Tại họp báo Chính phủ vào chiều tối 5-5, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trả lời câu hỏi về tiến độ nghị định của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và nguồn để thực hiện tăng lương cơ sở trong thời gian tới.
Theo ông Thăng, nghị quyết 69 kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 đã nêu rõ nguồn chi cải cách tiền lương và điều chỉnh lương hưu, một số chế độ trợ cấp, phụ cấp, chính sách an sinh xã hội là 12.500 tỉ đồng.
Số tiền này chưa bao gồm dự kiến sử dụng khoảng 47.000 tỉ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và địa phương đã trích từ các năm trước.
Liên quan tiến độ xây dựng nghị định này, Bộ Nội vụ cho hay đã lấy ý kiến các bộ ngành và người dân.
Trong tháng 4-2023, bộ đã gửi Bộ Tư pháp thẩm định và Bộ Tư pháp đã họp thẩm định.
"Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ sẽ khẩn trương tiếp thu, giải trình và dự kiến trình Chính phủ trong tháng 5 này để ngày 1-7 thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu", ông Thăng nêu rõ.
Cũng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết nguồn lực dành cho tăng lương đã được Chính phủ bố trí đủ hơn 59.000 tỉ đồng cho tăng lương cơ sở trong 6 tháng cuối năm nay.
Theo đó, hơn 59.000 tỉ đồng được Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền bố trí, trong đó 12.000 tỉ đồng lấy từ dự toán ngân sách nhà nước 2023 và 47.000 tỉ đồng từ nguồn tăng thu dành cho cải cách tăng lương, trong đó ngân sách trung ương là 20.000 tỉ đồng, địa phương 27.000 tỉ đồng.
"Chính phủ chuẩn bị, bố trí đầy đủ nguồn lực cho tăng lương trong 6 tháng cuối năm 2023", ông Chi nói.
Khuyến nghị Việt Nam sớm chủ động giành quyền đánh thuế tối thiểu toàn cầu
Liên quan tới thuế tối thiểu toàn cầu, tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chi, thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết các tổ chức tư vấn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều khuyến nghị Việt Nam sớm chủ động giành quyền đánh thuế này.
Theo ông Chi, nhiều giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp, gián tiếp được Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tham vấn cấp có thẩm quyền, như tăng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp; hỗ trợ đào tạo nhân lực; hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.
"Các giải pháp ứng phó, chính sách hỗ trợ ưu đãi tới đây sẽ đảm bảo tài chính, môi trường kinh doanh của Việt Nam, giữ chân và thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ cao và phù hợp với cam kết quốc tế khi Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu", ông Chi chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận