Có những clip, video hình ảnh là nhân vật hoạt hình của trẻ em nhưng mang nội dung người lớn - Ảnh chụp lại màn hình
Ông Lê Quang Tự Do, phó cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, cho biết so với Facebook thì Google hợp tác với Bộ Thông tin - truyền thông tích cực hơn trong việc gỡ video xấu độc.
Gỡ video xấu độc như bắt cóc bỏ đĩa
Qua rà soát của bộ, được biết hiện trên nền tảng liên quan Việt Nam có khoảng 55.000 clip và video clip có nội dung vi phạm pháp luật. Thời gian qua, bên Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8.000 video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của cơ quan quản lý ở Việt Nam.
Tuy nhiên, việc ngăn chặn này mới chỉ như bắt cóc bỏ đĩa khi việc gỡ mất nhiều thời gian, trong khi đó clip xấu độc mới tiếp tục được đưa lên mạng như nấm sau mưa.
Theo Bộ Thông tin - truyền thông, có bốn nguyên nhân gây ra tình trạng nói trên:
- Bộ lọc của YouTube hoạt động chưa hiệu quả, vẫn còn kẽ hở để người sử dụng đăng tải nội dung vi phạm núp dưới những tiêu đề, chuyên mục không vi phạm.
- Cơ chế kiểm duyệt của YouTube phụ thuộc vào hậu kiểm, dẫn đến người dùng dễ dàng đăng tải các clip vi phạm, trong khi quy trình thẩm định và gỡ bỏ clip vi phạm mất nhiều thời gian.
- Không có biện pháp ngăn chặn người dùng đăng lại những clip vi phạm đã bị bóc gỡ theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
- Vẫn cho phép bật tính năng suggest (gợi ý) cho những kênh, clip xấu độc, khiến các nội dung xấu độc chiếm tỉ lệ rất nhỏ trên YouTube (0,1%) nhưng lại bị phát tán, lan truyền rất mạnh mẽ.
Ngoài ra, đang tái diễn tình trạng quảng cáo của các thương hiệu nhãn hàng uy tín được gắn vào các clip phản động chống phá Nhà nước. Dù Google đã triển khai các biện pháp nhưng chưa đạt hiệu quả.
Kênh của Khá Bảnh đăng ký trực tiếp với YouTube đã bị đánh sập. Nhưng sau đó cơ quan chức năng tiếp tục phải xóa những clip, video của Khá Bảnh được đưa trở lại YouTube - Ảnh chụp lại màn hình
Hiện nay, nhà cung cấp dịch vụ Adnetwork (Mạng lưới quảng cáo trực tuyến) lớn nhất tại Việt Nam là Google Display Network (Google Adsense).
Các trang báo điện tử, trang thông tin điện tử kiếm được nguồn thu quảng cáo nhờ Google Adsense, nhưng lại khoán cho Google Adsense nên không thể kiểm soát được nội dung quảng cáo. Nhiều cá nhân bị dùng ảnh để quảng cáo cho thuốc mọc tóc, giảm cân mà không hề muốn.
Theo Bộ Thông tin - truyền thông, đây là hành vi sai phạm vì đã có quy định yêu cầu: "Tổ chức, cá nhân Việt Nam có hàng hóa, dịch vụ muốn quảng cáo trên trang thông tin điện tử của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới phải thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo đã đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam".
Ngoài ra, chính người dùng cũng đang có xu hướng lựa chọn hình thức mua quảng cáo không thông qua người kinh doanh dịch vụ quảng cáo (thường gọi là đại lý quảng cáo) để giảm chi phí trung gian khi quảng cáo sản phẩm trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam. Hành vi này cũng không được phép.
Theo báo cáo của YouTube gửi Bộ Thông tin - truyền thông, hiện có rất nhiều nội dung vi phạm đến từ Việt Nam, chủ yếu do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam làm ra. Sai phạm chủ yếu là: nội dung gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng; cổ vũ cờ bạc, chơi ma túy; gây hại cho trẻ em; sử dụng nhạc, hình ảnh vi phạm bản quyền…
Đánh vào nguồn tiền thu về và đánh sập kênh
Đây là hai giải pháp được kỳ vọng khiến các đơn vị, cá nhân sản xuất nội dung cho YouTube hay quảng cáo trên Google phải cân nhắc trước khi đăng.
Để chấn chỉnh hoạt động cung cấp nội dung trên các nền tảng như YouTube, Google, Bộ Thông tin - truyền thông yêu cầu YouTube định danh các kênh tiếng Việt. Chỉ kênh được định danh và không đăng tải nội dung vi phạm pháp luật mới có thể xem xét chia sẻ tiền quảng cáo. Đối với kênh đã bị bộ thông báo vi phạm thì không được chia sẻ tiền quảng cáo.
Bộ Thông tin - truyền thông đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng quản lý chặt chẽ dòng tiền quảng cáo trên YouTube và Google.
Yêu cầu YouTube bỏ tính năng suggest đối với các kênh đã bị thông báo vi phạm. Bổ sung cơ chế không cho người dùng đăng lại clip vi phạm đã bị gỡ bỏ trước đây.
Ngoài ra, Bộ Thông tin - truyền thông còn đề nghị YouTube, Google nghiên cứu mở văn phòng đại diện hoặc chi nhánh công ty tại Việt Nam để chăm sóc khách hàng tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận