Kỳ 1: Kỳ 2:
Đó là làng Châu. Nhà văn Nguyên Ngọc trong lần đầu tiên đến với Mường Hoong đã phải trầm trồ: “Làng Châu nằm lơ lửng trên sườn núi Mường Hoong, lúa chín vàng trên các nấc ruộng đẹp lạ lùng hệt một bức tranh trường phái ấn tượng - hay là Monet đã đến đây và chính lớp lớp những tầng lúa ấy đã gợi ý cho ông sáng tạo nghệ thuật hội họa?”.
Giống như nhiều dân tộc nhỏ bé, neo người khác trên Tây nguyên, lịch sử của người Châu trên đỉnh Ngọc Linh là chiều dài của sự đau thương và không chịu khuất phục trước những dân tộc hùng mạnh.
Phóng to |
Già làng A Vinh bên dòng nước dẫn từ đỉnh núi xuống làng Châu - Ảnh: T.B.D. |
Có lúc tưởng như lịch sử đã đặt dấu chấm hết
Chiều xuống, đứng tại trung tâm xã Mường Hoong nhìn ra các ngôi làng nằm trên lưng chừng núi, những ngôi làng đã bắt đầu có khói bốc lên. Trong sương mờ đục, những đám ruộng bậc thang cao chót vót hiện ra như những tấm thảm khổng lổ được dệt nhiều tầng lớp phủ lên các dãy núi. Hỏi hướng nào về làng Châu, chủ tịch xã Mường Hoong A Ban chỉ tay về một ngôi làng nằm dưới những nấc ruộng bậc thang: làng Châu đó, mấy trăm năm rồi họ vẫn miệt mài, bền bỉ bám làng, sống xen giữa người Xê Đăng.
Vào làng Châu nếu không phải là người ở địa phương thì thật khó nhận ra đó là làng người Châu bởi tất cả gần như đã hòa với người Xê Đăng. Những dãy nhà gỗ được thưng kín làm chỗ ở cho các gia đình, những lối đi nhỏ men theo các khe đá dẫn lên làng, dòng nước thiêng được đưa về làng bằng hàng ngàn ống lồ ô kéo từ trên con nước đầu nguồn... Chúng tôi chọn một ngôi nhà được lớp bằng mái lá, nằm thấp lè tè để bước vào thì người đàn ông đứng đầu làng chạy tới ngăn lại: “Hôm nay làng đang “cử”, người lạ không vào được đó đâu”. Người đàn ông làng Châu giải thích cho chúng tôi biết ngôi nhà thấp lè tè mà chúng tôi đang đứng trước không phải là ngôi nhà bình thường mà là... một mái nhà rông. Lạ lùng. Khác với tất cả những ngôi nhà rông khác mà chúng tôi từng bắt gặp ở Tây nguyên, nhà rông của người Châu thật nhỏ bé, nằm dưới mấy nấc ruộng bậc thang.
A Quân - người làng Châu - cho biết đến nay làng Châu có chưa đầy 100 nhân khẩu, chừng ấy người nên làng Châu cũng không đủ giàu có để làm một cái nhà rông thật to. “Một phần vì không thể dựng nhà rông to được như người Xê Đăng nhưng một phần người làng cũng ám ảnh do sợ sét đánh”. A Quân nói rằng rất nhiều lần người Châu đã phải chuyển làng, chạy hết gần như các ngọn núi ở Ngọc Linh nhưng cứ ở được vài năm là làng lại bị sét đánh một lần. Mỗi lần như vậy nhà dân bốc cháy, nhà rông bốc lửa ngùn ngụt như ngọn đuốc xà nu. Người làng nói rằng ở trên núi cao mà làm cái nhà rông cao hơn núi nên Yàng nổi giận phạt làng.
Xế chiều, đợi mãi mới thấy bóng già làng A Vinh từ trên núi trở về làng. A Vinh nói cái ruộng vừa cử nước xong, mấy hôm nay cả làng đang phải canh con nước từ trên núi để dẫn vào ruộng tưới cây lúa. Nguồn sống của người Châu ở Mường Hoong đến nay tất cả đều nhờ vào cây lúa. Như người Xê Đăng, người Châu cũng leo núi làm ruộng bậc thang rất giỏi, núi cao bao nhiêu người Châu cũng leo lên được trên đỉnh để cuốc đất, gieo hạt.
A Vinh nói rằng người Châu là một nhánh của dân tộc Xê Đăng. Ông chỉ tay về hướng một đỉnh núi và cho biết ngày xưa làng mình sống trên đó. “Nhưng đói quá, bị người Giẻ (Giẻ Triêng) đánh miết, đuổi miết, họ muốn giết người Châu nên người Châu mình phải đào hào, dựng chông chống lại” - A Vinh kể lại. Ông nói rằng đó là thời rất xa xưa, khi các dân tộc bé nhỏ trên đỉnh Ngọc Linh còn đánh nhau triền miên, ông được nghe ông bà kể lại.
Theo A Vinh, ngày còn nhỏ ông đã được chứng kiến những lần dời làng trong sự hoảng loạn của dân làng. Làng Châu neo người, những năm ấy không biết bệnh dịch gì kéo đến khiến người làng cứ bạc tóc, rồi trẻ con chết dần chết mòn. Có lúc làng chỉ còn 10 người, hoảng quá già làng phải dẫn những người còn lại chạy lên trên các dãy núi, làm lễ cử rồi dựng làng. Sống được mấy năm rồi làng lại bốc cháy vì bị sét đánh liên tục. Yàng không thương người Châu, bắt người Châu phải khổ miết, chạy miết. Đến những năm 1990, sau khi bộ đội vào giúp dân, rồi cán bộ thấy người Châu khổ quá nên lên đỉnh núi vận động người Châu xuống làng mới bây giờ. “Từ ngày về đây làng yên lắm, không bị bệnh dịch cũng không bị sét đánh nữa, lại gần trung tâm nên đi đỡ mỏi cái chân lắm” - A Vinh nói.
Phóng to |
Ngôi nhà rông bé nhỏ và lạ lẫm của người Châu - Ảnh: T.B.D. |
Nắm cơm trắng cũng thành vợ chồng
Cũng chính vì dân số ít ỏi, làng cụm cư bé nhỏ giữa đại ngàn Trường Sơn mà đến nay đời sống văn hóa của người Châu ở Mường Hoong hầu như chỉ dừng lại ở hai nghi thức: cử nước và dựng chồng gả vợ. Già làng A Vinh nói cử nước là cái lễ quan trọng và cũng là cái tết duy nhất trong năm. Phong tục cử nước của người Châu hầu hết giống với lễ cử của người Xê Đăng trên đỉnh Ngọc Linh nhưng chỉ khác ở chỗ vào ngày cử của làng, những đại diện của gia đình được cử ra để đem rượu, thịt vào nhà rông của làng làm lễ cử chứ không họp toàn bộ làng như ở các làng Xê Đăng. Lễ cử nước là dịp để người Châu cầu các đấng Yàng cho mùa màng bội thu, cầu xin năm mới mưa thuận gió hòa, ngoài ra khi lúa về kho thóc người làng cũng làm lễ cử một lần để nói lời cảm ơn các đấng bậc thần linh.
Một nghi thức độc đáo và giản dị đến nay được người Châu giữ nguyên vẹn là tục cưới hỏi. Hôm chúng tôi đến, già làng A Vinh kể trong nuối tiếc: “Nếu anh lên sớm hơn một tháng thì đã được chứng kiến làng Châu dựng vợ cho một đôi bạn rồi”. A Quân là thanh niên trong làng và mới cưới vợ, nhắc đến lễ cưới của mình A Quân kể đầy hãnh diện: “Người Châu ăn cưới không câu nệ bao nhiêu gà, bao nhiêu thóc mà quan trọng nhất ở sự gắn bó, thủy chung giữa hai người”. A Quân nói rằng trai gái Châu ưng nhau tìm hiểu là một nhẽ, nhưng khi đi hỏi bắt buộc phải có bà mai. Bà mai phải là người trong làng, không được có cùng máu mủ ruột thịt với hai người, vị trí này thường được các trưởng thôn, già làng đảm nhận. Vào ngày đi ướm hỏi, bà mai sẽ làm cầu nối cho đôi trai gái, sau khi cả hai bên đồng ý ưng nhau, gia đình cho phép thì từ đây đôi trai gái mới chính thức quen nhau.
Ngày cưới, trong khi ở miền xuôi tiệc cưới được tổ chức linh đình, rượu thịt bày biện thì đôi trai gái người Châu đến với nhau trong lặng lẽ và giản dị: tùy vào sự sắp xếp của đôi trai gái, trong bữa cơm đầu tiên có sự hiện diện của gia đình, người mẹ của cô dâu hoặc chú rể sẽ nấu một nồi cơm trắng bằng hạt lúa mới. Đôi trai gái ngồi đối diện với nhau, nồi cơm sẽ được đặt ở giữa để bà mai vắt cho chú rể và cô dâu mỗi người một nắm. Đôi trai gái cầm lấy nắm cơm và choàng lấy tay nhau, trao cho nhau nắm cơm đầu tiên. Từ giây phút này, hai người mới chính thức thành vợ thành chồng. A Quân nói nghi thức trao cơm nắm này là nghi thức quan trọng nhất, thiêng liêng nhất, kể cả hai người đã ăn ở với nhau, có con với nhau rồi nhưng chưa được bà mai vắt cơm thì vẫn chưa được coi là cặp vợ chồng hợp pháp ở làng Châu.
____--__________
Kỳ tới: Khắc nghiệt “sinh hai giết một”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận