào học được hai tháng, việc dạy học lớp 1 gặp rất nhiều khó khăn do sách giáo khoa bất ổn, tập huấn giáo viên chưa hoàn chỉnh, học sinh không có thời gian chuẩn bị tâm thế, nề nếp. Vậy mà chưa ổn định đã bị gián đoạn sự học.
Những đứa trẻ chưa kịp "đọc thông viết thạo" đã phải ngừng học vì lũ. Việc trở lại trường trong thời gian tới khó khăn lại chồng thêm khó khăn. Một số giáo viên cho biết có thể phải bắt đầu lại như mới.
Khó khăn từ người dân bị mất hết tài sản cũng đồng nghĩa với những tiềm ẩn nguy cơ khó khăn trong duy trì sĩ số học sinh ở các trường học vùng ngập lũ. Nhất là đối với học sinh trung học đang trở thành lao động chính trong gia đình, phải cùng bố mẹ đương đầu với cuộc mưu sinh vất vả.
Ngay lúc này, xã hội cần nhìn thấy bộ trưởng Bộ GD-ĐT có những giải pháp cụ thể, thiết thực và mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ các nhà trường tái thiết hoạt động, giảm bớt tác hại từ thiên tai. Xã hội có thể nhìn thấy rõ nhất trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành trong những hành động cụ thể đối với miền Trung chứ không chỉ dừng ở việc thăm hỏi, động viên hay những thông điệp chung chung.
Quảng Trị: cần 50.000 bộ sách
Bà Lê Thị Hương, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Trị, cho biết trong cuộc họp sáng 26-10, lãnh đạo tỉnh đã thống nhất sẽ cân đối ngân sách và tìm nguồn xã hội hóa để đảm bảo thay thế tất cả sách vở đã bị hư hỏng cho học trò vùng lũ. Hiện nay ngành giáo dục tỉnh đang tiến hành thống kê số sách vở, tập viết bị hư hại và liên hệ với các nhà xuất bản để kịp thời bổ sung sách vở cho học sinh.
"Số lượng các trường báo về ước chừng tới 50.000 bộ sách. Tỉnh sẽ huy động các nguồn lực để đảm bảo các em đủ sách vở khi đến lớp" - bà Hương nói.
Về việc dạy bù do học sinh phải nghỉ học nhiều vì mưa lũ, bà Hương cho biết sở đã giao cho hiệu trưởng các trường tự xây dựng kế hoạch để đảm bảo học sinh học đủ chương trình. Trong đó, các trường phải đảm bảo lớp học đủ điều kiện hoàn toàn mới cho học sinh đến lớp. Theo bà Hương, về cơ bản do mới đầu năm học nên vẫn chưa căng thẳng vì vẫn còn một tuần dạy bù.
Quảng Bình: một số trường hư hỏng nặng
Do nước lũ rút chậm nên các trường tại huyện Lệ Thủy chưa thể tổ chức dạy và học. Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Bình cho biết các trường còn lại ở những huyện khác đã bắt đầu dạy và học lại từ ngày 26-10. Một số trường không bị ngập lũ đã tổ chức dạy học từ cuối tuần trước.
"Với việc dạy bù, sở sẽ tính toán dựa trên tình hình thực tế để tổ chức. Hiện một số trường đang dọn dẹp và có nhiều hạng mục hư hỏng. Trước mắt, chỉ những trường đảm bảo an toàn mới cho dạy và học trở lại" - lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Bình nói. (QUỐC NAM - TRƯỜNG TRUNG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận