10/11/2015 18:06 GMT+7

Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Tôi nhận trách nhiệm trước Quốc hội"

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Đại biểu Nguyễn Thị Khá, ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội, đặt hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm khi thảo luận về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn năm 2004 - 2014.

Đại biểu Nguyễn Thị Khá - Ảnh: VIỆT DŨNG

 

“Bình mới mà rượu vẫn cũ”

Bà Khá cho rằng tình trạng phổ biến là hiệu quả sử dụng đất thấp, thất thu tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất. Hiện có hơn 428.000 ha đất chưa sử dụng, sử dụng vào mục đích khác để hoang hóa.

Các nông, lâm trường quản lý đất đai là khá lớn, khoảng 8 triệu ha. Riêng các công ty nông, lâm nghiệp là hơn 2.800 nghìn ha nhưng nộp ngân sách nhà nước chỉ được 1.722 tỉ đồng là quá thấp trong vòng 10 năm.

Hầu hết các nông, lâm trường mới sắp xếp lại tổ chức để thực hiện chuyển đổi tên gọi thành công ty mà chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý và quản trị doanh nghiệp, tức là bình mới mà rượu vẫn cũ.

Tại một số đơn vị sau khi cổ phần hóa công tác quản lý đất đai vẫn tiếp tục lỏng lẻo. Nhiều nơi khoán trắng đất cho người lao động nhưng buông lỏng không quản lý được hợp đồng giao khoán. Có nơi khoán trắng, khoán trái pháp luật, có tình trạng khoán trắng theo kiểu phát canh thu tô.

Không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất để tình trạng người nhận khoán tùy tiện chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật sang làm nhà ở, công trình dịch vụ cơ bản trên đất.

Việc tranh chấp, lấn chiếm giải quyết khiếu nại, thanh tra, kiểm toán theo báo cáo Chính phủ và địa phương cho thấy tình trạng tranh chấp vi phạm pháp luật về quản lý sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên trong thời gian dài.

Nhiều vụ việc phức tạp, hình thức vi phạm chủ yếu là lấn chiếm đất đai, cho thuê, cho mượn, chuyển mục đích, chuyển nhượng trái pháp luật.

Cần làm rõ trách nhiệm

Với hàng loạt câu hỏi đặt ra, bà Khá đề nghị Chính phủ cần mổ xẻ, phân tích đầy đủ để làm rõ thêm trách nhiệm của từng cấp, từng ngành.

Đối với ngành tài nguyên môi trường cần làm rõ trách nhiệm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm, cấp không đo đạc, không cắm mốc địa giới, cấp chồng lấn, hồ sơ được cấp giao cho đơn vị theo quyết định thành lập công ty mà không lưu trữ hồ sơ làm theo kiểu buông tay, đây có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến quản lý đất đai bị buông lỏng như hiện nay hay không, có cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm hay không?

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát - Ảnh: VIỆT DŨNG

Đối với cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, các ngành khác có liên quan trong việc quản lý công ty, doanh nghiệp nông, lâm trường được giao quản lý, khai thác sử dụng đất.

Nếu quản lý, khai thác, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, để bị lấn chiếm, tranh chấp, chuyển nhượng, khoán trắng theo kiểu phát canh thu tô, khoán trái pháp luật, nghĩa vụ ngân sách nhà nước thì không thực hiện, nhiều đơn vị hoạt động không hiệu quả, thua lỗ kéo dài nhưng vẫn tồn tại, nhiều đơn vị không tách bạch được chức năng sản xuất kinh doanh và sự nghiệp.

Xin hỏi người đứng đầu có chịu trách nhiệm gì không? Bộ phụ trách lĩnh vực có liên đới trách nhiệm gì không?

Đối với cơ quan tài chính, thanh tra và kiểm toán, đối với các đơn vị được giao, khai thác quản lý sử dụng đất đai với diện tích lớn chỉ nộp ngân sách trong 10 năm khoảng 1.722 tỉ đồng.

Các đơn vị còn nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì ý kiến ngành tài chính về vấn đề này ra sao? Có tương xứng với giá trị tài nguyên của quốc gia hay không? Hay vào túi cá nhân nào? Có minh bạch không? Với trách nhiệm được giao giúp Chính phủ khai thác quản lý ngân sách nhà nước có chịu trách nhiệm gì không?

Với thanh tra, kiểm toán trong 10 năm thực hiện chỉ có vài việc thanh tra, kiểm toán lồng ghép liên quan đến đất đai. Như vậy, cử tri xin cho biết nhiệm vụ của các cơ quan để phát hiện ngăn chặn đến đâu, cụ thể vụ nào, việc nào, ở đâu?  

Đối với chính quyền địa phương, cần làm rõ phân định trách nhiệm giữa trung ương và địa phương, giữa quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, tránh chồng chéo, chờ đợi. Tránh "ưu điểm là của tôi, sai sót, khuyết điểm là của chúng ta", tránh dễ người dễ ta, cán bộ thì vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm, dẫn đến bất bình đẳng, thiếu công bằng trong phân bổ quản lý khai thác sử dụng đất đai như hiện nay.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: “Tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội”

"Báo cáo với Quốc hội là chính nhờ các nông, lâm trường thì chúng ta mới hình thành được ngành cà phê, ngành cao su, ngành chè. Nhiều nông, lâm trường là nòng cốt để bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở các vùng miền núi, nông thôn.

Sau giải phóng tôi vào miền Nam gặp các đồng chí bộ đội ở các trung đoàn, các sư đoàn đã đóng chân trên các vùng heo hút, khai hoang rất vất vả để biến thành các vùng cà phê, cao su mà hôm nay chúng ta thấy. Nên tôi băn khoăn khi có ý kiến nói là đồng bào dân tộc thiếu đất ở, thiếu đất sản xuất có vẻ như là vì nông, lâm trường. Tôi xin Quốc hội minh xét lại chỗ đó.

Khuyết điểm chính của chúng tôi là việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng kém hiệu quả. Tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội là tổ chức thực hiện kém hiệu quả, bản thân tôi cũng thấy rõ điều đó, cũng cố gắng làm nhưng không được như mong đợi". 

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp