Người dân có nhu cầu về vốn cấp bách mới phải "gõ cửa" ngân hàng. Song cũng đừng thấy họ cần gấp mà "tranh thủ" làm khó. Trong những trường hợp này chỉ các công ty kinh doanh bảo hiểm hưởng lợi nhiều nhất. Và người buộc phải mua bảo hiểm sẽ gánh thêm nỗi lo đóng bảo hiểm trong nhiều năm.
Trong lúc chính quyền quyết liệt với nạn cho vay nặng lãi, "tín dụng đen", người cần vốn chỉ mong thủ tục và điều kiện dễ nhất có thể để được vay ngân hàng. Đáng lẽ cơ quan hoạt động trong lĩnh vực này mở rộng cánh cửa, tạo điều kiện giúp nhiều người đặt niềm tin.
Việc mời và "ép" khách hàng phải đăng ký mua bảo hiểm mới được giải ngân chẳng khác gì chặn mất lối vào. Vô tình đẩy họ đến gần hơn cạm bẫy vay nóng lãi cắt cổ bên ngoài.
Sau lần đến một ngân hàng lớn hỏi vay 500 triệu đồng để sửa nhà, tôi đã thấm thía "đoạn trường đi vay". Mọi yêu cầu đặt ra tôi đều đáp ứng được. Tất cả thủ tục liên quan làm hồ sơ, nhân viên đến tận nhà khảo sát, thẩm định cũng nhanh chóng hoàn thành.
Tuy nhiên, cũng vì cái "lệ" của ngân hàng này thể hiện qua hợp đồng có điều khoản "buộc" đăng ký một gói bảo hiểm, với số tiền không hề nhỏ nên tôi đành phải dừng lại.
Chấp nhận mức lãi suất hằng tháng cao hơn, tôi được duyệt vay tại một ngân hàng tư nhân. Dẫu vậy, vẫn cảm thấy thoải mái vì không bị rơi vào cảnh lệ thuộc, "cầu xin".
Nếu tính theo hiệu quả kinh tế thì sự chênh lệch lãi suất cũng chỉ tương đương với khoản phí mua bảo hiểm kia. Chẳng biết mỗi năm ngân hàng có được bao nhiêu hợp đồng bảo hiểm, nhưng chuyện "mất khách" là chắc chắn không tránh khỏi.
Những ngân hàng đang áp dụng chương trình "bán trâu tính cả tiền dây thừng" cần điều chỉnh cách làm. Ngân hàng tăng gia thêm bằng cách bán bảo hiểm, song cũng không thể chấp nhận kiểu tự ý đặt ra mua bảo hiểm mới được giải ngân.
Mua bảo hiểm hay không là quyền của khách hàng, áp đặt đồng nghĩa với mang tới sự bực mình, dẫn đến bất hợp tác. Hãy để người dân tự nguyện, một khi có nhu cầu họ sẽ chủ động mà chẳng cần "gợi ý", bắt chẹt.
Đơn vị kinh doanh bảo hiểm "bắt tay", phối hợp hoạt động với ngân hàng theo tôi cũng chẳng sai. Vấn đề là chinh phục khách hàng bằng nghệ thuật tiếp thị, chứng minh qua quyền lợi thiết thực người mua được hưởng. Thay vì cứ mải chú tâm để làm khó thêm những khách hàng đang rất khổ.
Không phải vô cớ mà trên trang Zalo, Facebook của một số nhân viên ngân hàng, xuất hiện chi chít những hình ảnh quảng bá hấp dẫn các loại hình bảo hiểm đang được khai thác. Trong khi tiêu chuẩn để vay tiền thể hiện rất thưa thớt, mờ nhạt và tuyệt nhiên không đề cập đến việc phải đăng ký mua bảo hiểm mới được vay. Chỉ đến "giờ G", lúc mọi thủ tục đâu vào đấy khách hàng mới biết.
Người gửi tiết kiệm hoặc vay vốn cũng đều là khách hàng của ngân hàng. Những "chiêu bài" đưa khách hàng vào thế bí đừng để tồn tại trong văn hóa kinh doanh. Ngân hàng Nhà nước cần xử lý nghiêm màn "ảo thuật" tiền gửi tiết kiệm bỗng thành... bảo hiểm nhân thọ nhằm tránh tái diễn.
Cần phân biệt rạch ròi, đảm bảo công bằng cho các tổ chức, cá nhân đang "khát vốn". Thực hiện chính sách ưu đãi, nhân văn với những khách hàng vay với mục đích không phải đầu tư, kinh doanh. Đặc biệt, với người dân đang cần một số tiền khẩn cấp do có thân nhân bị bệnh hiểm nghèo, tai nạn bất ngờ, giải quyết cho vay (nếu đủ điều kiện) còn mang ý nghĩa như cứu người.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thiết lập đường dây nóng để nắm bắt và xử lý phản ảnh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động ngân hàng. Do đó, người dân có thể gọi cho hotline của Ngân hàng Nhà nước như sau để phản ảnh tình trạng ngân hàng ép khách hàng đi vay vốn mua bảo hiểm:
* Số cố định: (024) 3936.1017 * Số di động: 0942.966.854
* Email: [email protected].
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận