22/10/2022 11:48 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thiếu xăng dầu phía Nam có ảnh hưởng một phần xăng dầu lậu

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Việc có lượng lớn xăng dầu trôi nổi, xăng dầu lậu trên thị trường khiến cho doanh nghiệp không quan tâm chi phí định mức, chiết khấu, đăng ký mua hàng ổn định.

Bộ trưởng Bộ Công Thương: Thiếu xăng dầu phía Nam có ảnh hưởng một phần xăng dầu lậu - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin về tình hình xăng dầu - Ảnh: A.MINH

Sáng 22-10, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có những thông tin về tình hình xăng dầu và quản lý, vận hành thị trường xăng dầu trong thời gian qua.

Cho rằng cả thế giới điêu đứng về vấn đề năng lượng, giá tăng cao mà không có hàng để mua, Bộ trưởng Diên đánh giá thực tế này đã ảnh hưởng tới tình hình giá xăng dầu trong nước, khi biên độ dao động của giá xăng dầu rất cao, có những thời điểm liên tục giảm, lại liên tục tăng, khiến doanh nghiệp bị thua lỗ, khủng hoảng.

Cây xăng phía Nam đóng cửa trên diện rộng do liên quan xăng dầu lậu?

Lý giải về tình trạng nguồn cung xăng dầu được đảm bảo nhưng vẫn xảy ra tình trạng đứt gãy, nhiều cửa hàng đóng cửa, Bộ trưởng Diên tiếp tục khẳng định Việt Nam chưa bao giờ thiếu xăng dầu.

"Cho đến thời điểm này, dư luận cho rằng thiếu nguồn cung trong nước là hoàn toàn không chính xác" - ông Diên nói và dẫn chứng là tới ngày 30-9, còn hàng dự trữ thương mại là hơn 1,25 triệu m3 xăng dầu; hai nhà máy lọc dầu cung ứng tương đương 1,36 triệu m3, cộng thêm sản lượng nhập khẩu khoảng 500.000m3. Như vậy, tổng chung có khoảng 3 triệu m3 xăng dầu, chưa kể tháng 11 tiếp tục nhập khẩu.

"Nguồn cung không thiếu nhưng bán ra thị trường lại có khó khăn. Doanh nghiệp phải nhập với giá cao kỳ trước nhưng trong kỳ với giá thấp, đương nhiên là lỗ, mà đã lỗ thì không dám làm. Hàng loạt chi phí định mức của chúng ta đã lỗi thời, lạc hậu" - bộ trưởng cho hay.

Lý giải thêm vì sao tình trạng đóng cửa, ngưng bán xăng dầu không xảy ra trên phạm vi cả nước mà chỉ tập trung ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam, ông Diên cho rằng khu vực này có lượng đáng kể xăng dầu trôi nổi, kể cả xăng dầu lậu, giả.

"Bằng chứng là vừa qua cơ quan chức năng tiếp tục bắt giữ, triệt phá những vụ làm giả xăng dầu mấy trăm triệu lít. Đấy là tảng băng nổi thôi, còn chìm là bao nhiêu thì phải có thời gian mới giải quyết được. Nếu có lượng xăng trôi nổi như vậy, người kinh doanh trong lĩnh vực này sẽ không quan tâm lắm đến chi phí định mức, chiết khấu, và không quan tâm lắm đến việc đăng ký mua của ai một cách ổn định" - ông Diên nói.

Tư lệnh ngành công thương cũng thẳng thắn chỉ ra một thực trạng là các doanh nghiệp xăng dầu ký với nhiều thương nhân đầu mối, phân phối, dẫn đến việc "lắm mối tối nằm không", không mua được hàng khi thị trường có biến động. Vì vậy, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - đơn vị chiếm thị phần lớn của cả nước - PV), dù không bao giờ thiếu hàng nhưng do phải ưu tiên bảo đảm cho hệ thống, nên cũng không thể cấp hàng ra khi nhu cầu tăng.

Bộ trưởng cũng cho biết thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triệt phá hàng loạt đường dây xăng dầu giả, siết chặt xăng dầu lậu, nên trên thị trường chỉ còn xăng dầu chính thống. Trong khi nguồn xăng dầu chính thống có giá cả biến động liên tục, chiết khấu thấp, khiến cho doanh nghiệp xăng dầu vốn đang "kiếm được nhiều tiền, giờ kiếm được ít tiền", thậm chí lỗ thì không ai muốn làm.

Cơn lốc chứng khoán, bất động sản ảnh hưởng đến xăng dầu

Thêm nữa, bộ trưởng cho hay vừa qua cơn lốc về chứng khoán, bất động sản cũng có những tác động nhất định đến lĩnh vực xăng dầu. Trong đó, có một số ít doanh nghiệp ít nhiều quan tâm vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, ảnh hưởng tới nguồn tiền trong nhập khẩu, đặc biệt khi giá cả biến động.

Một vấn đề được bộ trưởng chỉ ra thêm là việc nới room tín dụng cũng ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Theo đó, giá xăng dầu trước đây chỉ 50-60 USD/thùng nhưng hiện tăng ở mức cao, thậm chí có thời điểm tăng gấp 2 lần nhưng room tín dụng cho doanh nghiệp không thay đổi, khiến cho các doanh nghiệp làm ăn đứng đắn cũng không đủ tiền nhập hàng.

Về giải pháp, bộ trưởng khẳng định tới đây sẽ đề xuất sửa đổi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, song trước mắt vẫn thực hiện theo quy định, nếu doanh nghiệp vi phạm sẽ xử phạt, thậm chí thu hồi giấy phép.

"Thời gian tới chúng tôi đề xuất hình thức nếu lần 1 kiểm tra phát hiện vi phạm sẽ phạt tiền, lần 2 vẫn vi phạm thì phạt tiền cao hơn và nếu vi phạm lần 3 thì thu hồi vĩnh viễn" - bộ trưởng nói.

7 bộ ngành địa phương có trách nhiệm quản lý xăng dầu

Nói về trách nhiệm của Bộ Công Thương, bộ trưởng cho hay có 7 bộ ngành và địa phương chịu trách nhiệm quản lý và bảo đảm nguồn cung xăng dầu. Trong đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng dầu ra thị trường, quản lý hệ thống phân phối từ thương nhân đầu mối đến thương nhân phân phối.

Bộ Tài chính nói gì về đề nghị tăng các chi phí kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương? Bộ Tài chính nói gì về đề nghị tăng các chi phí kinh doanh xăng dầu của Bộ Công Thương?

TTO - Theo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đề nghị điều chỉnh một số chi phí đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu nhưng không gửi kèm số liệu và báo cáo cụ thể đánh giá mức độ biến động các khoản chi phí.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp