29/10/2014 12:00 GMT+7

Bò tót, tiếng kêu bên bờ vực - Kỳ 2: Sống trong sợ hãi

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
VIỄN SỰ - SƠN LÂM

TT - Chỉ còn lại khoảng 300 con, bầy đàn bị xé lẻ tan tác nên dù là loài thú lớn có sức mạnh vô địch trong các cánh rừng VN, những bầy bò tót vẫn đang sống trong sợ hãi.

Một con bò tót tại Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) lo sợ trước ống kính máy ảnh - Ảnh: Viễn Sự
Một con bò tót tại Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) lo sợ trước ống kính máy ảnh - Ảnh: Viễn Sự

Lẩn trốn

Khi chúng tôi đề nghị được vào rừng để ghi hình bầy bò tót đang sinh sống tại rừng Đồng Phú, ông Nguyễn Văn Cao - hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đồng Phú (Bình Phước) - hứa sẽ tạo điều kiện nhưng lắc đầu cười:

“Bò tót giờ sợ người như người sợ cọp, ngửi thấy hơi người là trốn biệt. Hạt đã phối hợp với Vườn quốc gia Nam Cát Tiên để ghi hình mấy năm nay mà không được”.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn quyết thử vận may, vì dẫu sao cánh rừng ở phía tây sông Mã Đà này cũng là nơi hiếm hoi trong cả nước còn có bò tót sinh sống.

Từ thị trấn Đồng Phú, ông Phạm Xuân Bá - tổ trưởng tổ cơ động Hạt Kiểm lâm Đồng Phú - và hai kiểm lâm viên dẫn chúng tôi vào cánh rừng có bò tót sinh sống ở xã Tân Lợi. Đó là những khoảnh rừng “da beo” còn sót lại, bị vây tứ phía bởi những dự án cao su.

Đến cửa rừng gặp ông Sáu Dinh, một thợ săn đã giải nghệ ở ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, lại nhận được lần nữa cái lắc đầu: “Bò thì cũng còn đó, nhưng tụi tui đi rừng hiếm lắm mới nhìn được cái lưng đen trũi là bò đã phóng ngược vô rừng”.

Và đúng như lời cảnh báo, suốt ngày đầu tiên dấu chân chúng tôi và kiểm lâm đã quần khắp trên một khoảnh rừng rộng hơn 5km mỗi bề, từ tiểu khu 376 sang tiểu khu 377, 379, 386, 389... vẫn không thấy bóng dáng của bò tót.

Chỉ thi thoảng lẫn trong đám lá rừng mục nát, ông Phạm Xuân Bá dùng gậy lật lên những bãi phân khô nằm cạnh dấu chân bò tót và động viên: “Vậy là bầy bò này cũng mới kéo ra đây kiếm ăn mấy bữa trước”, giúp chúng tôi có thêm động lực để mở rộng vùng tìm kiếm bầy bò tót đến sát bờ sông Mã Đà, giáp với vùng rừng Rang Rang của huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) vào ngày hôm sau.

Nhưng gần hết một ngày nữa, dấu vết bò tót vẫn mờ mịt, thi thoảng vút nhanh trong tán rừng chỉ có bóng dáng chồn sóc và nai hoẵng theo bầy.

Đến xế chiều, khi chân đã mỏi nhừ, mắt hoa lên vì mệt và không còn hi vọng ghi hình được bò tót thì bỗng dung từ phía mé rừng thuộc tiểu khu 377, sát với lô cao su đang cho mủ, bỗng xuất hiện những khối đen trùi trũi, bốn chân trắng toát (đặc điểm riêng biệt của bò tót) từ gối trở xuống.

Không còn thời gian để ra hiệu, chúng tôi chỉ kịp kêu lên mấy tiếng: “Bò tót, bò tót kìa!” để những kiểm lâm đi sau kịp dừng lại.

Trong ánh chiều rỡ ràng, ở khoảng cách 70-80m, ba chú bò tót vạm vỡ, trong đó con đứng giữa theo ông Bá phải nặng trên 1 tấn và chắc chắn là bò đực vì sừng dài và cong vút, đang ngước cổ nhìn.

Có lẽ cũng quá bất ngờ vì sự xuất hiện của con người, ba chú bò tót khựng lại trong vài giây, kịp cho chúng tôi ghi lại được vài bức hình nhòe nét. Nhưng liền sau đó mắt cả ba con bò long sọc lên, mũi phồng to. Đó chính là dấu hiệu tấn công của bò tót.

Lúc này do ham ghi hình, cả đoàn đã tiến gần hơn đến vị trí bầy bò, chỉ còn cách hơn 40m và đó là khoảng cách quá ngắn để bầy bò giành phần thắng trong cuộc “đua nước rút” nếu muốn.

Nhưng trái với sự lo lắng của chúng tôi, kẻ sợ hãi lại chính là bầy bó tót. Một tiếng “hù ừ...ự ự ựm” rền vang cả vạt rừng của con bò tót đầu đàn, cả bầy bò liền quay đầu nhắm thẳng hướng rừng già chạy thục mạng.

Không chỉ ba con mà lúc này từ phía các lô cao su, từ những trảng cỏ ven mé rừng, cả bầy bò tót lớn bé, trong đó có cả những bê con, cũng quay đầu phóng thẳng theo bò tót đầu đàn. Chúng tôi kịp đếm cả thảy có 11 con bò tót trong bầy.

Khoảnh khắc hiếm hoi và đầy may mắn ấy chỉ diễn ra chừng 10 giây. Cả bầy bò tót nhanh chóng mất hút trong sự sợ hãi và bóng chiều sụp xuống vội vã...

Bầy bò tót 11 con tại tiểu khu 377 rừng Đồng Phú (Bình Phước) vụt chạy vào rừng khi phát hiện bóng người - Ảnh: Viễn Sự
Bầy bò tót 11 con tại tiểu khu 377 rừng Đồng Phú (Bình Phước) vụt chạy vào rừng khi phát hiện bóng người - Ảnh: Viễn Sự

Ra khỏi rừng là bỏ mạng

Nỗi sợ hãi của bầy bò tót ở Đồng Phú không phải là nỗi sợ hãi cá biệt từ những bầy bò tót mà chúng tôi đã gặp.

Tháng 9 - 2010, khi lần đầu tiên ghi được hình ảnh con bò tót nặng hơn 1 tấn tại Vườn quốc gia Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận), phóng viên Tuổi Trẻ cũng từng một phen hú vía khi bấm loạt ảnh đầu tiên, con bò tót đã phổng mũi, mắt long sọc, chạng chân đe dọa...

Nhưng rồi sau đó lại cong đuôi chạy thục mạng vào rừng (!) Cho đến lần gần đây nhất, vào giữa tháng 9 - 2014, khi trở lại Phước Bình để lấy tư liệu cho loạt bài này, những hình ảnh ghi được từ chú bò tót ấy vẫn đầy nét hoảng sợ khi chạm phải con người.

Bám rừng Phước Bình từ những ngày bầy bò tót còn kéo nhau ra suối nằm nhai lại mỗi chiều hàng chục năm trước, ông Nguyễn Công Vân - giám đốc Vườn quốc gia Phước Bình - nói:

“Làm sao mà bò tót không sợ con người cho được khi bao nhiêu đồng loại của chúng cứ ra khỏi rừng là bỏ mạng”.

Ông Vân tin nỗi ám ảnh về sự tàn sát từ con người chắc chắn còn in dấu trong gần như tất cả các cá thể bò ở Phước Bình. Ngoài những con bò lớn, tuổi thọ vài chục năm (như con bò chúng tôi ghi hình được),từng trải qua nhiều phen tan tác vì bò đầu đàn bị bắn hạ thì những cá thể bò có tuổi đời nhỏ hơn cũng từng chứng kiến sự hung bạo của thợ săn.

Ông Vân phán đoán rất có thể con bò tót đực ở Phước Bình xuất hiện mấy năm gần đây là từ sự vỡ bầy sau khi con bò tót đầu đàn ở rừng Phước Bình bị bắn hạ cách đây chưa lâu. Kon Sa Ha Đa - kẻ bắn hạ con bò tót này bằng một khẩu cacbin - oái ăm lại là một xã đội trưởng tại xã Đạ Cháy (Lạc Dương, Lâm Đồng).

Vụ việc chỉ bị phát hiện khi kiểm lâm và công an phát hiện Kon Sa Ha Đa đang xách đầu bò nặng hơn 20kg đi bán.

Trở lại câu chuyện từ rừng Đồng Phú, trước khi chúng tôi đến đây ghi hình bầy bò tót hơn một năm, một con bò tót con nặng khoảng 100kg đã chết không rõ lý do ngay vùng rừng đệm giáp ranh với lô cao su non ở tiểu khu 377.

Anh Liêu Văn Thanh, một người dân tộc Sán Dìu làm rẫy ngay nơi bò tót con vừa chết, kể lại: “Ngày trước bò gặp người là rượt chạy trối chết. Còn giờ đêm đêm bò tót vẫn lén ra ủi trộm mì nhưng gặp chó sủa trăng cũng hoảng, vọt vô rừng...”.

Bản năng sinh tồn và trí tinh khôn đã giúp bò tót hiểu phải lui bước trước con người. Nhưng “chiến thắng” ấy của con người trước loài mãnh thú này là một mất mát không biết bao giờ có thể bù đắp.

Đổi tập tính kiếm ăn vì sợ người

Đó là đúc kết của TS Phạm Hữu Khánh - phó phòng nghiên cứu và hợp tác quốc tế Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. TS Khánh cho biết như bao loài thú ăn cỏ, bò tót có thói quen kiếm ăn vào ban ngày. Tuy nhiên, ở rừng Nam Cát Tiên và các vùng phụ cận, những bầy bò tót hiếm hoi còn lại đã chuyển qua kiếm thức ăn vào ban đêm vì quá sợ hãi trước sự tấn công của con người.

“Sinh cảnh của bò tót đâu đâu cũng có dấu chân người và chúng ta đã vô tình “thuần hóa”, làm thay đổi tập tính của bò tót” - TS Khánh nói.

_______________________

Sông Mã Đà chia đôi cánh rừng Bình Phước và Đồng Nai nhiều năm nay luôn đỏ quạch màu nước. Đó cũng là mốc thời gian đánh dấu sự tan tác của những bầy bò tót. Nước sông Mã Đà đổi màu vì sao lại liên quan đến sự tan tác ấy của những bầy bò tót?

Kỳ tới: Phá nát ngôi nhà bò tót

 

VIỄN SỰ - SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp