Để quản lý tiền công đức, theo đề xuất của Bộ Tài chính, người dân có thể công đức qua chuyển khoản hoặc các phương thức điện tử - Ảnh: T.ĐIỂU
Đây là nội dung đáng chú ý của dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội được Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý ngày 28-4.
Công đức bằng tiền, giấy tờ có giá, vàng…
Về hình thức tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích, dự thảo nêu người làm công đức, tài trợ bỏ tiền vào hòm công đức; đưa cho bộ phận tiếp nhận công đức tại di tích; chuyển tiền vào tài khoản của cơ sở quản lý di tích mở tại ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất khuyến khích công đức bằng tiền bằng hình thức chuyển khoản, phương thức điện tử.
Đối với công đức, tài trợ bằng giấy tờ có giá, người làm công đức, tài trợ chuyển giấy tờ có giá cho cơ sở quản lý di tích.
Trường hợp giấy tờ có giá phát hành bằng chứng chỉ hoặc ghi sổ có ghi tên người sở hữu thì người làm công đức phải chuyển nhượng, sang tên giấy tờ có giá cho cơ sở quản lý di tích theo quy định của pháp luật.
Còn công đức, tài trợ bằng kim loại quý, đá quý, cơ sở quản lý di tích có thể tổ chức bán đấu giá hoặc bán cho ngân hàng thương mại. Số tiền thu từ việc bán kim loại quý, đá quý được ghi nhận như đối với khoản công đức, tài trợ bằng tiền.
Tiếp nhận công đức từ 100 triệu đồng phải nộp vào ngân hàng, kho bạc
Trong dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề nghị một loạt nguyên tắc quyên góp, tiếp nhận các khoản công đức.
Cụ thể, việc tổ chức lễ hội, quản lý và sử dụng di tích không được lợi dụng, nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm. Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội phải có sổ sách thu, chi bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, tiết kiệm.
Về hoạt động tiếp nhận tiền công đức, Bộ Tài chính cho rằng cơ sở quản lý di tích phải bố trí người tiếp nhận công đức tại khu vực tiếp nhận công đức trong di tích; mở sổ sách ghi chép đầy đủ, chính xác từng khoản công đức đã tiếp nhận; ghi phiếu công đức theo đề nghị của người làm công đức.
Tùy theo lượng tiền tiếp nhận, định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần, cơ sở quản lý di tích phải kiểm kê. Khi số tiền tiếp nhận được từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở quản lý di tích phải nộp vào tài khoản tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước.
Riêng quản lý hòm công đức, định kỳ hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng, cơ sở quản lý di tích phải kiểm đếm số tiền trong hòm công đức. Mỗi lần mở hòm phải có biên bản kiểm đếm; thành phần tham gia gồm những người được giao giữ chìa khóa hòm công đức, cán bộ phụ trách kế toán hoặc người được giao phụ trách việc ghi chép sổ sách thu, chi tiền công đức và đại diện tổ bảo vệ di tích.
Tiền công đức được chi mua hương hoa, lễ vật, phẩm vật, đèn nhang tại di tích; bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; chi đầu tư xây dựng các hạng mục công trình; trả lương, tiền công, thanh toán dịch vụ công cộng, vật tư văn phòng phẩm, thông tin liên lạc… cho hoạt động tại di tích.
Mức chi tiêu cho các hoạt động phải nằm trong quy chế chi tiêu nội bộ và nguyện vọng của nhà tài trợ.
Trường hợp cơ sở tôn giáo là đơn vị sự nghiệp công lập thì ngoài việc tuân thủ theo quy chế chi tiêu và nguyện vọng của nhà tài trợ còn phải bảo đảm phù hợp với chế độ chi tiêu của cơ quan nhà nước.
Nhận tiền công đức phải mở tài khoản ngân hàng
Đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích tiếp nhận công đức, tài trợ cho lễ hội phải mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoặc Kho bạc Nhà nước. Mục đích để phản ánh các khoản thu, chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội, quản lý di tích và hoạt động lễ hội.
Trường hợp đơn vị tổ chức lễ hội, cơ sở quản lý di tích là cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập phải mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại để tiếp nhận và quản lý tiền công đức, tài trợ.
Nhưng khi sử dụng cho công tác tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội, đơn vị phải chuyển về tài khoản của mình được mở tại Kho bạc Nhà nước để quản lý việc chi tiêu và quyết toán.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận