Theo bộ này, Luật Đất đai 2024 quy định bảng giá đất theo Luật Đất đai 2013 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31-12-2025. Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2024 cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương.
Quy định chuyển tiếp này giúp địa phương từng bước xây dựng bảng giá đất mới để áp dụng từ ngày 1-1-2026, tránh tăng giá đột biến trong bảng giá đất.
Tuy nhiên khi điều chỉnh bảng giá đất hiện hành, nếu các địa phương không xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách đầy đủ sẽ xảy ra trường hợp giá đất trong bảng giá đất sau khi điều chỉnh có chênh lệch lớn so với giá đất trong bảng giá đất hiện hành.
Đặc biệt tại các địa phương trong suốt giai đoạn 2021 - 2024 không điều chỉnh hoặc không thường xuyên điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nay khi thực hiện điều chỉnh lại điều chỉnh với mức chênh lệch lớn khiến người dân và doanh nghiệp phản ứng vì số tiền người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ tăng cao so với khi áp dụng giá đất trong bảng giá đất trước khi điều chỉnh.
Tại TP.HCM, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay dự thảo bảng giá đất điều chỉnh lần đầu có giá đất tại một số khu vực tăng đột biến so với giá đất trong bảng giá đất hiện hành dẫn đến sự phản ứng của người dân, doanh nghiệp.
Từ chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã họp với các đơn vị liên quan thống nhất phương án giải quyết.
Sau đó, UBND TP đã có phương án điều chỉnh bảng giá với lộ trình phù hợp với thực tế ở địa phương gắn với khu vực, vị trí và các đối tượng bị ảnh hưởng, qua đó giải quyết được vấn đề thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc trên địa bàn TP.
Bộ này nhìn nhận việc điều chỉnh bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên được quy định xuyên suốt từ Luật Đất đai năm 2013 đến nay.
Thực tế cho thấy, đối với các địa phương có sự điều chỉnh bảng giá đất đã đảm bảo giá đất trong bảng giá đất tiệm cận với mặt bằng giá đất thực tế tại địa phương nên việc áp quy định theo Luật Đất đai 2024 không có vướng mắc, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Qua theo dõi, có 29 tỉnh thành thường xuyên điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất hằng năm khi có sự biến động giá đất thực tế theo đúng quy định của Luật Đất đai năm 2013. Trong khi có 23 tỉnh thành chỉ thực hiện điều chỉnh bảng giá đất 1 lần và có 11 tỉnh không thực hiện điều chỉnh bảng giá đất từ năm 2020 đến nay.
Việc một số địa phương phản ánh có khó khăn vướng mắc khi quy định về bảng giá đất là xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện chưa tốt, chưa chủ động, thiếu linh hoạt, bao gồm việc không thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 trong giai đoạn trước đây, không phải do vướng mắc từ chính sách hoặc quy định của Luật Đất đai năm 2024 và văn bản hướng dẫn thi hành.
(Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định)
GS Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường):
Có bất cập trong Luật Đất đai 2024
Khúc mắc nhất hiện nay là quy định giá đất sát thị trường. Giá này phù hợp với một số việc, còn một số việc cần giao thấp hơn một tỉ lệ % nào đó mới thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Ví dụ Nhà nước đem đấu giá đất công thì phải theo giá thị trường.
Với bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường thì cần phải phân loại, có quy định rõ rằng khu vực nào phải áp theo 100% giá thị trường ngay; khu vực khác cần ưu tiên phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tạo điều kiện cho những người chưa có nhà, có đất tạo lập nhà ở thì chỉ tính bằng 50% giá thị trường hoặc thấp hơn.
Tương tự, với 4 lĩnh vực cần xã hội hóa như văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế cũng cần được ưu đãi về đất đai; điều này liên quan tới chính sách tài chính đất đai. Chứ chúng ta không thể tăng đồng loạt cùng lúc được.
Vấn đề hiện nay là Luật Đất đai 2024 quy định cứng thời điểm 1-1-2025 tất cả các lĩnh vực, đối tượng phải áp dụng bảng giá đất theo thị trường. Đây là một bất cập cần được sửa đổi.
Trường hợp cần thiết Quốc hội có thể ban hành một chính sách cụ thể về áp dụng bảng giá đất theo nguyên tắc thị trường với những quy định cụ thể cho từng lĩnh vực, đối tượng rõ ràng để địa phương thực thi.
Để như hiện nay thì cả các bộ, ngành và địa phương đều lúng túng, người dân thì hoang mang khi bảng giá đất tăng quá cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận