Đại học năm thứ 2, tôi theo "sáng kiến" của bạn bè, hút thuốc chống buồn ngủ để tập trung vào học tập. Ban đầu, "sáng kiến" này có vẻ hiệu nghiệm. Từ lúc nào không biết, tôi trượt dài trên con đường nghiện thuốc.
Nghiện nặng đến mức những ngày hành quân vượt Trường Sơn ra chiến trường, trong ba lô có đến một nửa là thuốc lá các loại. Chết ư? Tôi không sợ. Chỉ sợ đi đường không có thuốc hút!
Tác giả đang tập thể dục
Ở chiến trường Tây Nguyên, người lính phải đối mặt với nhiều áp lực, điếu thuốc trở thành người bạn chia sẻ những niềm vui và nỗi buồn. Những trận ho hành hạ thì tôi lại cho do rừng ẩm thấp chứ không biết ho là do thuốc. Về TP.HCM, có điều kiện nhiều, thuốc hút cũng nhiều.
Trong một lần đi kiểm tra lục phủ ngũ tạng, tôi mới biết phổi có vấn đề. Tôi ngộ ra rằng thuốc lá chính là kẻ thù sức khỏe. Trong vòng hơn một tháng, tôi quay quắt quyết liệt để bỏ hẳn được thói quen xấu hút thuốc lá. Để chắc ăn, 3 tháng sau tôi mới nói với gia đình, bạn bè và cả gần nửa "tiểu đội" cháu ngoại. Họ tất thảy vui mừng cho tôi.
Bỏ được thuốc lá, trước hết tôi thấy như có niềm vui mới, như được trả lại tự do, vì ngẫm ra rằng ở đời khi nghiện ngập thứ gì người ta đều phải phụ thuộc vào nó, thậm chí làm nô lệ cho nó. Nên có thể ví việc bỏ thuốc lá giống như một cuộc cách mạng đối với bản thân.
Từ đây tôi thấy yêu cuộc sống hơn, sức khỏe tốt hơn, nẩy ra ý định toàn diện về tăng cường sức khỏe trong hoàn cảnh và điều kiện có thể. Sau cuộc chiến đấu trở về, nay còn chút ít công sức nào chung tay cùng cộng đồng xây dựng quê hương, đất nước. Tôi thực hiện một cách nghiêm ngặt như tập thể dục hằng ngày.
Sáng dậy tập vận động mà chủ yếu là tập thở trong không khí trong lành độ nửa giờ. Cuối mỗi buổi chiều tôi dành ra khoảng hơn một giờ cho các hoạt động hoặc đi bộ dọc phố, hoặc tập ở phòng thể dục gia đình, quay người và 2 đầu gối vài chục lần để ngăn ngừa bệnh gai cột sống, thoái hóa khớp…
Tiếp đến là ăn uống. Thực hiện "Ăn sạch-Sống khỏe". Ăn đều ngày đủ 3 bữa, cố gắng ăn đúng giờ. Bữa tối ăn xong trước 19 giờ, không nên ăn quá no. Trong các thức ăn nên ăn ít thịt cá, tăng nhiều rau xanh, ăn rau sống nên ăn vào bữa trưa. Nếu không có gì gấp cần ăn chậm, nhai kỹ, tuyệt đối tránh vừa ăn vừa đọc sách báo, xem truyền hình.
44 năm qua, chuối chín là thứ ngày nào tôi cũng ăn đều đặn (trừ những ngày phải đi xa nhà), ăn trước hoặc sau bữa ăn, hoặc ăn lai rai cả ngày cũng được.
Uống, ráng uống đủ nước, 2 lít/ngày. Chuyện ăn dễ nhớ, nhưng uống lại hay bị quên, cần tìm cách bù lại cho đủ. Rượu, bia có công chuyện phải uống, nhưng bao giờ tôi cũng tự làm chủ được tửu lượng, chưa bao giờ quá chén mà vẫn giữ được tình cảm anh em bạn bè. Kiên quyết bỏ thói xấu nài ép khi ăn uống.
Đêm, không nên thức quá 22h. Nơi ngủ cần sạch sẽ, yên tĩnh, thoáng đãng. Gối đầu vừa tầm, không cao quá và không thấp quá. Nếu dùng máy lạnh nên điều chỉnh độ lạnh mức trung bình để không bị quá lạnh đêm về khuya. Khi đã là người cao tuổi, đêm không nên ngủ một mình một phòng, ngừa những tình huống phức tạp đột ngột về sức khỏe. Sáng tôi thường dậy lúc 5 giờ hoặc 5 giờ 30, uống một ly nước ấm, rồi tập thể dục nhẹ (như trên đã nói). Cần tạo thói quen ngày đánh răng 2 lần sáng và tối trước khi đi ngủ.
Về môi trường sống là lối sống. Trước hết là sống trong môi trường lành mạnh luôn luôn đủ lượng oxy cần thiết để hít thở, tránh xa nơi yếm khí, khí độc hại. Sau khi bỏ thuốc lá, cho đến nay tôi vẫn thường ngán ngại tiếp xúc cận kề người đang hút thuốc lá, kể cả khi đi trên đường, ở quán cà phê, nơi ăn sáng…
Lối sống hòa đồng thoải mái, khiêm tốn, giản dị, không hờn giận ai, không tự làm khổ mình điều gì. Luôn có ý thức giữ cho tạng người bình thường, xương xương nhằm giảm bớt bệnh về tim mạch.
Riêng lĩnh vực sức khỏe, nghĩ cho cùng khi con người có sức khỏe muốn làm điều gì cũng được kể cả việc làm ra vàng, nên sức khỏe phải quý hơn vàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận