29/01/2019 09:10 GMT+7

Bó tay với nạn chích điện, bắt cá phóng sinh?

LÊ PHAN
LÊ PHAN

TTO - Người dân cho biết nạn dùng vợt vớt cá và dùng bình điện để xuyệt cá phóng sinh đem đi bán diễn ra thường xuyên chứ không riêng gì dịp 23 tháng chạp.

Bó tay với nạn chích điện, bắt cá phóng sinh? - Ảnh 1.

Một thanh niên dùng bình điện xuyệt cá trên sông cạnh chùa Diệu Pháp vào sáng 28-1 - Ảnh: LÊ PHAN

Sáng 28-1 (23 tháng chạp), rất đông người đến chùa Diệu Pháp (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phóng sinh chim, cá. Điều đáng nói là cá vừa được thả xuống sông phía sau chùa thì có người dùng bình điện để xuyệt cá, vớt lên ghe!

Theo người dân trong khu vực, nạn dùng vợt vớt cá và dùng bình điện để xuyệt cá phóng sinh mang đi bán diễn ra thường xuyên vào mỗi dịp người dân thả cá phóng sinh, chứ không riêng gì dịp 23 tháng chạp.

Cá vừa phóng sinh đã phải chết!

Bị xuyệt điện, cá nổi lên và bị vớt vào ghe. Sáng 28-1, trên khúc sông phía sau chùa Diệu Pháp, nhiều con cá bị dính điện nổi lên ngắc ngoải một lúc sau thì chết... trên ghe của những người vớt cá! 

Nhiều người dân thấy cảnh này liền thuê ghe ra giữa sông để thả cá, nhưng "đội vớt cá" vẫn bám theo sau đuôi ghe, cá vừa được thả xuống liền bị họ vớt lên. Cảnh trên diễn ra công khai, nhộn nhịp suốt buổi sáng.

Đại diện chùa Diệu Pháp cho biết đây là vấn đề rất nan giải của chùa. Chùa đã nhiều lần nhận phản ảnh rất bức xúc của người dân về việc có người dùng điện bắt cá phóng sinh ngay khi người dân vừa thả. 

Thậm chí có trường hợp xung đột xảy ra, bên thả cá và bên bắt cá đánh nhau ngã xuống sông rồi quay lại tìm nhau trả thù, chùa đã phải cầu cứu cơ quan chức năng hỗ trợ.

"Nhà chùa chỉ có thể khuyên bảo, thuyết phục nhóm người này, đồng thời cho gạo, nước tương để hỗ trợ họ. Tuy nhiên lợi nhuận từ việc bán lại cá quá lớn nên họ vẫn tiếp tục làm, thậm chí không cần nhận đồ hỗ trợ của chùa" - đại diện chùa Diệu Pháp nói.

Đại diện nhà chùa còn cho biết nhiều hôm lực lượng công an quận, cảnh sát đường thủy, công an khu vực đến nhưng vẫn không bắt được nhóm người trên do họ đi ghe nhỏ, chạy vào các luồng lạch.

Bó tay với nạn chích điện, bắt cá phóng sinh? - Ảnh 2.

“Đội vớt cá” trên sông cạnh chùa Diệu Pháp chờ vớt cá phóng sinh do người dân vừa thả xuống - Ảnh: LÊ PHAN

Nguy hiểm dùng điện đánh bắt cá

Liên quan đến việc này, UBND Q.Bình Thạnh cũng đã phối hợp với Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP), Công an P.13 xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Ngọc Thi (người dùng điện xuyệt cá) và tịch thu bộ công cụ kích điện, 1 vỏ lãi và 1 máy đuôi tôm vào tháng 6-2018.

Ông Trần Trung Nghĩa - phó trưởng khoa khoa học ứng dụng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - cảnh báo việc dùng điện để đánh bắt thủy sản là rất nguy hiểm và đã xảy ra nhiều trường hợp gây chết người.

"Khi xuyệt điện, người dân dùng ăcquy 12V hoặc 24V và mạch kích để tạo xung điện với hiệu điện thế từ 120V đến 220V. 

Trong trường hợp bị rò rỉ điện thì cơ thể sẽ trở thành vật dẫn điện xuống đất. Trong giới hạn từ 12mA - 15mA đối với dòng điện xoay chiều, nạn nhân sẽ rất khó để rút tay ra khỏi điện cực. Nếu dòng điện đi qua cơ thể từ 5 - 9 giây sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng" - ông Nghĩa cho biết.

Ngoài ra, ông Nghĩa còn lên án việc dùng điện để đánh bắt thủy sản vì kiểu đánh bắt này là tận diệt nguồn lợi thủy sản.

Pháp luật hiện hành cấm việc dùng điện đánh bắt thủy sản. Cụ thể, khoản 1, điều 15, nghị định 103 quy định: phạt tiền từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản (trừ hành vi quy định tại khoản 3 điều này và việc sử dụng kích điện tại ao nuôi để thu hoạch thủy sản); phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển công cụ kích điện trên tàu cá hoặc phương tiện nổi khác, đồng thời tịch thu công cụ sử dụng điện lưới để khai thác thủy sản.

Chim khổ, cá khổ, người cũng khổ!

Tôi sống ở gần chùa Diệu Pháp (P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Đối diện cổng chùa, có rất nhiều người kinh doanh chim, cá phóng sinh từ nơi khác tới. Việc mua bán chim, cá phóng sinh ở đây khiến chim khổ, cá khổ và người dân trong khu vực cũng khổ nên mất đi ý nghĩa vốn có của việc phóng sinh.

Đầu tiên là môi trường sống lúc nào cũng tanh tưởi vì những người mua bán đổ nước cá, phân chim... đầy đường. Kế đến, những chú chim tội nghiệp do bị nhốt lâu ngày nên khi được phóng sinh là bay vào nhà chúng tôi và nằm trốn ở những góc kẹt. Đến khi nghe mùi hôi từ chim chết, mọi người phải tìm mãi mới thấy. Một mùa phóng sinh, ít nhất tôi phải vài chục lần dọn xác chim chết trong nhà.

Đó là chưa kể những lời tục tằn từ những người bán chim, cá phóng sinh khi có phật tử hỏi mà không mua. Tệ hơn nữa là những người này vì giành khách mà la mắng và cả đánh nhau làm loạn cả khu dân cư.

Rất nhiều lần, chuyện mất vệ sinh môi trường đã được đưa ra phản ảnh trong cuộc họp tổ dân phố. Một số bác hàng xóm là đảng viên cho biết việc này cũng được đưa ra trong cuộc họp chi bộ. Thế nhưng đâu vẫn vào đấy, chính quyền địa phương vẫn không có động thái gì để chấm dứt việc mua bán nhếch nhác nói trên. Phóng sinh vì thế với chúng tôi là một nỗi khổ triền miên...

QUỲNH ANH (P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM)

Trượt chân xuống sông chết khi thả cá phóng sinh

TTO - Đi thả cá phóng sinh, một phụ nữ tại quận 9, TP.HCM bị trượt chân xuống sông, người dân nghe tiếng la chạy tới cứu nhưng không kịp.

LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp