Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm - Ảnh: Quochoi.vn
“Dòng chảy của thông tin mạng như hệ tuần hoàn, mạch máu của cơ thể con người, không thể và cũng không có lý do gì cản trở, mà vấn đề là đảm bảo cho nó được thanh lọc, được lưu chuyển thông suốt”, thượng tướng Tô Lâm - bộ trưởng Bộ Công an - trao đổi về quan điểm tiếp cận của cơ quan soạn thảo khi xây dựng các dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước và Luật an ninh mạng.
Hài hòa giữa bảo vệ bí mật và quyền tiếp cận thông tin
Trao đổi tại thảo luận tổ Quốc hội chiều nay 13-11, thượng tướng Tô Lâm cho biết: Được phân công chủ trì, soạn thảo 2 dự luật này, Bộ Công an đã làm việc hết sức thận trọng, vì đây là 2 dự luật có liên quan rất lớn đến sự phát triển của đất nước, phúc đáp đòi hỏi của thực tiễn và liên quan đến quyền tự do, dân chủ của nhân dân.
"Thêm vào đó, đây cũng là những vấn đề thực sự rất khó, không chỉ với chúng ta mà cả với thế giới", ông Tô Lâm nói.
Đưa tất cả vào bí mật nhà nước thì không có tác dụng gì trong minh bạch thông tin và huy động sức dân, sự đóng góp của người dân đối với quản lý xã hội.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Về dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước, ông Tô Lâm nhấn mạnh: "Những gì liên quan đến lợi ích quốc gia mà chưa được công bố công khai thì phải được bảo vệ đến cùng, nhưng cũng phải hài hòa với quyền tiếp cận thông tin của người dân, huy động sức dân giám sát các hoạt động của Nhà nước".
"Điều quan trọng là phải xác định ranh giới để mọi người dân hiểu được quy định đó, vận dụng vào thực tiễn. Trong xây dựng dự án luật, cơ quan soạn thảo đã quán triệt việc cân bằng giữa nhiệm vụ bảo đảm bí mật nhà nước và quyền lợi của người dân, chứ không phải tối đa hóa những thứ gọi là bí mật", bộ trưởng khẳng định.
Theo ông, một vấn đề rất lớn phải xử lý là điều chỉnh khái niệm về thông tin của Nhà nước để đảm bảo sự tham gia quản lý, giám sát của nhân dân trong mọi hoạt động của cơ quan nhà nước.
"Pháp lệnh cũ liệt kê những vấn đề cụ thể là bí mật quốc gia, nhưng dự thảo luật lần này khái quát vấn đề, nên quá trình vận dụng thực tiễn phải có sự hiểu biết rất chặt chẽ", ông Tô Lâm nói.
"Chúng tôi rất lắng nghe góp ý của các đại biểu Quốc hội, cũng tiếp tục tham khảo kinh nghiệm thế giới. Tất nhiên, mỗi chế độ, mỗi nhà nước quan niệm lợi ích quốc gia khác nhau thì khái niệm bí mật nhà nước khác nhau, nên chúng tôi chọn lọc những gì phù hợp với chúng ta", thượng tướng Tô Lâm nêu ý kiến.
Đây là vấn đề an ninh phi truyền thống
Về Luật an ninh mạng, thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh: “Chúng tôi xác định đây là vấn đề an ninh phi truyền thống, đang là sự quan tâm chung của quốc tế, là vấn đề không một quốc gia đơn lẻ nào có giải quyết, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất của các quốc gia".
Theo bộ trưởng Bộ Công an, Internet đã đi vào mọi mặt của đời sống xã hội, nên an ninh mạng có phạm vi rộng hơn nhiều so với bí mật nhà nước.
"Chúng ta phải đảm bảo cả bí mật đời tư của người dân, hoạt động của từng cá nhân tham gia vào không gian mạng đều phải được an toàn, chứ không phải chỉ là vấn đề an ninh chung của quốc gia", ông Tô Lâm nói.
“Cơ quan soạn thảo cũng đánh giá rất cao tác dụng của Internet. Không thể ngăn chặn, cản trở sự phát triển của thông tin mạng vì bất kể lý do gì. Nếu vì đảm bảo an ninh mạng mà chúng ta không sử dụng mạng, không ứng dụng tiến bộ mạng thì rõ ràng rất lạc hậu, không thể chơi được với ai, không thể hội nhập với thế giới. Nhu cầu ứng dụng tiến bộ của công nghệ là một xu thế không thể cưỡng lại".
Tuy nhiên, cuộc chơi chung đó cũng bộc lộ rất nhiều nguy cơ về mất an ninh nếu chúng ta không làm chủ được. Do vậy, toàn xã hội phải đóng góp vào việc bảo đảm an ninh mạng.
"Luật này ra đời để mọi người hiểu được thế nào là an ninh mạng, các nguy cơ và trách nhiệm của mình trong đảm bảo an ninh mạng", bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Dòng chảy của thông tin mạng giống như hệ tuần hoàn của cơ thể con người, càng lưu thông tốt thì cơ thể càng khỏe mạnh. Không thể ngăn được dòng tuần hoàn đó, vấn đề an ninh, an toàn là làm sao để hệ thống đó không bị nghẽn mạch, dòng máu đó phải nhiều oxy, nhiều chất dinh dưỡng.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận