28/02/2024 15:23 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Làm sao để quy hoạch giúp TP.HCM trở lại vị trí hòn ngọc Viễn Đông

TP.HCM như lò xo đang bị bó kỹ, làm sao quy hoạch để thành phố bật lên, phát triển bứt phá, xứng đáng quay lại vị trí hòn ngọc Viễn Đông...

Toàn cảnh hội thảo sáng 28-2 - Ảnh: TTBC

Toàn cảnh hội thảo sáng 28-2 - Ảnh: TTBC

Sáng 28-2, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng UBND TP.HCM tổ chức hội thảo tham vấn quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì hội thảo.

TP.HCM không chỉ làm quy hoạch cho riêng TP

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh TP.HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm kinh tế lớn hàng đầu của cả nước, nhưng thời gian qua sự phát triển của TP đối diện nhiều khó khăn, thách thức.

Các tiềm năng chưa được khai thác tương xứng, tính vượt trội, sự năng động đang có chiều hướng suy giảm, tỉ lệ đóng góp GDP năm 2023 chỉ còn 16,5%...

Đặc biệt lợi thế về cửa ngõ quốc tế của TP.HCM có thể suy giảm thời gian tới khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. Ông Dũng mong các ý kiến chia sẻ tại hội thảo sẽ giúp cho TP có thông tin dữ liệu hoàn thành quy hoạch có chất lượng cao nhất, hiệu quả và khả thi.

Thống nhất với ý kiến của bộ trưởng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM xác định sẽ nhận lãnh vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Do đó quy hoạch lần này làm sao nhận diện hết điểm nghẽn, khai mở hết tiềm năng để TP đảm đương vai trò đấy.

“TP.HCM không chỉ làm việc này cho TP.HCM và cũng không tự làm một mình được, mà phải làm trong bối cảnh liên kết vùng, trước hết là kết nối vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Việc liên kết vùng, hợp tác quốc tế, cần xác định lợi thế cạnh tranh của mình để chọn hướng đi phù hợp”, ông Mãi nói.

TP.HCM chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh - Ảnh: CHÂU TUẤN

TP.HCM chú trọng phát triển kinh tế số, kinh tế xanh - Ảnh: CHÂU TUẤN

Phát triển kinh tế mô hình đa cực, bền vững

Báo cáo khái quát về chiến lược xây dựng quy hoạch, giáo sư Trần Trọng Hanh, chủ nhiệm đồ án quy hoạch TP.HCM, cho rằng dù quy mô dân số TP.HCM rất cao (gần 10 triệu dân) nhưng quỹ đất tiềm năng để khai thác còn lại rất ít. Mô hình phát triển kinh tế theo kiểu đô thị đơn cực từ lâu không còn phù hợp. Do đó trọng tâm phát triển thời gian tới được định hướng là phát triển đa cực, kinh tế xanh, thông minh, đảm bảo môi trường phát triển bền vững.

Góp ý về dự thảo đồ án quy hoạch, TS Cao Viết Sinh, nguyên thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng về kịch bản tăng trưởng, nếu TP.HCM chọn tăng trưởng 8,3% thì toàn vùng Đông Nam Bộ không thể đạt 9% như quy hoạch vùng đã xác định. Thay vào đó mức hợp lý phải là 9%. 

Liên quan vấn đề này, giáo sư Sử Đình Thành, giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng luận điểm lựa chọn và phân tích cho kịch bản tăng trưởng vẫn còn “lúng túng”.

Những lý do lựa chọn kịch bản tăng trưởng thứ hai là 8,3% chưa thuyết phục, như việc tăng trưởng không phụ thuộc vào ngoại cảnh. Tuy nhiên, TP.HCM có độ mở rất lớn và kinh tế TP cũng phụ thuộc vào độ mở đấy. Vì vậy cần có những phân tích rất thận trọng, mô hình tăng trưởng của TP cần được đặt trong mô hình tăng trưởng của vùng.

Ông Thành lưu ý thời gian qua vấn đề tăng trưởng của TP.HCM bị giới hạn, nên việc quy hoạch quan trọng làm sao có thể xử lý để mở rộng không gian, cần phân tích sâu về mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

Hay vấn đề về nguồn lực bao gồm vốn và lao động cũng là thách thức của TP.HCM, cần phân tích thêm để có các chính sách phù hợp.

Ông Chris Malone, giám đốc điều hành của Boston Consulting Group (BCG), cho rằng đồ án quy hoạch có 39 bản đồ được tích hợp công phu nhưng từ khóa AI (trí tuệ nhân tạo) chỉ xuất hiện 1 lần. 

Trong khi hiện nay trí tuệ nhân tạo có ảnh hưởng rất lớn, trước mắt có thể thấy TP.HCM có lợi thế rất lớn về công nghiệp sáng tạo như về phim hay về quảng cáo. Cần tập trung hơn vào động lực phát triển kinh tế của TP và đánh giá tác động của sự phát triển đó đến GDP, vấn đề tạo việc làm…

TP.HCM như lò xo bị bó kỹ

Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong các giải pháp đột phá, TP.HCM cần tập trung vào những vấn đề là nút thắt gồm: giải quyết ùn tắc giao thông, chống ngập úng và tập trung phát triển công nghiệp. Bởi nếu không tập trung sẽ mất rất nhiều công sức và tiền của.

Phát triển TP.HCM phải đi đầu, mang tính dẫn dắt và lan tỏa, là cực tăng trưởng phía Nam và trở thành TP kết nối toàn cầu. Đẩy mạnh cơ cấu kinh tế bám sát xu hướng phát triển mới như kinh tế số, kinh tế xanh, khoa học công nghệ, AI. Đặc biệt nhấn mạnh định hướng trung tâm tài chính quốc tế. Việc chọn kịch bản tăng trưởng phải có sự phối hợp, rà soát kỹ lưỡng để có sự khả thi khi thực hiện.

Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo; phát triển kết cấu hạ tầng xã hội một cách tổng thể, giải quyết ách tắc giao thông; có giải pháp đột phá trong huy động và phân bổ nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị, thông đường thủy và các tuyến đường ven sông.

Trên cơ sở ý kiến các chuyên gia cố gắng làm sao nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ, trình chính thức cho hội đồng thẩm định cuối tháng 4, đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành trước 30-6.

“TP.HCM hiện đang như lò xo bị bó kỹ, làm sao quy hoạch này tác động vào làm bật lên, nó bật lên thì sẽ phát triển như vũ bão. Tôi hoàn toàn tin tưởng với tư duy cách tiếp cận mới, tầm nhìn đột phá, sáng tạo… chắc chắn TP sẽ phát triển bứt phá, xứng đáng quay lại vị trí hòn ngọc Viễn Đông”, ông Dũng nói.

Quy hoạch TP.HCM đừng vì cái lợi trước mắtQuy hoạch TP.HCM đừng vì cái lợi trước mắt

Phải thẳng thắn nhìn nhận sự yếu kém trong kỷ luật thực hiện quy hoạch, buông lỏng quản lý... đã tạo ra một đô thị còn ngổn ngang.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp